Dân bức xúc vì thiếu công bằng
Trong đợt hạn hán vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng) đã có chuyến thị sát tình hình tại Tây Nguyên để chỉ đạo công tác chống hạn. Sau đó, Chính phủ sau đó đã có quyết định hỗ trợ tài chính cho 21 tỉnh chống hạn và xâm nhập mặn. Gia Lai là 1 trong 21 tỉnh nằm trong danh sách và được Chính phủ hỗ trợ 17,9 tỷ đồng.
Người dân đã H’Bông kéo nhau lên trụ sở UBND xã yêu cầu làm rõ việc chi trả tiền hỗ trợ hạn hán ngày 25.7. ảnh: Đ.N
Xã H’Bông, huyện Chư Sê là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nhất tỉnh này được phê duyệt cấp tiền hỗ trợ hạn hán. Thế nhưng theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, tại địa phương này lại đang xảy ra sự thiếu công bằng trong việc hỗ trợ. Chính vì bức xúc về sự thiếu công bằng này, ngày 25.7 vừa qua, hàng trăm người dân đã kéo đến trụ sở UBND xã yêu cầu làm rõ...
"Vừa qua cả thôn có 28 trường hợp được nhận tiền nhưng lại không nằm trong số những người thôn đã lập danh sách trình UBND xã. “Nhiều trường hợp được nhận tiền mà diện tích rất ít hoặc không bị ảnh hưởng là rất vô lý”.
Ông Nguyễn Anh Văn
|
Ông Đặng Quang Hòa (thôn Ia Sa, xã H’Bông) cho biết: Vườn hồ tiêu hơn 1.000 trụ của gia đình ông bị chết do nắng hạn nhưng chẳng thấy UBND xã cấp tiền hỗ trợ. Cũng như ông Hòa, ông Đỗ Văn Dư ở làng Tê 2 có vườn tiêu 300 trụ bị chết hơn 1/3 mà không hề được hỗ trợ một đồng nào.
Cùng cảnh ngộ, nhà ông Hồ Văn Đại (làng Đek) có 1.300 trụ tiêu thì chết mất 400 trụ cũng không nhận được tiền… “Trong khi đó nhiều nhà không trồng cây nào thì lại được hỗ trợ, vậy thử hỏi công bằng đâu” – ông Đại bức xúc… Theo ghi nhận của phóng viên, phản ánh của người dân là có thật. Nhiều người như bà Nguyễn Thị H (Hội Người cao tuổi xã) hay ông Nguyễn Phi H (Trường Tiểu học xã H’Bông) không hề trồng hồ tiêu hay cây cà phê nào thì lại nhận được tiền hỗ trợ tổng cộng 5 triệu đồng…
Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Lễ - Phó Chủ tịch UBND xã H’Bông cho biết, danh sách các hộ được nhận tiền hỗ trợ là do cán bộ địa chính nông nghiệp xã đi khảo sát hoặc người dân bị thiệt hại trực tiếp tới thông báo. “Khi cán bộ đi rà soát, có một số hộ không báo, sau này không được hỗ trợ thì lại thắc mắc. UBND xã đang cho rà soát lại” – ông Lễ nói.
Rà soát, thống kê lại
Ông Nguyễn Anh Văn- Trưởng thôn Ia Sa cũng cho biết thôn đã có rà soát những hộ bị ảnh hưởng về sản xuất nông nghiệp do hạn hán, lập danh sách để được cấp hỗ trợ. Tuy nhiên mới thống kê được 40 hộ thì dân nghe tin Nhà nước chỉ hỗ trợ cho đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số nên thôi. Vừa qua cả thôn có 28 trường hợp được nhận tiền nhưng lại không nằm trong số những người thôn đã lập danh sách trình UBND xã. “Nhiều trường hợp được nhận tiền mà diện tích rất ít hoặc không bị ảnh hưởng là rất vô lý” – ông Văn nói.
Vườn tiêu bị chết do hạn hán, nhà nông phải đốt bỏ. Ảnh: T.Đ
Ông Nguyễn Cẩm – Bí thư Đảng ủy xã H’Bông cho biết: Sau khi người dân kéo đến UBND xã yêu cầu làm rõ, Đảng ủy xã đã yêu cầu các cán bộ quản lý trực tiếp phải giải trình cụ thể. “Hỗ trợ hạn hán cho người dân là chủ trương lớn của Nhà nước, tôi đang yêu cầu giải trình xem có phải lập danh sách theo kiểu cảm tính, thích ai thì cho người đó không. Nếu ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm”. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hợp – Trưởng phòng NNPTNT huyện Chư Sê cho biết: “Theo phân bổ, huyện Chư Sê được hỗ trợ 7 tỷ đồng, trong đó xã H’Bông là 381 triệu đồng. Tiền hỗ trợ dựa trên mức độ thiệt hại của cây trồng. Đối với những vườn cây bị thiệt hại từ 70% đến mất trắng thì được nhận 4 triệu đồng/ha; từ 30-70% thì được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha. Phòng NNPTNT căn cứ trên danh sách các xã đưa lên để cấp tiền”.
Theo ông Hợp, việc bị bỏ sót đối với người bị thiệt hại là do chính quyền địa phương không rà soát kỹ. Phòng NNPTNT sẽ tiếp tục rà soát, thống kê lại các hộ chưa được nhận tiền để tham mưu cho UBND huyện có hướng xử lý…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.