1. Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ (với kịch bản chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) ngay khi ra mắt đã được truyền thông tung hê ưu ái, phần vì phim làm công phu, nghiêm túc, phần vì đề tài thiếu nhi đã trở nên… “khan hiếm” quá lâu trên màn ảnh Việt.
Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được kỳ vọng sẽ giải tỏa “cơn khát” phim thiếu nhi, sẽ là một bộ phim nghệ thuật, và có doanh thu khả quan.
Một cảnh trong phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"
Từ những thập niên 80, 90 thế kỷ trước, đề tài thiếu nhi từng được các nhà làm phim “để mắt” tới với những bộ phim từng được khán giả “nhí” yêu thích như: Sơn ca trong thành phố, Hoa của đất, Học trò thủy thần… Kể từ khi điện ảnh bước vào giai đoạn xã hội hóa với sự tham gia ồ ạt của các hãng phim tư nhân, đề tài thiếu nhi trở nên… “xa lạ” với màn ảnh Việt.
Có nhiều lý do để dẫn tới sự “xa lạ hóa” đề tài thiếu nhi trong điện ảnh Việt đương đại. Nhưng lý do lớn nhất, chung quy vẫn một chữ: Tiền. Khi điện ảnh tư nhân thống trị các rạp chiếu, những đề tài ăn khách, dễ bán vé như “Gái nhảy”, “Những cô gái chân dài”, “Mỹ nhân kế”… tất nhiên sẽ theo đó thống trị màn ảnh. Đề tài thiếu nhi bị “thất sủng” bởi không thể cạnh tranh phòng vé với các “chân dài”, là lẽ dễ hiểu.
Kịch bản về đề tài thiếu nhi (với cả phim điện ảnh và phim truyền hình) xưa nay cũng đã trở thành… “hàng hiếm”. Có thể, các biên kịch nghĩ rằng, kịch bản thiếu nhi không còn ăn khách, không còn hợp với thị hiếu khán giả, không còn hợp với thời đại nữa. Cũng có thể, những câu chuyện trong trẻo của tuổi thơ đã trở thành… đề tài khó với các biên kịch của thời đại chạy đua “cơm áo gạo tiền”.
2. Bao nhiêu năm đã trôi qua, Nguyễn Nhật Ánh vẫn là nhà văn sáng tác cho thiếu nhi xuất sắc nhất, hay nhất, và gần như… độc nhất. Từ những năm 80, 90 thế kỷ trước, khi thế hệ 8X say sưa trên những trang viết “Đi qua hoa cúc”, “Bàn có 3 chỗ ngồi”, “Bồ câu không đưa thư”… Đến bây giờ, vẫn là Nguyễn Nhật Ánh với “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, “Ngồi khóc trên cây”, “Bảy bước tới mùa hè”…
Những cuốn sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từ lâu đã trở thành những kỷ niệm đẹp trong tuổi thơ nhiều thế hệ
Tại những ngày Văn học châu Âu ở Việt Nam, trong một tọa đàm về sách truyện cho thiếu nhi, bên cạnh những tranh cãi dành cho những cuốn truyện cổ tích tái bản với nội dung bạo lực, sai lệch, thậm chí còn “sex hóa”, người ta cũng đặt câu hỏi về “vấn đề”- sáng tác truyện cho thiếu nhi hiện nay. Đến cuối buổi tọa đàm, sau khi tranh cãi nảy lửa về những cuốn sách thiếu chất lượng cho thiếu nhi, các nhà văn, các nhà xã hội học, tâm lý học tham gia tọa đàm vẫn đi đến một kết luận, “Nguyễn Nhật Ánh vẫn là nhà văn sáng tác sách truyện cho thiếu nhi xuất sắc nhất”.
Và gần nhất, kịch bản điện ảnh “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” chuyển thể từ truyện dài cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh đã được đưa lên màn ảnh.
3. Khan hiếm phim thiếu nhi “made in Việt Nam”, thế nên, gần 30 năm nay- “Tây Du Ký” (1986) của Trung Quốc vẫn đều đặn lên sóng khắp các kênh truyền hình Việt Nam mỗi dịp hè về để phục vụ các thế hệ khán giả “nhí”, từ 7X, 8X đến bây giờ. Thậm chí, “Tây Du Ký 1986” còn trở thành… tuổi thơ của nhiều thế hệ khán giả Việt Nam. Mỗi giai điệu, mỗi nhân vật của “Tây Du Ký- 1986” đều đầy ắp ký ức, đầy ắp kỷ niệm thơ ấu của biết bao khán giả Việt Nam.
Tây Du Ký sẽ còn là "thơ ấu" của bao nhiêu thế hệ thiếu nhi Việt Nam nữa?
4. Hoạt hình cũng là một “vấn đề” nan giải khác của các nhà làm phim Việt. Chuyện phim hoạt hình Việt bị tụt hậu, bị hoạt hình thế giới bỏ lại phía sau hàng thế kỷ… đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Khi điện ảnh thế giới đã kiếm được hàng triệu đô với phim hoạt hình, việc sản xuất phim hoạt hình ở Việt Nam vẫn “túc tắc” với những phim ngắn, thỉnh thoảng phát sóng trên truyền hình cho vui, hoặc tham gia các giải Cánh Diều Vàng của Hội Điện ảnh cho… đỡ buồn.
Trong khi hoạt hình thế giới được đánh giá là sự "vô tận" về sức sáng tạo, ý tưởng...
....Hoạt hình Việt Nam vẫn "dặt dẹo"
Và cũng vì thế, “phủ sóng” ở tất cả các kênh truyền hình ở Việt Nam vẫn là hoạt hình Nhật Bản, hoạt hình Trung Quốc, hoạt hình Mỹ.
….
Trong ký ức tuổi thơ của thiếu nhi Việt Nam 10 năm -20 năm nữa sẽ là những gì? Chẳng lẽ, sẽ vẫn là Tây Du Ký, là Đô-rê-mon, là mèo Oggy, là Tom and Jerry…? Hay tệ hơn, là những truyện cổ tích bạo lực, gây sốc?
Chẳng lẽ, lại khó đến thế, để sáng tác những câu chuyện Việt Nam trong trẻo, đẹp đẽ cho thiếu nhi ?
Chẳng lẽ, lại chẳng thể tìm nổi một bông hoa vàng trên đám cỏ xanh?
(Theo Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.