Nóng chuyện dạy liên kết tràn lan, nhiều nơi rà soát, chấn chỉnh “gấp”
Nóng chuyện dạy liên kết tràn lan, nhiều nơi rà soát, chấn chỉnh “gấp”
Mộc An
Thứ ba, ngày 10/10/2023 11:25 AM (GMT+7)
Nhiều địa phương đã có những động thái kịp thời để rà soát và kiểm tra hoạt động dạy học liên kết khi thời gian qua, dư luận rất bức xúc về vấn đề này.
Mới đây, Bộ GDĐT đã có chỉ đạo rà soát, báo cáo tình hình các hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên.
Theo Bộ GDĐT các địa phương đã triển khai tổ chức nhiều hoạt động như: giáo dục kỹ năng sống, liên kết dạy ngoại ngữ, dạy tin học tăng cường, tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường… theo nhu cầu người học. Kết quả đã góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng và giáo dục nhân cách toàn diện cho người học. Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa còn có hạn chế dẫn đến băn khoăn, lo lắng và tạo dư luận không tốt về hoạt động giáo dục này. Bộ GDĐT đề nghị các Sở GDĐT tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về liên kết, tổ chức, triển khai hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa theo nhu cầu người học; báo cáo tình hình triển khai các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại địa phương…
Một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An… đã có những động thái kịp thời để kiểm tra, rà soát hoạt động dạy học liên kết.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ đầu năm học 2023-2024 do Sở GDĐT Hà Nội tổ chức sáng 5/10, Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu các trường tuyệt đối không chèn giờ dạy liên kết vào chính khóa nếu lớp đó không đủ 100% học sinh tự nguyện tham gia.
Huyện Sóc Sơn và Thanh Trì của Hà Nội đã chỉ đạo các nhà trường tạm dừng triển khai dạy liên kết. Lãnh đạo Phòng GDĐT huyện Thanh Trì cho hay, đã yêu cầu các trường tạm dừng dạy liên kết theo hướng dẫn của Bộ GDĐT bắt đầu từ ngày 2/10, đồng thời sẽ kiểm tra, rà soát, đánh giá lại việc tổ chức giảng dạy chương trình liên kết và hoạt động ngoài giờ chính khóa.
Phòng GDĐT huyện Sóc Sơn cũng có công văn đề nghị các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện tạm dừng toàn bộ hoạt động liên kết trong các nhà trường trên địa bàn. Bên cạnh đó, ngành giáo dục huyện này đề nghị các trường học tuyệt đối không được ép buộc học sinh, phụ huynh học sinh học các chương trình liên kết trong nhà trường với bất kỳ hình thức nào; không sắp xếp thời khoá biểu học chương trình liên kết xen kẽ với các buổi học chính khóa của học sinh.
Tại Hải Phòng, Sở GDĐT tỉnh cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động liên kết giáo dục, bên cạnh những kết quả đã được ghi nhận, vẫn còn xuất hiện một số tồn tại, hạn chế ở một số nhà trường. Sở GDĐT đã có chỉ đạo, hướng dẫn để tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động liên kết bằng nhiều công văn, cuộc họp với trưởng các phòng GDĐT quận, huyện và đại diện các cơ sở giáo dục về công tác liên kết.
Hiện Hải Phòng có 253 trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục, kỹ năng sống, trong đó 54 trung tâm có liên kết với 518 trường học trên địa bàn thành phố.
Tại Hội nghị giao ban với 54 trung tâm tin học, ngoại ngữ, kỹ năng sống, Giám đốc Sở GDĐT đã quán triệt và yêu cầu các trung tâm nâng cao trách nhiệm trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà trường thực hiện các quy định về liên kết giáo dục.
Sở GDĐT Đà Nẵng đang kiểm tra một số phòng giáo dục và đi thực tế các trường, trong đó có việc tổ chức dạy học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài. Theo Sở GDĐT Đà Nẵng, đây là môn học tự nguyện, các trường chỉ được tổ chức ngoài giờ học chính khóa. Sở này nghiêm cấm việc gợi ý, ép buộc học sinh tham gia.
Trước đó, tại Nghệ An, Sở GDĐT tỉnh này quyết định tạm dừng việc liên kết dạy kỹ năng sống trong cơ sở giáo dục công lập, đồng thời rà soát các trung tâm, thẩm định chương trình dạy kỹ năng sống.
Theo Sở, thực tiễn triển khai nội dung kỹ năng sống còn nhiều bất cập. Khi nào các trung tâm kỹ năng sống đảm bảo yêu cầu theo công văn hướng dẫn trên, Sở GDĐT mới thẩm định cho phép triển khai thực hiện vào nhà trường theo đúng quy trình.
Đầu năm học mới, Sở GDĐT Thanh Hóa đã có hướng dẫn các sơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thực hiện các khoản thu, chi trong trường học năm 2023 - 2024. Trong đó nhấn mạnh, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, dạy học làm quen với tiếng Anh nếu có tổ chức thì phải thực hiện ngoài giờ học chính thức, không được chèn vào giờ học chính khóa. Không vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm; không tổ chức theo lớp học chính khoá. Mức thu tối đa 12.000 đồng/học sinh/tiết học (mỗi tuần không quá 3 tiết học) đối với hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khoá.
Trước vấn nạn dạy thêm, học thêm tràn lan, chia sẻ với Dân Việt, chuyên gia giáo dục độc lập, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đặt câu hỏi: "Tại sao các trường phải mở thêm các lớp, thiết kế thêm các tiết dạy tăng cường xen vào giờ học chính khóa của học sinh. Không lẽ Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GDĐT ban hành không đủ để đào tạo học sinh một cách toàn diện?".
Theo bà Hương, khi các trường lạm dụng học thêm, học liên kết để đưa thêm nhiều các nội dung vào trường, một lần nữa sức ép lại đổ lên vai trẻ em. Các lớp tiểu học bị gây sức ép khá nặng khiến phụ huynh lo lắng dẫn đến việc đề nghị học thêm. Các lớp lớn hơn áp lực thi cử nên cũng ép học sinh đi học cả ở trường lẫn ở nhà.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.