Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh (người ngồi) trong chuyến thăm Bộ Tư lệnh Miền (ảnh IT).
Ông Đoàn Văn Vươn cho biết, sau khi chấp hành hình phạt tù trở về, được gia đình, hàng xóm nói chuyện lại, xem các thông tin trên báo chí xung quanh vụ việc cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng liên quan trực tiếp tới gia đình ông, thấy nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh và một số vị cán bộ lão thành đã lên tiếng nêu rõ quan điểm.
“Đặc biệt ý kiến của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh rất mạnh mẽ. Mặc dù ông đã tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn theo dõi những thông tin và lên tiếng bảo vệ những người dân yếu như thế trước sai phạm của chính quyền. Điều đó cũng thể hiện tình cảm, sự quan tâm của vị cán bộ lão thành đối với cuộc sống người dân nói chung, trong đó có trường hợp gia đình chúng tôi”, ông Vươn tâm sự.
Ông Vươn nói thêm, gia đình ông rất xúc động và biết ơn sâu sắc tới nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nói riêng, các vị cán bộ lão thành, báo chí, dư luận xã hội đã quan tâm đến vụ việc của gia đình ông cách đây 7 năm để từ đó các cơ quan chức năng đã cuộc chỉ đạo giải quyết giúp cho sự việc được minh bạch, đúng sai được phân định rõ ràng.
Đại tướng Lê Đức Anh với cán bộ, chiến sĩ (ảnh tư liệu).
“Khi xem thông tin trên báo chí biết Đại tướng Lê Đức Anh từ trần chúng tôi thấy đau buồn chẳng khác gì việc mất đi một người thân trong gia đình. Gia đình tôi sẽ đến viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh khi Nhà nước tổ chức Lễ tang”, ông Vươn cho biết.
Nông dân nuôi vịt biển Đoàn Văn Vươn (ảnh Đàm Duy).
Theo ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh lên tiếng trong vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng) hồi năm 2012 mà báo chí đăng tải đã cho thấy rõ sự tâm huyết, lo nghĩ, đóng góp cho dân, cho đất nước của ông. Cho dù ông đã tuổi cao (lúc đó 92 tuổi) và nghỉ hưu từ lâu. Việc làm đó của nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh là rất cần thiết và là bài học đối với mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thể hiện trách nhiệm trước nhân dân, trước đất nước, trước những vấn đề, vụ việc nóng đang được dư luận quan tâm.
Trở lại câu chuyện cách đây 6 năm (cưỡng chế cuối năm 2012, báo chí lên tiếng mạnh đầu năm 2013), khi trả lời trên báo chí, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã nói: Vụ việc cưỡng chế đất đai của gia đình nhà nông dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng được ông theo dõi sát. Ông khẳng định trong vụ việc này từ chính quyền cấp huyện đến xã đã sai.
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh dẫn chứng, điểm sai đầu tiên là để sự việc kéo dài quá nhiều năm mà không xử lý đến nơi đến chốn và thấu tình đạt lý; Người làm được, làm tốt đáng lẽ phải động viên, tạo điều kiện nhưng lại cố thu hồi đất của họ, đó là cái sai thứ hai. Điểm sai thứ ba là việc thu hồi trái pháp luật; Điểm sai thứ tư là chính quyền cố tình vi phạm luật pháp, dồn người dân vào chân tường, làm họ uất ức đến mức phải chống lại.
Nguyên Chủ tịch nước cũng nói, trong vụ việc cưỡng chế đất đai này, chính quyền sử dụng cả lực lượng công an, bộ đội đến cưỡng chế với một gia đình nông dân vốn làm ăn tử tế khiến ông thấy rất băn khoăn. “Đây là một chuyện rất hiếm, tôi chưa nghe thấy chuyện này bao giờ. Nếu nơi nào mà làm việc đó thì tôi phản đối, sử dụng bộ đội để cưỡng chế dân là tuyệt đối sai", nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nói trên báo.
Vụ việc sau đó đã được Thủ tướng Chính phủ (lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng) chỉ đạo làm rõ đúng sai; xử lý những cá nhân có hành vi sai phạm. Vụ việc tính đến nay đã được 7 năm, ông Đoàn Văn Vươn sau khi chấp hành hành phạt tù đã trở về địa phương tiếp tục làm ăn. Cuối năm 2015, người nông dân này đã nghiên cứu và tiến hành nuôi vịt biển theo mô hình thiên nhiên hóa vật nuôi (báo NTNN/Dân Việt là một trong những đơn vị tham gia hỗ trợ để sản phẩm của gia đình ông Vươn chinh phục thị trường, tạo thương hiệu. Đến nay sản phẩm vịt biển của nông dân Đoàn Văn Vươn ngày càng vang xa, chiếm lĩnh được thị trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.