Nông dân chưa mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp

Thứ bảy, ngày 07/07/2012 11:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau hơn 1 năm triển khai thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) theo Quyết định 315 ngày 1.3.2011 của Thủ tướng Chính phủ, mới chỉ có 20 tỉnh, thành phố với 98.594 hộ nông dân tham gia.
Bình luận 0

Chưa nhân rộng được đối tượng tham gia

Ngày 6.7, tại Nghệ An, Bộ Tài chính, Bộ NNPTNT và Hội ND tỉnh Nghệ An đã tổ chức hội nghị sơ kết hơn 1 năm thực hiện Quyết định 315. Báo cáo tại hội nghị đánh giá, nông dân vẫn chưa mặn mà với chủ trương được xem là ưu việt này. Đến nay cả nước mới có 98.594 hộ dân tham gia ký hợp đồng bảo hiểm với giá trị bảo hiểm cây trồng, vật nuôi là 959,4 tỷ đồng, phí bảo hiểm 48,7 tỷ đồng.

img
Đại diện các Bộ Tài chính , NNPTNT cùng với 20 tỉnh, thành phố ký kết phối hợp thực hiện thí điểm BHNN.

Trong đó các tỉnh như Bình Thuận, Đồng Tháp, Nghệ An, Thái Bình, Hà Tĩnh, Nam Định, An Giang có 93.945 hộ tham gia bảo hiểm cây lúa với tổng diện tích tích 34.622ha với giá trị bảo hiểm hơn 664 tỷ đồng; 4 tỉnh Bắc Ninh, Đồng Nai, Nghệ An, Vĩnh Phúc có tổng số vật nuôi tham gia bảo hiểm là 1.700 con bò, 79.800 con lợn và 621.000 con gia cầm, với tổng giá trị được bảo hiểm 74 tỷ đồng.

Ba tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh có tổng diện tích tham gia 1.324ha, tổng giá trị được bảo hiểm 220 tỷ đồng, với 1.995 hộ tham gia.

Đến nay cơ quan bảo hiểm đã giải quyết bồi thường 6,6 tỷ đồng. Mặc dù số hộ dân tham gia chưa nhiều (3% số hộ thuộc đối tượng BHNN, trong đó 88% là hộ nghèo), diện tích tham gia bảo hiểm chưa lớn (2,8% diện tích), số lượng vật nuôi, thủy sản tham gia bảo hiểm chiếm tỷ lệ thấp nhưng đã tạo đà để tiếp tục triển khai quyết định quan trọng này.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lều Vũ Điều - Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN cho rằng, mặc dù các bộ, ngành đã có sự vào cuộc nhưng sau 1 năm triển khai thí điểm cho thấy BHNN còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc, số nông dân tham gia bảo hiểm còn hạn chế vì họ chưa thấy được lợi ích từ bảo hiểm này. Qua đó có thể thấy việc phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tham gia còn hạn chế, nhất là ở cấp T.Ư, chưa có văn bản nào mời các tổ chức đoàn thể tham gia...

Nhiều điều khoản sẽ được sửa đổi bổ sung

Tham luận của đại biểu từ các tỉnh, thành phố đã nêu lên hàng loạt vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình thực hiện thí điểm BHNN. Bà Lê Thị Tuyết Hồng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Phó ban chỉ đạoChương trình thí điểm BHNN tỉnh An Giang cho rằng, An Giang được chọn thí điểm BHNN trên cây lúa, thời gian qua triển khai quyết liệt nhưng kết quả vẫn chưa cao.

Nguyên nhân là một số cơ chế, chính sách của bộ, ngành T.Ư chưa đồng bộ, các văn bản hướng dẫn BHNN chậm trong khi trong khi BHNN là một sản phẩm hoàn toàn mới. Thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên tiểu vùng nếu không được Chủ tịch UBND tỉnh công bố dịch sẽ không được bồi thường (Theo Thông tư 47/2011 của Bộ NNPTNT).

Trong khi đó, cấp tỉnh chỉ công bố thiên tai, dịch bệnh với mức độ và phạm vi có tính chất rộng lớn. Bà Hồng kiến nghị với các bộ, ngành T.Ư tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thí điểm BHNN là: Cơ chế chính sách, điều kiện bảo hiểm và kinh phí hoạt động.

Sau 1 năm triển khai thí điểm BHNN cho thấy còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc, nông dân tham gia bảo hiểm còn hạn chế vì họ chưa thấy được lợi gì từ loại hình bảo hiểm này.

Ông Lê Đình Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã nêu lên những bất cập: BHNN nói chung và bảo hiểm cây lúa nói riêng là vấn đề mới, việc triển khai đang gặp nhiều khó khăn, cơ chế chính sách chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thậm chí là bất hợp lý...

Chẳng hạn, theo ông Sơn mức phí bảo hiểm 5,08% là quá cao so với các tỉnh cùng điều kiện; việc đền bù thiệt hại cho nông dân chỉ được thực hiện khi toàn xã có mức thiệt hại trên 20% là không thực tế. Bởi lẽ trong trường hợp sâu bệnh gây hại thì đối với từng hộ có thể thiệt hại lớn nhưng nếu tính chung toàn xã lại không đến mức 20%, nghĩa là người bị thiệt hại vẫn không được đền bù…

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định sẽ phối hợp với Bộ NNPTNT sớm hoàn thiện sửa đổi các cơ chế chính sách. Cụ thể: Bộ NNPTNT ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 47/2011 hướng dẫn việc lựa chọn địa bàn, đối tượng được bảo hiểm, ban hành quy trình, tiêu chuẩn trồng lúa, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tham gia thí điểm BHNN. Bộ Tài chính ban hành quyết định bổ sung sửa đổi quy tắc bảo hiểm, biểu phí, mức trách nhiệm bảo hiểm; đồng thời phối hợp với Bộ NNPTNT và các địa phương nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi một số điểm trong Quyết định 315 cho phù hợp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem