Nóng bỏng “cuộc chiến” đất rừng: Người dân, chính quyền cùng ra tòa

Trương Hồng Thứ sáu, ngày 04/11/2016 14:02 PM (GMT+7)
Tại Quảng Nam, thời gian qua và gần đây đang nóng việc tranh chấp đất rừng để sản xuất giữa người dân với doanh nghiệp, người dân với người dân dẫn đến người chết, kẻ đi tù, có đảng viên bị kỷ luật. Chính UBND xã Tam Xuân 2 (huyện Núi Thành) cũng bị kiện ra tòa vì không cho người dân khai thác cây rừng...
Bình luận 0

­­­Người chết, kẻ vào tù...

Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thường - Phó trưởng Công an xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, khẳng định: Mấy năm trở lại đây, tại xã Tam Xuân 2 tình hình mất an ninh trật tự xảy ra tại thôn Thạch Kiều do việc tranh chấp đất rừng với nhau. Tình trạng này không những làm tình cảm xóm làng sứt mẻ, anh em bạn bè xa nhau mà còn phải ra trước vành móng ngựa khi đã xảy ra án mạng làm một người chết.

“Việc tranh chấp rừng tại thôn Thạch Kiều đã trở thành điểm đen về an ninh trật tự. Lực lượng công an xã thời gian qua và gần đây được tăng cường cùng anh em địa bàn tổ chức tuần tra để đảm bảo an toàn hơn cho thôn này, tránh xảy ra những việc đau lòng như trước đó. Về lâu dài, phía công an chỉ đảm bảo an ninh trật tự, còn về giải pháp căn cơ xử lý triệt để vấn đề dai dẳng tranh chấp đất rừng này thuộc về chính quyền địa phương…” - ông Thường nói.

img

Vụ tranh chấp đất rừng giữ hai hộ dân ở thôn Thạch Kiều, xã Tam Xuân 2 dẫn tới hậu quả đau lòng:  1 người chết, 7 người bị thương. Ảnh: T.H

Lật lại hồ sơ vụ án tranh chấp đất rừng ở thôn Thạch Kiều, ông Nguyễn Văn Thường cung cấp, đó là việc tranh chấp giữa gia đình ông Võ Huỳnh Trưởng (40 tuổi) với gia đình ông Huỳnh Huy Cường (50 tuổi, cùng ở thôn Thạch Kiều). Cuộc hỗn chiến giữa hai gia đình ông Trưởng và ông Cường được bắt nguồn từ việc tranh chấp 300m2 đất trồng cây keo. Ranh giới giữa rừng keo hai nhà hàng xóm này là những bụi dứa dại và hàng rào tre. Đã nhiều lần cãi nhau ở rẫy và cũng không ít lần sang nhà nói chuyện phải trái nhưng mâu thuẫn giữa hai hộ vẫn không được giải quyết dứt điểm.

Và rồi cái ngày định mệnh giữa hai gia đình cũng đến là sáng 13.10.2013, bà Nguyễn Thị Thanh Nga (vợ ông Cường) lên rẫy keo của gia đình thuộc gò Đá Trắng (thôn Thạch Kiều) để cắt lá và dọn cỏ. Tiếp đến, khoảng 6 giờ 50 cùng ngày, một nhóm gồm 15 người thuộc gia đình của ông Võ Huỳnh Trưởng kéo đến chỗ bà Nga đang dọn rẫy rồi hai bên xảy ra mâu thuẫn đánh nhau. Huỳnh Huy Hội (24 tuổi, con trai ông Cường) đã dùng mỏ sảy đâm vào ông Võ Huy Trưởng. Cuộc ẩu đả khiến 7 người bị thương, còn ông Võ Huỳnh Trưởng bị thương tích nặng đã tử vong sau 2 giờ cấp cứu.

Ngày 16.9.2014, TAND tỉnh Quảng Nam đã tuyên án đối với Huỳnh Huy Hội 30 tháng tù về tội “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” và Võ Ngọc Hòa (SN 1988, em trai ông Trưởng) 24 tháng tù cho hưởng treo về tội “cố ý gây thương tích”.

