Nông dân “bỏ rơi” nhà máy

Thứ sáu, ngày 06/05/2011 12:56 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhà máy Bột giấy Phương Nam (huyện Thạnh Hóa, Long An) khi hoạt động sẽ cần đến 20.000ha đay mới đủ cung cấp nguyên liệu. Thế nhưng, người dân chỉ trồng vài ngàn ha đay vì cho rằng nhà máy sẽ lại chậm tiến độ như những lần trước.
Bình luận 0

Năm 2004, Nhà máy Bột giấy Phương Nam với năng lực sản xuất mỗi năm đến 100.000 tấn bột giấy trắng tiêu chuẩn châu Âu, tương đương tiêu thụ 600.000 tấn nguyên liệu/năm được khởi công tại xã Thuận Nghĩa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.

img
Sau 6 năm khởi công, Nhà máy Bột giấy Phương Nam vẫn chưa thể hoạt động.

Người dân “ngậm quả đắng”

Theo kế hoạch, nhà máy sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2007 nên người dân được “vận động” trồng thật nhiều đay để cung cấp cho nhà máy. Dự kiến, khoảng 20.000ha đất trồng lúa năng suất thấp ở vùng Đồng Tháp Mười sẽ được chuyển sang trồng cây đay, trên 30.000 lao động sẽ “chuyển nghề” và có cuộc sống sung túc hơn làm lúa.

Thế nhưng, vụ đay 2007, hàng ngàn hộ dân đã lâm vào cảnh sống dở chết dở khi nhà máy được thi công với tiến độ… rùa bò. Được hứa hẹn, người dân lại trồng tiếp vụ đay 2008 và ngậm trái đắng khi đến tháng 6.2008 thì toàn bộ công trình này… ngừng thi công, bỏ lại ngổn ngang máy móc, thiết bị.

Đến ngày 5.8.2009, nhà máy được chuyển từ Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp và vận tải (Tracodi) sang Tổng Công ty Giấy Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án này ban đầu dự toán khoảng 2.000 tỷ đồng, sau đó đã “đội” lên gần 3.000 tỷ đồng do… trượt giá(!). Điều đáng lo là khi nhà máy đang đẩy nhanh tiến độ thì người dân lại thờ ơ với cây đay.

Ông Nguyễn Văn Hải canh tác hơn 10ha lúa ở xã Bình Hòa Đông (huyện Mộc Hóa) cho biết: “Hồi đó đất này trồng lúa năng suất thấp, nông dân chúng tôi chuyển qua trồng đay để tìm cơ hội làm giàu, nhưng bị mấy “vố” đau như bò đá vì nhà máy không thu mua, dân lỗ nặng. Nay nhà máy vẫn chưa hoạt động, nên có vận động chúng tôi cũng không dám trồng vì sợ cảnh cũ tái diễn”.

Đến lượt nhà máy thiệt thòi

Theo tiến độ, Nhà máy Bột giấy Phương Nam sẽ đi vào hoạt động từ tháng 9.2011. Dù nhà máy này cần tới 20.000ha đay nguyên liệu mới chạy đủ công suất, nhưng toàn tỉnh Long An dự kiến sẽ chỉ có 5.300ha đay, tức chỉ hơn 1/4 nhu cầu thực tế. Và diện tích dự kiến là vậy, nhưng các huyện vùng Đồng Tháp Mười lại đưa ra con số còn thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu này khoảng 2.000ha.

Ông Huỳnh Kim Tùng – Trưởng phòng NNPTNT huyện Thạnh Hóa cho biết, huyện được giao chỉ tiêu trồng 4.000ha đay nguyên liệu. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm ngành nông nghiệp chỉ đưa vào chỉ tiêu là 1.500ha và con số thực tế mà dân trồng thì thấp hơn nhiều. Tương tự, huyện Mộc Hóa được giao trồng 1.300ha, nhưng người dân chỉ trồng vài trăm ha.

img Lúa dù có xuống giá thì tụi tui vẫn bán được để gỡ vốn, hoặc giữ để ăn. Còn cây đay mà không ai mua thì chỉ có nước đốn bỏ như những năm trước. Năm 2012, nếu nhà máy muốn có nguyên liệu thì phải ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, lúc đó nông dân tụi tui mới... xem xét. img

Theo lý giải của ông Tùng, diện tích đay ở huyện nay giảm mạnh do thời gian qua người dân trồng lúa có mức lãi tương đối khá so với trồng đay. Mặt khác, tại xã Thạnh Phước - xã trồng đay chủ lực của huyện, năm nay do mưa trái mùa kéo dài, mặt ruộng sình lầy không phù hợp cho cây đay phát triển, nên người dân không muốn trồng.

Theo tính toán của ông Tùng, với mức giá mà nhà máy cam kết thu mua là từ 500 -650 đồng/kg đay tươi, 7.000 - 8.000 đồng/kg đay sợi thì làm ruộng vẫn có lãi hơn.

Trao đổi với NTNN, nhiều nông dân ở huyện Mộc Hóa cho biết do nhà máy sẽ đi vào hoạt động từ tháng 9 tới mới chỉ là lý thuyết nên họ không dám bỏ vốn vào đầu tư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem