Nuôi heo ở Bình Phước thời "bão giá", người nghĩ đủ cách "cầm cự", kẻ bỏ "cuộc chơi"

Chủ nhật, ngày 23/04/2023 13:20 PM (GMT+7)
Tìm loại thức ăn chăn nuôi sẵn có để thay thế, giảm đàn, thậm chí là bỏ nghề tìm hướng sinh kế mới… là tình hình chung của nhiều hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Bình Phước trước nghịch lý “giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá thịt thành phẩm giảm” thời gian qua.
Bình luận 0

Lỗ nặng vì nuôi heo

Anh Nguyễn Văn Dũng ở ấp Hiệp Thành, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) gắn bó với nghề chăn nuôi heo đã hơn 20 năm. 

Những năm trước, lúc nào trong chuồng nhà anh cũng nuôi từ 10-20 heo nái và hơn 200 con heo thịt. Với kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm, các lứa heo luôn phát triển tốt và đem lại cho gia đình nguồn thu ổn định. Thế nhưng hiện tại, các ngăn chuồng nuôi vắng ngắt, máng ăn bỏ không… 

“Bão giá” thức ăn chăn nuôi trong năm 2022, cộng thêm giá đầu ra giảm sâu khiến anh rơi vào cảnh thua lỗ nên quyết định tạm dừng chăn nuôi. 

Anh Dũng xót xa: “Cũng hụt hẫng lắm vì chăn nuôi heo từng là thu nhập chính của gia đình. Mình gắn bó với con heo, chăm sóc heo bao lâu nay, bây giờ lại cảnh “chuồng không, máng trống”. Nhưng biết làm sao được, hiện giá thức ăn tăng cao quá, trong khi giá thịt thương phẩm lại rẻ, mình càng nuôi càng lỗ nặng!”.

Ở ấp Hiệp Tâm, xã Lộc Hiệp, gia đình ông Trần Văn Quang đang cố gắng duy trì đàn heo với hơn 400 con heo thịt hơn 2 tháng tuổi và gần 20 heo nái. 

Ông Quang cho hay, gia đình ông may mắn hơn những hộ nuôi heo khác ở chỗ chủ động được con giống, heo mẹ sinh bao nhiêu con, ông đều để lại nuôi hết. Tuy nhiên, do giá cám tăng liên tục trong thời gian qua, thêm vào đó là các chi phí chăm sóc, điện, nước, thuốc men… nên hầu như chăn nuôi không có lời. 

“Nếu nuôi 1 con heo trong khoảng 4 tháng đạt trọng lượng 1 tạ mà lời được vài trăm ngàn đồng thì người nông dân mới dám nuôi. Còn với giá hiện tại, 1 con heo bán sẽ lỗ khoảng 300-400 ngàn đồng. Gia đình tôi không mất chi phí đầu tư con giống nên coi như huề vốn” - ông Quang cho biết.

Nuôi heo ở Bình Phước thời "bão giá", người nghĩ đủ cách "cầm cự", kẻ bỏ "cuộc chơi" - Ảnh 2.

Ông Trần Văn Quang ở xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) chủ động được heo giống nên gia đình chăn nuôi huề vốn trong thời "bão giá" - Ảnh: Đặng Hùng

Theo người chăn nuôi heo, sau những đợt tăng giá thức ăn chăn nuôi trong năm 2022 thì giá 1 bao cám hiện đã tăng khoảng 100 ngàn đồng so với trước. 

Bình quân nuôi 1 con heo đạt trọng lượng 100kg phải mất từ 8-10 bao cám. Trong khi đó, giá heo hơi xuất chuồng hiện ở mức 48-50 ngàn đồng/kg, thấp hơn từ 5-10 ngàn đồng so với thời điểm 1 năm trước. 

Nếu tính thêm tiền đầu tư con giống, công chăm sóc và các chi phí cần thiết khác thì người chăn nuôi lỗ nặng. Đó là lý do khiến nhiều người đã bỏ chuồng trống, chưa dám tái đàn hoặc chuyển hướng sinh kế khác.

Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hiệp cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh và giá cả thị trường biến động, hiện nay đàn heo của xã đã giảm từ 50-60%. Chung hoàn cảnh với bà con chăn nuôi heo, những hộ nuôi gia súc, gia cầm khác trên địa bàn xã cũng đang giảm đàn để thích ứng thời cuộc, trong đó các trại nuôi gà hầu như đã xóa sổ hoàn toàn.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh Lê Khắc Phú: Thời điểm hiện tại, các hộ chăn nuôi heo nhỏ, lẻ không nên phát triển tăng đàn. Bên cạnh đó, bà con nên tìm kiếm các giải pháp để thay thế bớt nguồn thức ăn phải mua của các công ty, như bắp, cám lau từ nhà máy xay xát, các phụ phẩm nông nghiệp, kết hợp thêm nguồn cá từ các vùng biển lớn về chế biến để giảm chi phí chăn nuôi.

Nỗ lực bám trụ

Khi chăn nuôi heo phải “chịu thiệt kép”, bên cạnh nhiều nông hộ tìm hướng sinh kế mới, thì số hộ kiên quyết gắn bó với nghề này đã và đang tìm mọi giải pháp để bám trụ với hy vọng tình hình chăn nuôi heo sẽ khởi sắc hơn trong những tháng tới.

Ông Bùi Văn Tư ở ấp Chàng Hai, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh chia sẻ kinh nghiệm, nếu chỉ nuôi heo mà không tận dụng phế - phụ phẩm chăn nuôi để phát triển thêm các loại hình kinh tế khác thì nông dân rất dễ gặp rủi ro mất trắng. 

Vì thế, trong những năm qua, gia đình ông đã áp dụng mô hình V.A.C (vườn - ao - chuồng), tận dụng chất thải của khu chuồng nuôi hơn 100 con heo thịt và 7 con heo mẹ làm phân bón cho hơn 1 ha cao su và làm thức ăn nuôi cá. Với tổng diện tích mặt nước khoảng 8.000m2, ông thả cá 3 tầng với các giống mè hoa, rô phi, cá trôi, chép, cá trê… Như vậy, vào thời điểm heo bị rớt giá như hiện nay, gia đình ông Tư vẫn có nguồn thu từ cao su và cá bù lại.

Ông Tư cho biết: “Nuôi 100-200 con heo cho lượng phân rất lớn. Tôi tận dụng phân để bón vườn cây và nuôi cá. Như vậy, tôi vừa đỡ chi phí phân bón cho cây cao su vừa không phải lo thức ăn cho cá. Mỗi năm, gia đình chỉ mất tiền đầu tư cá giống và tẩy ao 3 lần/năm. Điều quan trọng là phải biết lựa chọn giống cá phù hợp với mô hình này”.

Còn với Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hiệp Nguyễn Văn Hà, ông duy trì nghề chăn nuôi heo bằng phương thức chăn nuôi gia công. Nghĩa là khi heo mẹ của nhà sinh heo con, ông chia heo giống cho các hộ tại địa phương nuôi gia công. 

Toàn bộ giống đầu vào, thức ăn, vắc xin, kỹ thuật chăm sóc… ông đều cung cấp cho người chăn nuôi, đến khi heo đạt cân nặng hoặc thời gian dự kiến, ông bao tiêu luôn sản phẩm. 

Ông còn mở quầy bán thịt heo, trực tiếp cung cấp thịt thương phẩm cho người tiêu dùng nhằm giảm chi phí khâu trung gian giết mổ và đưa đi tiêu thụ.

Trước tình hình thức ăn chăn nuôi tăng giá, ông Hà cũng hướng dẫn và kết nối gần 50 hộ chăn nuôi heo trên địa bàn mở mã (code) đăng ký với đại lý cám để mua cám công ty với giá ưu đãi. Khi mở mã (code) như vậy, mỗi bao cám sẽ giảm được từ 30-40 ngàn đồng.

Đối với nhiều hộ chăn nuôi heo khác, việc thắt chặt chi phí đầu tư, giảm đàn cũng là cách để cầm cự chờ giá lên. Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí thức ăn chăn nuôi, nhiều hộ đã sử dụng nguyên liệu sẵn có từ các nguồn thức ăn tinh, thức ăn xanh và phụ phẩm nông nghiệp.

Theo đúc kết của những người chăn nuôi heo lâu năm, để nuôi heo có lời cần 3 yếu tố: con giống tốt, cám tốt và kỹ thuật tốt. Lý giải điều này, ông Trần Văn Quang ở xã Lộc Hiệp cho rằng, nếu chọn giống không tốt thì heo sẽ chậm lớn, tốn thêm chi phí thức ăn. 

Nếu cám tốt, heo chỉ ăn khoảng 8 bao là đạt 100kg, có thể xuất chuồng, nhưng cám kém chất lượng thì phải mất từ 10-11 bao heo mới đạt trọng lượng như ý muốn. Nuôi đúng kỹ thuật, heo sẽ phát triển tốt, nâng cao khả năng phòng, chống dịch bệnh. 

Thêm vào đó, người chăn nuôi heo cũng cần nhanh nhạy trong phán đoán thị trường, “làm kinh tế theo kiểu đón lõng”, chủ động thay đổi phương án chăn nuôi để kịp thời giảm thiểu rủi ro khi giá cả thị trường biến động.

Ngọc Huyền (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem