Nỗi lo thiếu vốn phát triển nghề

Thứ năm, ngày 10/05/2012 14:43 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau những lớp học nghề, tay nghề của người lao động ở xã Mỹ Hà, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã tiến bộ vượt bậc nhưng không có vốn để phát triển sản xuất.
Bình luận 0

Dạy nghề để “chuẩn hoá” làng nghề

Nghề làm mộc thủ công đã du nhập về thôn Trám, thôn Đồi, xã Mỹ Hà cách đây khoảng 60 năm trở về trước, từ các bậc tiền bối chuyên đi làm cột dựng nhà cho khắp các vùng trong thôn, xóm.

img
Các xưởng mộc ở Mỹ Hà đang hoạt động cầm chừng.

Vài năm trở lại đây, nhu cầu về sử dụng các vật dụng cao hơn, đòi hỏi phải có tay nghề giỏi mà các hộ làm mộc thủ công như gia đình bà Thuận chỉ làm theo kiểu tay quen, không theo chuẩn nào cả. Vì vậy, năm 2011, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm tỉnh Bắc Giang đã tổ chức 2-3 lớp đào tạo nghề mộc sơ cấp. Thợ làng theo học rất đông và đã biết cách áp dụng những kỹ thuật mới tinh xảo, bài bản hơn.

“Tham gia học, chúng tôi được tiếp cận công nghệ mới như sử dụng thước đo có gắn số âm dương, máy xẻ gỗ công nghệ cao có thể xẻ để thớ gỗ được đều và mỏng, giúp rút ngắn được thời gian gia công nguyên liệu thô. Do vậy, ai cũng hào hứng học”- bà Thuận nói.

Thầy Nguyễn Đình Lừng- giáo viên truyền nghề tâm sự: “Nghề làm mộc thủ công cần sự tỷ mỷ và công phu, dù quy mô lớn hay nhỏ thì các công đoạn sản xuất vẫn phải tuân thủ kỹ thuật. Một thợ trẻ phải mất khoảng 5 đến 6 năm theo nghề mới có tay nghề giỏi. Giờ được học bài bản, họ tiến bộ rất nhanh, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất sẽ giảm đi rất nhiều công đoạn, đồng thời không gây ô nhiễm môi trường”.

Ông Quản Văn Hồng – Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hà cho biết: “Hiện toàn xã có 100 hộ gia đình làm nghề mộc, mỗi năm thu nhập khoảng hơn 200 triệu đồng/hộ/năm. Năm 2012, chúng tôi sẽ xúc tiến hoàn thành các tiêu chí để làng nghề truyền thống xã Mỹ Hà được công nhận là làng nghề mới”.

Còn nhiều trăn trở

Kết thúc lớp học, theo đánh giá của ông Hồng, hầu hết các học viên sau khi học xong đều có tay nghề khá, tự làm những sản phẩm đạt chất lượng tốt, nhưng điều họ trăn trở lớn nhất là không có vốn để phát triển nghề.

Anh Thân Văn Mộc, thôn Trám, học viên tham gia lớp học nghề mộc dân dụng chia sẻ: “Đối với những gia đình theo nghề như chúng tôi, yếu tố cần đầu tiên là vốn. Nguyên tiền trang bị máy móc để sản xuất, tôi cũng mất khoảng 100 triệu đồng/năm, lương nhân công cũng khoảng hơn 200 triệu đồng/năm, nguyên liệu thì phải nhập từ địa phương khác, giá thành đắt đỏ. Nguồn vốn chủ yếu là xoay vòng, bù chỗ này đắp chỗ kia. Thiếu vốn thì không trụ nổi”.

“Nếu vay vốn Ngân hàng NNPTNT, chúng tôi chịu số tiền lãi rất cao mà chỉ vay được ít. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm để chúng tôi có thể vay vốn với chính sách ưu đãi”.

Ông Lê Xuân Trung – Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm tỉnh Bắc Giang cho biết: “Những năm trở lại đây, nhu cầu muốn quy tụ các hộ sản xuất lại để hình thành khu sản xuất tập trung. Nhưng cái khó hiện nay là 2 làng vẫn chưa được công nhận làng nghề; các hộ vẫn tồn tại sản xuất nhỏ lẻ, tách rời chưa có quy củ. Đặc biệt là họ rất khó vay vốn duy trì sản xuất, nhất là thời điểm đầu năm 2012. Có xưởng 5-6 thợ vừa học nghề xong thì phải làm việc duy trì vì thiếu nguyên liệu”.

Để giúp các làng nghề - trong đó có làng nghề ở Mỹ Hà phát triển theo hướng bền vững, ông Trung cho rằng rất cần sự quan tâm chỉ đạo của Nhà nước trong việc hỗ trợ nguồn vốn cho học viên sau đào tạo, để họ đổi mới thiết bị công nghệ, đầu tư mẫu mã, phát triển thị trường tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Và việc này cần phải có chính sách đặc thù hơn các quy định đã được nêu trong Quyết định 1956/QĐ-TTg.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem