Nuôi heo đen thả vườn chịu ăn khan khổ, nhiều người ham mua, nông dân miền núi Ninh Thuận khấm khá lên

Đức Cường Thứ tư, ngày 15/03/2023 15:10 PM (GMT+7)
Nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân mà nhiều hội viên, nông dân ở Ninh Thuận đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu bằng mô hình liên kết. Tiêu biểu là mô hình nuôi heo đen của nông dân xã Suối Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.
Bình luận 0

Từ giới thiệu của Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, PV Dân Việt đã tìm về thôn Suối Đá, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc để "mục sở thị" mô hình nuôi heo đen theo chuỗi giá trị của Chi hội nghề nghiệp thôn Suối Đá, xã Lợi Hải.

Đây là chi hội nghề nghiệp được hưởng lợi từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, qua đó giúp hội viên nông dân có điều kiện mở rộng chăn nuôi để vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Nông dân vươn lên làm giàu từ heo đen đặc sản

Háo hức khoe thành quả với đàn heo đen hơn 50 con đang chăn thả tại vườn, ông Nguyễn Văn Anh, thôn Suối Đá, xã Lợi Hải cho biết, đây là lứa heo đen được ông đầu tư chăn nuôi và gầy dựng sau 2 lần được vay vốn hỗ trợ từ Ban điều hành quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Ninh Thuận.

Nông dân vươn lên làm giàu từ mô hình nuôi heo đen thả vườn ở niềm núi Ninh Thuận - Ảnh 1.

Nuôi heo đen theo chuỗi giá trị tại hộ ông Nguyễn Văn Anh, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc. (Ảnh: Đức Cường)

Cũng theo ông Anh, khoảng hơn chục năm về trước ông đã chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp nhưng không mấy hiệu quả. Đến năm 2016, ông tham gia chi hội nghề nghiệp xã Lợi Hải. Từ đó, chuyển đổi 3,5 sào (3.500 mét vuông) đất hoa màu kém hiệu quả sang chăn thả heo đen.

Từ nguồn vốn 30 triệu đồng của dự án do Quỹ hỗ trợ nông dân giải ngân 540 triệu đồng cho 17 thành viên, ông Anh bắt đầu thả nuôi 10 con heo giống.

Với tập tính sinh sản mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa từ 8 – 10 con nên chỉ sau hơn 1 năm số heo trong trại nuôi của gia đình ông Anh đã tăng lên nhanh chóng. Thời điểm nhiều nhất  lên đến hơn 150 con lớn nhỏ.

Cũng theo ông Anh, heo đen Thuận Bắc được nuôi theo phương thức thả ngoài tự nhiên nên rất ít nhiễm bệnh. 

Thức ăn của heo chủ yếu là cây cỏ và phế phẩm nông nghiệp nên sản phẩm thịt heo có hương vị thơm ngon đặc biệt, được trị trường các tỉnh phía Nam ưa chuộng.

Nông dân vươn lên làm giàu từ mô hình nuôi heo đen thả vườn ở niềm núi Ninh Thuận - Ảnh 3.

Dù giá heo đen không còn cao như trước nhưng mỗi năm ông Nguyễn Văn Anh vẫn thu nhập từ 70-100 triệu đồng. (Ảnh: Đức Cường)

Với giá bán heo giống thời điểm đó (2017-2020) vào khoảng 800.000 – 1.000.000 đồng/con và 120.000 – 150.000 nghìn đồng/kg thịt hơi, gia đình ông thu về trung bình 30 – 40 triệu đồng sau mỗi lần xuất bán. Mỗi năm xuất bán từ 2-3 lần (tùy vào trọng lượng, mức độ sinh sản của đàn heo) mà gia đình ông thu về từ 80 – 120 triệu đồng/năm, cao hơn hẳn so với trồng hoa màu trước đó.

Theo ông Anh, hiện nay dù giá heo đen không còn cao như trước nhưng giá trị thương hiệu heo đen Thuận Bắc ít nhiều đã được khẳng định và được thị trường nhiều nơi biết đến. 

"Mới nhất, tôi vừa xuất bán 30 con heo thịt với giá chỉ trên dưới 50 nghìn đồng/kg hơi. Giá thấp nhưng gia đình cũng thu về hơn 30 triệu đồng. Từ nguồn vốn sau nhiều năm nuôi heo đen, gia đình đã xây được căn nhà mới và mua lại chiếc ô tô cũ để làm phương tiện đi lại...", ông Anh khoe.

Nuôi heo đen theo chuỗi giá trị tại thôn Suối Đá, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. (T/h: Đức Cường)

Cách đó không xa là chuồng trại nuôi thả hơn 30 con heo đen lớn nhỏ của gia đình ông Đỗ Ngọc Anh cùng thôn Suối Đá, xã Lợi Hải (huyện Thuận Bắc) cũng từ nguồn vay trên. 

Ông Đỗ Ngọc Anh cho biết, đây đã là năm thứ 6 gia đình ông nuôi heo đen theo dự án từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân và nhận thấy hiệu quả mang lại là rất tích cực.

Nông dân vươn lên làm giàu từ mô hình nuôi heo đen thả vườn ở niềm núi Ninh Thuận - Ảnh 5.

Hộ nuôi Đỗ Ngọc Anh với hơn 30 heo đen lớn nhỏ đang phát triển khỏe mạnh, cho thu nhập khá. (Ảnh: Đức Cường)

"Từ nguồn vốn vay hỗ trợ của dự án mà gia đình có điều kiện đầu tư chăn nuôi heo đen. Từ ngày chăn nuôi heo đen, gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định, trung bình mỗi năm thu về từ 50 – 60 triệu đồng. Từ đó, có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo..." ông Ngọc Anh chia sẻ.

"Chắp cánh" cho nông dân làm giàu

Ông Nguyễn Văn Hợp, Chủ tịch Hội nông dân xã Lợi Hải (huyện Thuận Bắc) cho biết, với môi trường và khí hậu đặc trưng nên heo đen đã được người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc Raglai chọn làm vật nuôi từ lâu. Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây heo đen bắt đầu được hội viên nông dân đầu tư nhân rộng đàn để nuôi theo hướng thương phẩm và mang lại thu nhập ổn định cho hộ nuôi.

"Hiện toàn xã có gần 1.000 hội viên nông dân thì có đến hơn 70% chọn heo đen làm vật nuôi để phát triển kinh tế. Các hộ nuôi cũng chuyển từ phương pháp chăn thả tự nhiên sang nuôi thả trong phạm vi vườn có rào chắn để hạn chế dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường. Heo đen giờ đây là vật nuôi mang lại nguồn thu nhập khá để nông dân vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã xuống còn hơn 2%, hộ cận nghèo 7%…" ông Hợp cho hay.

Nông dân vươn lên làm giàu từ mô hình nuôi heo đen thả vườn ở niềm núi Ninh Thuận - Ảnh 6.

Toàn xã Lợi Hải có đến hơn 70% hội viên nông dân nuôi heo đen. (Ảnh: Đức Cường)

Theo ông Nguyễn Văn Lắm, Chủ tịch Hội nông dân huyện Thuận Bắc, thời gian qua, nguồn vốn từ Qũy Hỗ trợ nông dân đã giúp nhiều nông dân trên địa bàn huyện có điều kiện phát triển sản xuất để vươn lên thoát nghèo. 

"Nông dân không chỉ được vay vốn, mà còn được hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển bền vững kinh tế gia đình…", ông Lắm cho biết.

Để "chắp cánh" cho nông dân làm giàu trên vùng đất quê hương, trong năm 2022 vừa qua, Hội Nông dân huyện cũng đã phối hợp thẩm định và giải ngân gần 2 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân cho 7 dự án chăn nuôi trên địa bàn.

Mới nhất trong những tháng đầu năm 2023, hội nông dân huyện cũng đã phối hợp tổ chức tổng kết dự án nuôi heo đen tại thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn giai đoạn 2020 – 2022. 

Qua đó, hội tiếp tục phối hợp giải ngân 480 triệu đồng/16 hộ vay để thực hiện dự án nuôi heo đen giai đoạn 2023 – 2025 trên địa bàn xã.

Nông dân vươn lên làm giàu từ mô hình nuôi heo đen thả vườn ở niềm núi Ninh Thuận - Ảnh 8.

Heo đen phù hợp với khí hậu địa phương nên sinh trưởng và phát triển tốt. (Ảnh: Đức Cường)

"Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân bằng việc ưu tiên nhân rộng các mô hình liên kết theo hướng chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực tại địa phương. Qua đó, nâng cao giá trị và tiến đến xây dựng thương hiệu sản phẩm làm ra, góp phần tạo đầu ra ổn định để nông dân nâng cao thu nhập…", ông Lắm cho hay.

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, năm 2022 Hội Nông dân huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận đã giải ngân 7 dự án gồm: Dự án nuôi bò vỗ béo xã Công Hải 450 triệu đồng/15 hộ; dự án nuôi bò vỗ béo xã Bắc Phong 390 triệu đồng/13 hộ; dự án nuôi bò vỗ béo xã Công Hải 450 triệu đồng/15 hộ, dự án nuôi bò vỗ béo xã Bắc Phong 390 triệu đồng/13 hộ; dự án "nuôi tôm hùm lồng" xã Công Hải 300 triệu đồng/6 hộ; dự án nuôi heo đen Láng Me, xã Bắc Sơn 100 triệu đồng/5 hộ; giải ngân dự án nuôi dê, cừu vỗ béo xã Bắc Phong 420 triệu đồng/14 hộ và dự án "Chăn nuôi dê cái sinh sản" của xã Phước Chiến, dự án nuôi bò vỗ béo thôn Xóm Đèn - xã Công Hải 220 triệu/11 hộ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem