Nỗi niềm với dân ca Cơ Tu

Huyền Trang Thứ ba, ngày 22/07/2014 09:31 AM (GMT+7)
Ở cái tuổi bên kia quãng dốc cuộc đời, già làng AViết Bia - người dân tộc  Cơ Tu, thôn Pà Xua, xã Tà - Bhing, huyện Nam Giang (Quảng Nam) vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm về dân ca Cơ Tu đang bị mai một theo thời gian. Hiện ông là người già duy nhất còn giữ lại những điệu dân ca Cơ Tu.
Bình luận 0

Sợ có lỗi với tổ tiên

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống dân ca, ngay từ năm 10 tuổi, già làng AViết Bia đã theo cha học hát. Già AViết Bia kể: “Ngày ấy, già theo cha học những điệu lý cơ bản, cha dạy học khèn crdool, và nhiều nhạc cụ khác”. Theo già, muốn học được dân ca, thì trước tiên phải học hai điệu lý là bh’nooch và bh’booch, học lý giống như học nốt nhạc, phải học từng điệu một, rồi kết nối chúng lại thành một điệu hoàn chỉnh.

Già nói, muốn thể hiện đúng cái “hồn” lời ca của các điệu như T’bươn axiu (Hát bắt cá), Cha chấp,… cần có đầy đủ nhạc cụ như sáo aluốt, trống chgơl…Như để miêu tả lời ca, già AViết Bia lấy ra một cây khèn, vừa thổi, vừa hát một bài trong điệu Cha chấp, rồi giải thích cho chúng tôi nghe nội dung đoạn dân ca: “Đó là lời cô gái nói với chàng trai về nỗi nhớ mong tình yêu. Tôi đi làm, tôi nhớ anh, lâu rồi không thấy anh. Tôi nhớ anh đến nỗi đi rẫy quên cầm rựa, anh không về, tôi ăn cơm không nổi”. Sau này càng lớn lên, già lại càng ham lời ca Cơ Tu. Già nhớ lại, hồi ấy, cứ mỗi tối, bên ánh lửa của làng, các già làng ngồi lại, dạy con cháu từng điệu hát, và đến mùa vụ, tết, lại tổ chức hát dân ca.

Thoáng chốc già AViết Bia đã 75 tuổi, nhưng trong trí nhớ vẫn còn rành rọt 50 bài hát dân ca Cơ Tu. Mặc dù không biết nhiều mặt chữ phổ thông, nhưng nói rất thạo, già có hẳn một cuốn sổ ghi lại lời bài hát, già bảo: “Tôi không nhớ nhiều mặt chữ phổ thông, nội dung trong cuốn sổ này tôi nhờ mấy anh, mấy cô cậu trẻ đi học có trường, có lớp về ghi giúp, để sau này, những lời hát ấy không mai một đi”. Trong ánh mắt của già, chúng tôi thấy được nỗi khắc khoải khi dân ca Cơ Tu chẳng còn lại bao nhiêu. Già nói: “Mình sợ nhất là cao tuổi, trí nhớ không còn tốt, quên đi nhiều bài dân ca Cơ Tu, có lỗi với tổ tiên”.

Trông chờ vào câu lạc bộ



Già AViết Bia
    
 Nhờ có CLB, mà tôi lại được hát, hát cho bà con nghe, như ngày xưa cha tôi đã hát. Tôi đã chờ đợi quá lâu, để được sống với dân ca vào những ngày tháng cuối đời”.

 
Câu lạc bộ Dân ca, dân vũ Cơ Tu ra đời và hoạt động gần 2 năm nay do già làng AViết Bia chủ nhiệm. Già chia sẻ: “Từ ngày có câu lạc bộ, các ông bạn già họp lại rất vui, cứ dăm bữa, nửa tháng lại họp với nhau, nói chuyện và dạy hát cho người trẻ. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng thanh niên trong làng đều cố gắng tham gia học.” Anh Bnướch Cheo (thôn Pà–Xua, xã Tà–Bhing), 20 tuổi, theo già AViết Bia học lý từ 2 năm nay tâm sự: “Già AViết Bia, dạy hát rất dễ hiểu. Mỗi sáng tôi đi rẫy, tối về, tôi ghé nhà già để học hát. Giờ tôi đã hát được những điệu lý đơn giản. Tôi có thể vừa thổi khèn và hát cho người yêu tôi nghe”. Nói rồi, anh Bnướch Cheo cầm khèn và ngân nga hát. Chị AViết Xinh - Phó Chủ tịch UBND xã Tà–Bhing, cho biết: “Già A Viết Bia là người già nhất và duy nhất thuộc nhiều điệu dân ca. Già đã truyền lại cho nhiều thanh niên và người già trong làng. Việc thành lập CLB là một hướng đi đúng đắn, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ Cơ Tu. Nếu chẳng may lớp già ra đi, lại có lớp trẻ nối tiếp, để những điệu hát ấy sống mãi mới xóm làng”.

 

Hiện nay, CLB có gần 30 thành viên, từ 20 - 30 tuổi, cứ cách khoảng nữa tháng lại họp một lần, xã cố gắng để tổ chức các chương trình văn nghệ, khuyến khích trẻ em xã tham gia múa, hát lý.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem