Nơi dạy tôi biết sẻ chia

Thứ hai, ngày 10/03/2014 12:08 PM (GMT+7)
Báo NTNN đã giúp tôi biết cảm thông, sẻ chia và gần gũi hơn với những cảnh đời cơ cực nói chung và người dân xứ Thanh nói riêng. Chính NTNN đã giúp tôi trưởng thành hơn trong chuyện nghề, chuyện đời...
Bình luận 0
Chuyện giờ mới kể

Chuyện về ảnh, báo Nông thôn ngày nay (NTNN) cũng vô cùng khắt khe. Tôi còn nhớ như in một lần, lúc đó đã 11 giờ 30 phút, nhận được điện thoại của một người anh đã gắn bó lâu năm với báo, (mà đúng hơn với tôi là một người thầy), bảo: “Đầu giờ chiều bài lên trang rồi mà ảnh chưa đạt yêu cầu. Em phải hoàn thành trước 13 giờ, nếu không…”.

Tôi hiểu rất rõ đằng sau câu nói bỏ lửng ấy. Giữa cái nắng như thiêu như đốt của những ngày cuối tháng 5, không một chút do dự, tôi khoác “đồ nghề” lên vai cùng cái bụng đói meo, vượt qua chặng đường gần 50km để chụp lại tấm hình. Mệt thật đấy, nhưng mang lại cho tôi cảm giác lâng lâng khó tả khi biết rõ đứa “con tinh thần” của mình sắp ra đời.

Tác giả (ngoài cùng bên phải) trong một lần đi tác nghiệp.
Tác giả (ngoài cùng bên phải) trong một lần đi tác nghiệp.

Hay có lần, tôi được giao đi điều tra về việc “ớt tăng giá bất thường”. Để có được thông tin phong phú, chính xác, tôi đã đi một số huyện chuyên trồng ớt của tỉnh Thanh Hóa. Đến xã Định Liên, huyện Yên Định, sau khi trò chuyện, tôi đã được các bác nông dân dẫn đến nhà một chủ cửa hàng chuyên thu mua các loại ớt.

Ban đầu, họ nhìn tôi với một ánh mắt thật “đặc biệt”, cùng với một thái độ không mấy thiện cảm. Nhưng sau khi nghe tôi giới thiệu và trình bày “nhiệm vụ” của mình, vậy là vợ chồng chủ cửa hàng ấy trở nên niềm nở, thân thiện hẳn. Họ tâm sự những cái thuận lợi, khó khăn, vất vả của nghề, việc xuất, nhập ớt như thế nào… thậm chí cả chuyện đời tư.

Khi tôi đến huyện Vĩnh Lộc cũng đã gần 12 giờ trưa, tìm một quán ăn để “động viên” cái bụng và quan trọng là có nơi tá túc, đợi qua giờ nghỉ trưa. Phải vượt qua hơn 30km nữa mới đến được với vùng chuyên trồng ớt. Trong vai một người chuyên thu mua, tôi mới có thể tiếp cận được các ông chủ thu mua ớt ở vùng này và được biết họ cũng phải bí mật thu mua, nếu không sẽ bị bắt, bị phạt.

Vòng qua bao nhiêu con đường đá gồ ghề tôi mới đến được cánh đồng trồng ớt. Cả cánh đồng ớt không có lấy một bóng người, sân HTX cũng vắng teo. Vậy thì lấy cái gì để chụp hình bây giờ?

Sau khi lấy được thông tin từ bà con nông dân cũng như ý kiến của lãnh đạo địa phương, tôi đành ngậm ngùi phóng xe về thành phố (cách 50km, lúc đó đã 18 giờ) để 5 giờ sáng mai dậy sớm đi cho kịp vì theo lời lãnh đạo địa phương, 7 giờ sáng mai mới đúng lịch thu mua ớt.

Đang hoan hỉ khi nhiệm vụ sắp hoàn thành, thì đến hơn 10 giờ trưa hôm sau tôi nhận được điện thoại của anh Thế Lượng (PV thường trú báo NTNN tại Thanh Hóa): “Bài đã tạm ổn, nhưng theo anh, em phải lấy ý kiến của lãnh đạo công ty thu mua ớt này…”. Tôi nhấn cuộc gọi đi, chỉ cầu mong đầu bên kia bắt máy.

Sau khi nghe tôi trình bày, vị giám đốc công ty kia đồng ý hợp tác nhưng: “Trời nóng quá nên anh phải thuê khách sạn để làm việc”. Thuyết phục thế nào ông ta cũng không chịu rời khách sạn. Tôi đành chấp nhận đến điểm hẹn “đặc biệt” đó, nhưng để an toàn, tôi gọi thêm một đồng nghiệp để cùng vào phòng vị giám đốc nọ. Đây cũng là bài học đầu tiên giúp tôi biết quá trình thực hiện bài điều tra thế nào.

Trưởng thành nhờ báo

Sự khắt khe của tờ báo có nhiều lúc tôi cảm thấy vô cùng áp lực nhưng lòng “say” nghề đã ăn sâu vào máu thịt tôi từ lúc nào không hay. Những lời động viên của đồng nghiệp đã giúp tôi nhanh chóng quên đi tất cả mọi áp lực. Tôi mê cái cảm giác được xách ba lô lên, đi và… cảm nhận!

NTNN là tờ báo có nội dung sâu sắc, đặc biệt quan tâm đến người nông dân và cung cấp những thông tin mà nhà nông cần để thoát nghèo hiệu quả, tôi càng quyết tâm theo đuổi với hy vọng được phục vụ tờ báo, thông qua đó phục vụ bà con nông dân.

Xuất thân từ vùng đất chiêm trũng Hà Trung (Thanh Hóa), nơi bà con quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nên tôi hiểu rất rõ nỗi khó khăn, vất vả và những gì người nông dân đang cần.

NTNN là tờ báo có nội dung sâu sắc, đặc biệt quan tâm đến người nông dân và cung cấp những thông tin mà nhà nông cần để thoát nghèo hiệu quả, tôi càng quyết tâm theo đuổi với hy vọng được phục vụ tờ báo, thông qua đó phục vụ bà con nông dân.

Càng ngày tôi càng yêu NTNN hơn bởi có những bài viết mang hơi thở của vùng quê nghèo như chúng tôi. Để rồi, tôi biết đau hơn với nỗi đau những cảnh đời bất hạnh, biết thấu hiểu nỗi vất vả, khổ cực của bà người nông dân khi được chứng kiến hiện trường vụ khai quật hóa chất độc hại ở Công ty Nicotex Thanh Thái (xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy)... Những nơi ấy, nếu không đi, không cảm nhận thì không thể đau nỗi đau chung của bà con “vùng đất chết” xứ Thanh này.

Sau những ngày tháng cố gắng, tôi đã dần trưởng thành hơn trong cách viết tin, bài. Mỗi lần có đề tài, tôi đều nhận được sự chỉ bảo, hướng dẫn tận tình cách triển khai bài thế nào, làm sao cho tốt, chụp ảnh thế nào cho đẹp… đó là điều tôi biết ơn nhất đối với người làm báo NTNN.

Qua những tâm sự, những câu chuyện này, chắc chẳng ai nghĩ rằng, tôi mới chỉ là một cộng tác viên của NTNN. Nhưng điều đó không quan trọng, bởi trong sâu thẳm tâm hồn, tôi luôn nỗ lực hết mình để đóng góp cho tờ báo với hy vọng một ngày nào đó mình sẽ trở thành thành viên chính thức của “gia đình” này!
Hoài Thu (Hoài Thu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem