Cây rau ăn bổ dưỡng, hoạt huyết, giải độc này cha mẹ tôi trồng để "lộc" lâu dài cho con cháu

Chủ nhật, ngày 23/04/2023 07:16 AM (GMT+7)
Cây rau ngót rừng ở ngay mảnh vườn trước sân mà mãi hôm nay tôi mới biết đến nó. Ấy là một ngày cuối xuân, khi mẹ về miền mây trắng được ba ngày, công việc hậu sự cho mẹ vừa xong, mấy chị em còn quây quần hương khói...
Bình luận 0

 Sáng hôm ấy, cậu em trai đang trầm ngâm bên bàn nước trước sân, thấy các chị ra ruộng hái rau về, như chợt nhớ ra, cậu ra vườn vít ngọn cây ngót rừng bẻ bẻ một hồi, một rổ đầy cành lá non mỡ màng, xanh biếc. 

Cậu bảo: Cây rau ngót rừng này được trồng từ ngày còn cha, em không nhớ là bác nào ở Lạng Sơn ươm cho…

Tôi hơi ngạc nhiên, nếu đúng là vậy thì cây rau ngót rừng này được trồng cách đây gần mười năm rồi, vì cha tôi đã mất cách đây hơn tám năm. 

Cây rau ăn bổ dưỡng, hoạt huyết, giải độc này cha mẹ tôi trồng để "lộc" lâu dài cho con cháu - Ảnh 1.

Theo Đông y, lá và rễ rau ngót rừng đều có tác dụng mát huyết, hoạt huyết, lợi tiểu, giải độc. Khi bị nhiệt do bia, rượu, chỉ cần giã khoảng 40g rau ngót rừng chắt lấy nước uống trong khoảng hai ngày sẽ giảm hẳn. Lá rau ngót rừng còn chữa sởi, ho, viêm phổi, sốt cao, đái rắt, tiêu độc

Mảnh vườn nhỏ trước sân đan xen đủ các loại cây. Mỗi lần về nhà mẹ cha, tôi hay tha thẩn ra vườn, nhìn cây này, ngó cây kia mà chẳng để tâm tên của chúng. Những cây quen thuộc như vạn tuế, mẫu đơn, cây hoè, cây cóc… thì còn biết. 

Có nhiều cây hoa đẹp và hiếm mà mãi sau này mới được biết tên như dạ hợp, mộc hương, hoàng đàn, sưa đỏ… Và cây ngót rừng này cũng thế, nó xanh mướt mát bao nhiêu năm ở đây mà tôi chẳng để tâm đến nó.

Bữa cơm trưa với bát canh rau ngót rừng nấu với tôm khô sao mà ngon thế. Ai đã một lần ăn canh rau ngót rừng thì có lẽ sẽ nhớ mãi vị ngọt thanh của nước canh, vị bùi bùi ngậy ngậy của lá rau quyện với tôm khô. 

Cậu em bảo, loài cây hoang dã này khó ươm, khó trồng… Cái bác yêu thơ văn ấy quí bố mình lắm, dày công đánh cây từ rừng về, ươm cho cây cứng cáp mới mang tặng. 

Cây hoàng đàn này cũng quý lắm, ươm rất khó mà trồng cũng rất khó. Hố trồng cây phải trộn rất nhiều đá vôi để chất can xi thẩm thấu ra đất nuôi cây, cây này cũng là của một bác ở vùng núi Cai Kinh (Lạng Sơn) ươm tặng…

Mảnh vườn chẳng rộng lắm mà đan xen bao nhiêu loại cây. Mỗi cái cây lại mang nhiều kỷ niệm với những người bạn của cha mẹ gợi cho tôi biết bao suy nghĩ. 

Ngày trước tôi thường nghe các bà, các bác trong thôn bảo nhau: Trẻ trồng na, già trồng chuối. Họ bảo có tuổi rồi chỉ trồng những cây ngắn ngày mới hy vọng được thu hái. 

Vậy mà cha mẹ tôi lại trồng những cây lâu năm, trồng hôm nay mà mười, mười lăm, thậm chí hai mười năm sau mới thấy được thành quả, như cây hoàng đàn, trắc bách diệp, chè tía, mẫu đơn núi… 

Ngay cả cây rau ngót rừng này, gần mười năm mà thân cây mới bằng cái cổ tay, tán lá xoè cũng chỉ bằng cái nia sảy thóc, và cũng chỉ ba năm gần đây em tôi mới thu hái vài lần vào dịp mùa xuân, còn để dưỡng sức cho cây thêm khoẻ. Ươm trồng một cái cây công phu như thế, lâu như thế mà cha mẹ tôi vẫn trồng. 

Tôi chợt ngộ ra một điều, cha mẹ tôi luôn nghĩ cho các con, các cháu, nghĩ dài đời chứ không “ăn xổi ở thì”, như thế hôm nay, khi cha mẹ rời đi rồi, thì những cây cối vườn tược vẫn xanh tươi, hoa trái muôn màu vẫn toả hương thơm ngát…

Trọng Linh (Báo Bắc Ninh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem