Nông dân đô thị làm giàu, người trồng mai, người nuôi bò, tôm thu tiền tỷ
Nông dân đô thị làm giàu, người trồng mai, người nuôi bò, tôm thu tiền tỷ
Lê Giang
Thứ sáu, ngày 22/12/2023 12:20 PM (GMT+7)
Nhờ đổi mới phương thức sản xuất, những người nông dân đô thị tại TP.Hồ Chí Minh đã hỗ trợ địa phương giúp nông dân làm giàu bằng con giống, cây trồng và chuyển giao kỹ thuật sản xuất.
Giúp người dân vùng biển "hốt bạc" nhờ nuôi tôm, nuôi cá
Về Cần Giờ, nhắc tên ông Đặng Văn Út, hầu hết nông dân trong vùng đều biết. Bởi người nông dân sinh năm 1969 này đã mở đường cho nhiều mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ, cá dứa, cá chốt và cá chim, giúp người dân nơi đây thoát nghèo và có "của ăn, của để" sau nhiều năm.
Người dân xã An Thới Đông kể lại, cách đây 25 năm, dân Cần Giờ chủ yếu sống bằng nghề đánh cá biển và khai thác thủy sản ở vùng đất còn hoang sơ. Khi đó, ông Đặng Văn Út nhận đất rừng ngập mặn và bắt đầu triển khai nuôi tôm sú.
Với kiến thức tìm hiểu được cùng sự học hỏi kinh nghiệm, ông Út thành công bước đầu khi tôm đạt năng suất và giá cao. Có thêm niềm tin, ông mở rộng mô hình nuôi tôm và nhanh chóng trở thành "đại gia" ngành tôm ở Cần Giờ chỉ sau vài năm.
Không giấu nghề, ông Đặng Văn Út chuyển giao công nghệ và hỗ trợ tư vấn bà con nông dân trong địa phương nuôi tôm từ khâu đào ao, hệ thống lọc nước đến con giống và thức ăn cho tôm. Nhờ đó, cả vùng cùng giàu nên nhờ nuôi tôm trên vùng đất ngập mặn. Sau khi thành công với mô hình nuôi tôm sú, ông Út tiếp tục thử nghiệm nuôi tôm thẻ, và trúng nhiều vụ tôm thẻ liên tiếp.
Với mô hình nuôi cá dứa, ông Út cũng nuôi đạt kết quả tốt. Ông cho đây là mô hình phù hợp hộ nghèo, cận nghèo do chi phí thấp, hạn chế dịch bệnh, ít rủi ro. Vì thế, ông tích cực chuyển giao công nghệ và tư vấn cho nông dân nuôi cá dứa.
Đặc biệt, ông ký kết với Công ty ANT cung cấp trực tiếp thức ăn cá cho nông dân từ nhà máy với giá gốc để giảm chi phí đầu vào. Nhờ đó, nhiều hộ áp dụng mô hình nuôi cá dứa đạt hiệu quả, tăng thu nhập góp phần vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hiện nay, trên địa bàn 4 xã (An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, Bình Khánh, Lý Nhơn), mô hình này đang được nhân rộng, góp phần tăng giá trị đất nông nghiệp, nâng chất xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Kết quả, năm 2022 có 324 hộ hội viên nông dân vượt nghèo.
Là người đi đầu trong phong trào từ con tôm sú đến tôm thẻ và các dứa, ông Đặng Văn Út được người dân nơi đây yêu quý khi luôn đồng hành cùng nông dân địa phương làm giàu. Những năm qua, ông Đặng Văn Út được nông dân tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giờ.
Không những thế, ông thường xuyên xuống địa bàn tham gia với Chi hội, tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tuyên truyền hướng dẫn vận động hội viên nông dân tham gia thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với những đóng góp trong những năm qua, ông Đặng Văn Út đã được trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND TP.HCM và Hội Nông dân Thành phố.
Ứng dụng công nghệ số giúp người dân làm giàu
Thời buổi công nghệ 4.0, việc nông dân ứng dụng sự phát triển và phổ biến của mạng xã hội vào tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao công nghệ và hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp đang là xu thế tất yếu.
Tại làng mai Bình Lợi, anh Nguyễn Trúc Linh là một chân dung điển hình với việc đưa các sản phẩm đến gần khách hàng bằng các trang mạng xã hội. Trước đây, anh Linh chỉ bán mai vào dịp Tết nên doanh thu không cao khi không thể tiêu thụ hết khi trồng 15.000 gốc mai trên diện tích 15.000m2.
Nắm bắt lợi thế của thời buổi công nghệ, anh Linh đã xây dựng các kênh mạng xã hội như Youtube, Facebook, Zalo và hệ thống website để giới thiệu sản phẩm mai vàng Bình Lợi đến với khách hàng một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Những ngày đầu nuôi ý tưởng đưa mai vàng lên các kênh mạng xã hội, người nông dân sinh năm 1982 này cho biết mình khá lúng túng khi không rành công nghệ. Ban đầu thực hiện các video giới thiệu, anh cũng gặp không ít khó khăn khi kỹ năng quay phim, dựng phim chưa được thuần thục.
Sau thời gian mày mò học tập trên internet, anh dần quen và tạo được những sản phẩm tốt hơn để giới thiệu các cây mai đẹp, những gốc mai quý để giới thiệu đến mọi người. Anh đi khắp nhà vườn ở Làng mai Bình Lợi để thực hiện các video giới thiệu mai đến mọi người.
Không chỉ giới thiệu sản phẩm, anh còn thực hiện các video chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc mai đến giới mộ điệu. Nhờ vậy, người dân khắp nơi biết đến làng mai vàng và tìm đến các vườn mai để tham quan trao đổi kinh nghiệm, mua sản phẩm.
Theo anh Linh, việc giới thiệu mai Bình Lợi rộng rãi là điều cần thiết, nhưng nhà vườn cần có sản phẩm tốt mới đem lại hiệu quả quảng bá tốt. Bên cạnh đó, anh cũng kết nối để giao hàng tận tay khách hàng khi họ mua mai qua các kênh online mà anh xây dựng.
Kể từ khi đưa các sản phẩm lên kênh bán hàng online doanh thu hàng năm tăng đáng kể từ 1 tỷ-1,2 tỷ, trừ các chi phí, anh có lợi nhuận 500-700 triệu/năm
Giống anh Linh, bà Hoàng Thị Hưng ở xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cũng sử dụng mạng xã hội để tiếp thị đàn bò của mình đến khách hàng và hướng dẫn người dân địa phương chăn nuôi hiệu quả. Từ Thanh Hóa vào Sài Gòn lập nghiệp, bà Hưng chọn nuôi bò thả rông để "xây dựng cơ đồ". Sau 18 năm, bà có hơn 130 con bò thịt và diện tích hơn 1.600m2 .
Với quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh, việc nuôi bò chăn thả không còn phù hợp. Bà Hưng thay đổi phương thức nuôi nhưng vẫn đạt hiệu quả cao và nâng cao tiêu chí môi trường. Để có đàn bò khỏe mạnh, bà không bao giờ cho bò ăn thức ăn công nghiệp, mà thường cắt cỏ cho bò ăn. Việc cho ăn thức ăn công nghiệp vừa tốn kém, lại giảm lợi nhuận và chất lượng thịt bò không cao.
Nguồn thức ăn thay thế cho việc chăn nuôi thả rông chính là rau củ dập hư tại chợ đầu mối. Mỗi ngày, chồng bà chạy xe thu gom rau củ, trái cây hư của các sạp ở chợ đầu mối Bình Điền để đem về cho bò ăn. Điều này tiết kiệm rất nhiều chi phí mà lại mang lại hiệu quả kinh tế cao, khi bò nuôi mau lớn và lượng thịt bò đạt chất lượng cao, mà còn tiêu thụ lượng rác thải hữu cơ ra môi trường.
Để tìm đầu ra hiệu quả, bà thực hiện mạng xã hội để tiếp thị đàn bò đến khách hàng. Bằng các bài viết, các video của giới thiệu bò giống, bò thịt, bà có được lượng khách hàng khá tốt. Cùng với đó, bà cũng thực hiện những chia sẻ về phương pháp chăn nuôi được mọi người ủng hộ.
Đặc biệt, vì vươn lên từ nghèo khó nên bà luôn quan tâm giúp nông dân khởi nghiệp. Bà hỗ trợ nông dân trong vùng có nhu cầu chăn nuôi bằng1 cặp bò giống, cho "nợ" qua lứa, khi chưa đủ kinh phí trả ngay. Không những vậy, bà Hưng còn nhiệt tình tư vấn phương pháp chăn nuôi, phòng chữa bệnh cho bò. Nếu bò không hiệu quả, có thể mang đến trại đổi lại. Nhiều hộ chăn nuôi trong vùng cũng ăn nên làm ra nhờ sự giúp đỡ của bà Hưng về con giống và chuyển giao công nghệ kỹ thuật chăn nuôi.
Đánh giá cao mô hình chăn nuôi và hoạt động giúp nông dân khởi nghiệp của bà Hưng, ông Nguyễn Văn Của - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Minh Xuân cho biết: "Bà Hưng là một trong những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm ở xã. Với những kinh nghiệm tích lũy được, bà cùng Hội Nông dân địa phương hỗ trợ những nông dân khác trên địa bàn về con giống, cũng như truyền đạt những kinh nghiệm chăn nuôi thành công của bản thân".
Với việc xây dựng mô hình chăn nuôi bò hiệu quả kinh tế cao, bà Hoàng Thị Hưng trở thành một trong những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền. Bà vinh dự nhiều lần được UBND TP.HCM trao tặng bằng khen "Nông dân tiêu biểu" và danh hiệu "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" giai đoạn 2017- 2023.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.