Với mong muốn lưu giữ lịch sử, ký ức làng quê, xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) đã cải tạo, chuyển đổi nhà văn hóa B thôn 2 thành nhà truyền thống xã Yên Mỹ. Hiện, nhà truyền thống xã như một bảo tàng hấp dẫn nhiều người tham quan...
Trên diện tích 150m², nhà truyền thống xã trưng bày tư liệu, hiện vật với mong muốn tái hiện quá trình hình thành, phát triển làng Yên Mỹ xưa và nay; phản ánh nét đẹp truyền thống, tập quán của quê hương. Đến nay, sau hơn 2 năm hoạt động, nhà truyền thống xã đã được hàng trăm cá nhân đóng góp hơn 300 hiện vật là những vật dụng gắn bó với cuộc sống, lao động, sản xuất, chiến đấu của nhân dân.
Nhiều hiện vật có thời gian trên 100 năm, có hiện vật là những kỷ vật gắn liền với cuộc sống quân ngũ của những người con quê hương Yên Mỹ từng tham gia chiến đấu tại các chiến trường... Nhiều gia đình, cá nhân tâm huyết đóng góp cho nhà truyền thống như ông Trần Đức Hiệp ở xóm 4, bà Nguyễn Thị Hiếu ở xóm 8, bà Trần Thị Hòa ở xóm 9…
Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ Trần Quang Khánh chia sẻ, ông sinh ra và lớn lên tại miền quê giàu văn hóa, lại là vùng bãi ven sông gắn với những trận lũ lụt lịch sử, các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thời kinh tế khó khăn... Dẫu cuộc sống hiện đại nhưng những chiếc xe đạp, mâm đồng, đôi quang gánh, chiếc máy khâu… mang dấu ấn sinh hoạt đặc trưng của làng quê Bắc Bộ một thuở ấy, nếu biết gìn giữ, sắp đặt sẽ vẫn là chiếc gạch nối quá khứ với hiện tại đầy ý nghĩa.
Giới thiệu với khách tham quan chiếc chum to có thể đựng được vài tạ thóc, Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ nhớ lại: "Ngày nhỏ, nhà tôi thường đựng thóc trong chiếc chum sành to đại này, khi thóc gần hết, mẹ vét thóc vào ca rồi đưa ra ngoài... Hay như chiếc xe đạp Hữu Nghị này, ngày xưa quý như ô tô hạng sang hiện giờ. Nó là chiếc xe đạp đầu tiên của xã được Nhà nước tặng đồng chí Nguyễn Văn Năm - lãnh đạo xã giai đoạn 1957-1960"...
Bí thư Đoàn thanh niên xã Yên Mỹ Đàm Mạnh Thi tự hào cho biết, thăm nhà truyền thống, mỗi đoàn viên, thanh niên cảm nhận chân thực về cuộc sống của ông bà, cha mẹ và các thế hệ trước; về hình ảnh quê hương thân yêu, những nét đẹp văn hóa cha ông tạo dựng...
Với bà Trần Thị Huệ - người được tín nhiệm giao trọng trách chăm sóc, quản lý nhà truyền thống của địa phương thì "việc dọn dẹp, chăm sóc, gìn giữ cho nơi đây luôn sạch đẹp và thường xuyên được tiếp nhận những kỷ vật bổ sung cho nhà văn hóa, tôi thấy cuộc sống của mình về già rất vui, khỏe..."
Thú vị nhất là xung quanh hàng rào nhà truyền thống được trồng hoa hồng thơm ngát bốn mùa, ai đi qua cũng muốn vào thăm...
Hiện, nhà truyền thống xã Yên Mỹ đã và đang tất bật phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu và hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Tuy nhiên, đây mới là sự khởi đầu. Nhà truyền thống sẽ tiếp tục được hoàn thiện khu trưng bày ngoài trời, bổ sung tư liệu, hiện vật… góp phần làm tốt công tác giáo dục truyền thống của địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.