Nơi nào ở Việt Nam có loại yến sào được công nhận ngon nhất thế giới?
Nơi nào ở Việt Nam có loại yến sào được công nhận ngon nhất thế giới?
Khánh Nguyên
Thứ ba, ngày 19/01/2021 19:04 PM (GMT+7)
Yến sào ở đảo Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) được công nhận là ngon nhất thế giới, với giá bán cao hơn nhiều lần so với sản phẩm cùng loại ở địa phương khác. Với việc Bộ NNPTNT đang xúc tiến để ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch yến sào sang Trung Quốc, cơ hội cho ngành hàng nghìn tỷ này đang mở rộng.
Trao đổi với Dân Việt về tiềm năng xuất khẩu yến sào sang Trung Quốc, bà Đỗ Tú Quân, Tổng Giám đốc Công ty yến sào Yến Quân cho biết, yến sào Việt Nam được các khách hàng Trung Quốc đánh giá rất cao, trong đó, yến sào Hội An được khách hàng thừa nhận là ngon nhất thế giới.
Theo bà Quân, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của ngành yến toàn cầu, sản lượng yến toàn cầu khoảng 2.000 tấn, trong đó 90% xuất khẩu sang Trung Quốc, riêng Indonesia xuất khẩu tới 1.600 tấn yến sào sang Trung Quốc, nhưng yến sào Việt Nam từ trước đến nay xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ theo đường tiểu ngạch.
"Thị trường Trung Quốc không thiếu yến, nhưng hiện không có yến sào Việt Nam và hiện nay họ rất muốn nhập khẩu yến của Việt Nam, chính vì vậy, họ phối hợp rất nhanh và hiệu quả với đại diện Bộ NNPTNT để hoàn tất các thủ tục để có thể nhập khẩu chính ngạch yến sào Việt Nam" - bà Quân nói.
Sở dĩ người Trung Quốc chuộng yến sào Việt Nam đến vậy, dù nguồn cung từ các nơi khác không thiếu, theo bà Quân, là nhờ danh tiếng yến sào Việt, trong đó có yến sào Hội An đã được khẳng định qua hàng trăm năm nay.
"Thế giới đã biết đến và thừa nhận tổ yến của loài yến trên đảo Cù Lao Chàm, Hội An (Quảng Nam) là loại tốt nhất thế giới, giá có thể lên đến 8.000 USD/kg mà không có hàng để bán" - bà Quân nói.
Yến sào được xem là “vàng trắng” của thành phố Hội An. Được biết, ngày 23/11/2020, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) đã ban hành Quyết định số 4522/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00091 cho sản phẩm yến sào “Cù Lao Chàm – Hội An”.
Theo Bản thảo cương mục, yến sào vị ngọt, tính bình, vào hai kinh phế và vị, thường được dùng làm thức ăn bổ dưỡng.
Yến sào có giá trị rất cao trong việc phục hồi nhanh sức khỏe cho các trường hợp: suy nhược cơ thể, mệt mỏi, biếng ăn, khí huyết yếu kém, cơ thể nóng, mất ngủ, tim đập nhanh, gầy ốm, da vàng, hen suyễn…và sau khi ốm dậy.
Nghề khai thác tổ chim yến trong các hang đảo ở Cù Lao Chàm đã có từ rất sớm. Dưới thời phong kiến, việc quản lý và khai thác yến tại đảo Cù Lao Chàm do cư dân làng Thanh Châu đảm nhiệm. Với vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống cư dân và lịch sử dân tộc, nghề khai thác yến sào Thanh Châu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, yến sào Cù Lao Chàm – Hội An có dạng hình cánh sen, mùi tanh đặc trưng, không có mùi lạ, vị hơi mặn, béo ngậy.
Danh tiếng và chất lượng đặc thù của yến sào Cù Lao Chàm – Hội An có được nhờ các điều kiện tự nhiên của khu vực địa lý. Cù Lao Chàm là một trong số rất ít đảo của cả nước còn giữ được thảm thực vật có độ che phủ tương đối lớn, khoảng 60-70%, là nơi cư trú của nhiều loài động vật.
Ngoài các yếu tố tự nhiên của khu vực địa lý, kỹ thuật khai thác và sơ chế yến sào cũng là một yếu tố đảm bảo chất lượng của yến sào Cù Lao Chàm – Hội An. Việc khai thác và sơ chế yến sào được thực hiện hoàn toàn bằng thủ công.
Việc khai thác được chia thành hai kỳ, từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5 (khi chim yến đã đẻ 2 trứng), và từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9 (khi chim non đã rời tổ). Khi tiến hành khai thác, thợ khai thác không được để tổ và trứng yến bị dập vỡ. Thời gian khai thác thường từ 9h sáng tới 3h chiều trong vòng 4 – 5 ngày liên tục.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.