Nông dân "chết" vì bãi rác Đa Phước: Sống dở, chết dở với dự án treo

Trần Đáng – Hữu Ký Thứ ba, ngày 01/03/2016 08:05 AM (GMT+7)
Để duy trì bãi rác và tránh đầu độc người dân trong khu vực, chính quyền TP.HCM đã cho lập dự án di dời dân. Nhưng nhiều năm qua, dự án không được triển khai để giải tỏa đền bù khiến những hộ dân trong dự án sống dở, chết dở.
Bình luận 0

Theo đó, dự án Khu vành đai xanh nhằm cách ly Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (bãi rác Đa Phước) có diện tích 360ha. Tổng cộng khoảng 600 hộ dân thuộc 2 xã Phong Phú và Đa Phước phải ra đi nhường đất cho bãi rác Đa Phước.

Khốn khổ dân vùng quy hoạch

Xóm Gò – gồm tổ 16, 17 (ấp 1, Phong Phú) là một địa phương nghèo bậc nhất của TP.HCM. Sau những năm làm nông thôn mới, đời sống kinh tế của bà con nông dân ngày một khởi sắc thì lại đứng trước thực tế nghiệt ngã- phải giải tỏa để nhường đất cho bãi rác Đa Phước.

Mất khá nhiều thời gian di chuyển trên những con đường đất rộng vừa đủ cho một chiếc xe máy đi lại, chúng tôi cũng tìm ra nhà ông Bảy Thiệt (Trần Văn Thiệt) ở tổ 17. Một cán bộ ấp 1 cho biết, gia đình ông Bảy Thiệt thuộc loại nghèo nhất nhì ở địa phương. Trong ngôi nhà bốn bề lợp lá dừa cũ nát, tuềnh toàng, vợ chồng ông Bảy Thiệt cắm cúi ngồi lột cọng bồn bồn.“Bây giờ không nhờ cây bồn bồn là chết. Tôm, cá nuôi cứ chết lên, chết xuống” - ông Bảy Thiệt thổ lộ. Mỗi ngày vất vả lột cọng bồn bồn, vợ chồng ông cũng kiếm được khoảng 100.000 đồng  để duy trì cuộc sống.

img

Nhiều ao tôm bị bỏ hoang do nông dân ngán ngại nguồn nước ô nhiễm. Ảnh: Trần Đáng

Theo ông Bảy Thiệt, khoảng 5 năm trước, chính quyền thông báo sẽ triển khai dự án Khu vành đai cây xanh, đã kiểm kê đất và số cây... nhưng hiện vẫn chưa thấy động tĩnh gì cho việc giải tỏa, đến bù.

Sống trong dự án giải tỏa, dân không thể xây dựng nhà cửa, mà chỉ có thể sửa nhà theo hiện trạng ban đầu. Thậm chí, theo ông Bảy Thiệt, chính quyền còn đánh tiếng kêu gọi người dân hạn chế chăn nuôi thủy sản. “Bà con ở đây chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, giờ không làm lấy gì sống?” - ông Bảy đặt vấn đề.

Ông Bảy Thiệt kể, vụ tôm, cá chết cuối năm ngoái ở đây, ông cũng thiệt hại một ao. Vì nhà nghèo thiếu vốn làm ăn, ông chỉ nuôi cá tự nhiên, mỗi năm một vụ. “Tôi vay tiền mua cá giống rồi thả cá để nó tự kiếm ăn chứ không có tiền mua thức ăn cho chúng. Thế mà, tới khi gần thu hoạch chuẩn bị bán tết thì cá chết trắng. Bà xã tôi nhìn cá chết mà khóc ròng mỗi ngày” - ông Bảy Thiệt kể.

Tại ấp 2 (Đa Phước), chị Nguyễn Thị Bế cho biết vì nhà nằm cách bãi rác Đa Phước chỉ khoảng 10m nên không khí rất nặng mùi xú uế. “Tôi đã làm đơn xin được giải tỏa sớm nhưng chưa được chấp thuận. Trong khi đó, dự án Vành đai xanh đến giờ chúng tôi cũng không biết sẽ tiến triển tới đâu” - chị nói. Chung tình cảnh với trường hợp của chị Bế còn có 2 hộ khác.

Thời gian qua, do bên bồi thường Dự án Khu vành đai xanh cách ly Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước đã tiến hành đo đạc và tính toán bồi thường, một số hộ đã bỏ canh tác và thậm chí vay tiền để tiêu xài chờ đền bù. Hiện dự án chưa triển khai, còn số tiền vay lên cao, nhiều hộ không còn khả năng trả vốn và lãi”.
Ông Nguyễn Thành Mỹ - Tổ trưởng tổ 16 (ấp 3, Phong Phú)

Khiếu kiện liên miên

Một thành viên Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng dự án Khu vành đai cây xanh cho biết, cho đến giờ ông cũng không biết dự án này đã tiến triển tới đâu hoặc có tiếp tục triển khai hay không?

Theo ông Nguyễn Minh Hoàng – Phó Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng dự án Khu vành đai xanh, về trường hợp của chị Bế, UBND TP.HCM chưa có ý kiến chỉ đạo. Khi có ý kiến chỉ đạo, Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng sẽ công khai cho hộ dân và thực hiện đúng theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.

Ông Nguyễn Thành Mỹ - Tổ trưởng tổ 16 (ấp 3, Phong Phú) cho biết, đã gửi đơn yêu cầu cho UBND huyện Bình Chánh để biết thêm thông tin Dự án Vành đai xanh đã tiến triển ra sao, có thực hiện hay bỏ, để thông báo cho người dân biết nhằm có kế hoạch canh tác phù hợp và kịp thời, nhưng cho đến giờ vẫn chưa thấy cơ quan chức năng trả lời.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại ấp 1 xã Đa Phước hiện nay còn hàng chục hộ dân khiếu kiện về việc bồi thường giải phóng mặt bằng do bị giải tỏa thực hiện dự án Khu dự trữ phát triển tại xã Đa Phước (khu II) do đơn giá bồi thường không thỏa đáng.

Ông Trần Văn Triệu cho biết, nhà ông đã bị giải tỏa một lần khi nhà nước lấy đất làm đường vào bãi rác Đa Phước. Hiện nhà ông thuộc diện bị giải tỏa lần 2 nhưng đơn giá bồi thường không thỏa đáng. Theo đó, năm 2011 địa phương xuống đo đạc nói lấy đất nhưng lại áp giá đền bù năm 2005 theo giá nhà nước. Như vậy, gần 800m2 đất nhà ông chỉ được bồi thường khoảng 950 triệu đồng. Trong khi theo giá hiện nay, với khu đất mặt tiền Quốc lộ 50 như của ông, giá bán khoảng từ 3 – 4 tỷ đồng. Do không đồng ý với mức bồi thường đó nên gia đình ông  Triệu cho biết sẽ tiếp tục khiếu kiện.../.

(Còn nữa)

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem