“Tôi đầu tư trang trại mất hơn 1 tỷ đồng, đã hoàn thiện. Tôi mời cán bộ quỹ hỗ trợ nông dân xuống đo vẽ để vay vốn ưu đãi dành cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Nhưng cán bộ yêu cầu phải có hóa đơn. Làm nông nghiệp chi phí trăm thứ, đòi nông dân phải có hóa đơn thì biết lấy đâu ra?” - ông Chiến thẳng thắn nói.
Ông Đoàn Minh Chiến hướng dẫn khách tham quan trang trại tổng hợp ở huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh: T.M
Tại trang trại tổng hợp diện tích hơn 54ha ở xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, ông Đoàn Minh Chiến trồng nhiều loại cây ăn trái, cao su và cây lấy gỗ quý. Toàn bộ diện tích cả 2 trang trại của ông đều đã được trang bị tưới tự động để giảm chi phí tưới. Các khâu cơ giới hóa khác cũng được ông đầu tư khá bài bản, đồng bộ. Đặc biệt, ông Chiến đã chú trọng việc sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP.
Thừa nhận thực tế này, Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương Phạm Văn Cành đã yêu cầu Sở NNPTNT phối hợp chặt chẽ với quỹ hỗ trợ phát triển tỉnh có trách nhiệm gỡ khó về vốn cho nông dân.
Ông Cành khẳng định tỉnh đặc biệt ủng hộ các hộ nông dân vay vốn để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay việc tiếp cận vốn vay còn một số hạn chế về thủ tục. Việc triển khai tại các địa phương cũng chưa đồng đều. Về lâu dài, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng và phát triển nguồn vốn từ các quỹ hỗ trợ để góp phần giúp nông dân thực hiện tốt các mô hình phát triển kinh tế.
Theo ông Phạm Văn Cành, hiện tỉnh Bình Dương có nguồn vốn hỗ trợ phát triển gần 100 tỷ đồng. Năm 2017, Hội Nông dân tỉnh này đã xét cho 2.344 hộ nông dân vay hơn 54,3 tỷ đồng cho 130 dự án. Tính đến cuối năm 2017, Hội đã thu hồi số tiền gần 43,5 tỷ đồng của 107 dự án. Tổng dư nợ của toàn tỉnh là hơn 99 tỷ đồng cho 4.078 lượt hộ vay đầu tư 269 dự án sản xuất, chăn nuôi và dịch vụ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.