Người dân tranh chấp với xí nghiệp

Ông Thường cũng cho hay, không những người dân tranh giành đất rừng với nhau, mà còn giữa người dân với doanh nghiệp là Xí nghiệp Lâm đặc sản Quảng Nam. Việc tranh chấp giữa xí nghiệp này với hai hộ dân ông Lê Văn Phú và Đỗ Văn Sự là 17,4ha đất rừng tại thôn Thạch Kiều. Dù là đất thuộc lâm phần của Xí nghiệp Lâm đặc sản được UBND tỉnh Quảng Nam cấp bìa đỏ, nhưng hai hộ này tranh thủ việc đơn vị khai thác keo đã vào lấn chiếm đất tại đồi Núi Đập để trồng cây. Dù chính quyền xã liên tục họp giải quyết, cuối cùng không được, hai bên đành kéo nhau ra tòa phân xử.

Liên quan đến việc tranh chấp đất rừng tại đây, phóng viên NTNN trao đổi với ông Trần Thanh Xuân - Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2. Ông Xuân cho biết: Việc tranh chấp đất rừng của ông Phú và ông Sự là vi phạm pháp luật, vì đất này đã được nhà nước giao cho xí nghiệp rồi. Nếu dân thiếu đất sản xuất, đất trồng rừng, thì phải phản ánh lên với chính quyền xã, sau đó xã sẽ kiến nghị lên cấp trên yêu cầu công ty giao lại một phần đất cho dân sản xuất, trồng rừng. Còn đằng này, dân không hề phản ánh lên xã mà đã tự ý chiếm diện tích đất của xí nghiệp.

“Việc giải quyết tranh chấp này thuộc thẩm quyền của tỉnh, và mới đây tỉnh đã tổ chức họp dân giải thích rõ, không công nhận đất của người dân. Ủy ban Kiểm tra đã yêu cầu kỷ luật đảng đối với ông Lê Văn Phú (là đảng viên), ngoài ra bên thi hành án đang làm hồ sơ yêu cầu người dân bàn giao đất lại cho xí nghiệp, nếu không sẽ cưỡng chế. Tôi cũng đã kiến nghị UBND huyện Núi Thành và UBND tỉnh cần giải quyết dứt điểm xung quanh việc tranh chấp này…” - ông Xuân cho biết.

UBND xã bị kiện

Cũng tại thôn Thạch Kiều này, một cư dân khác là ông Huỳnh Xuân Thạch và UBND xã Tam Xuân 2 đã kéo nhau ra tòa về việc UBND xã không cho khai thác 4ha cây keo trồng tại rẫy ông Ký (thôn Thạch Kiều) do mưa bão số 11 năm 2013 làm ngã đổ, hư hại.

Sau khi định giá và thẩm định giá trị thiệt hại hơn 20,5 triệu đồng, ông Thạch yêu cầu chính quyền xã Tam Xuân 2 bồi thường thiệt hại cho ông. Nhưng UBND xã Tam Xuân 2 không chấp nhận bồi thường, sau đó ông Huỳnh Xuân Thạch đã kiện UBND xã này ra tòa.

Theo nội dung bản án phúc thẩm số 08 ngày 29.4.2014 của TAND tỉnh Quảng Nam: Trong quá trình giải quyết vụ án, UBND xã Tam Xuân 2 đã liên tục thay đổi lý do cho việc không xác nhận vào hồ sơ xin khai thác, vận chuyển, tiêu thụ gỗ keo nguyên liệu tại rẫy ông Ký; rồi cho rằng khi nộp đơn xin khai thác, ông Thạch không đến UBND xã; có lúc lại cho hồ sơ của ông Thạch không đầy đủ... Do vậy, tòa buộc UBND xã Tam Xuân 2 bồi thường cho ông Huỳnh Xuân Thạch hơn 20,5 triệu đồng; hoàn trả cho ông Thạch chi phí định giá 4,5 triệu đồng...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem