Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDDVN Nguyễn Xuân Định làm việc với Đại sứ Úc về Bình đẳng giới
Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Nguyễn Xuân Định làm việc với Đại sứ Úc về bình đẳng giới
Đức Thịnh
Thứ hai, ngày 20/05/2024 22:25 PM (GMT+7)
Chiều ngày 20/5, tại trụ sở Trung ương Hội, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn Đại sứ quán Úc tại Việt Nam do bà Stephanie Copus Campbell - Đại sứ Úc về Bình đẳng giới làm trưởng đoàn.
Bày tỏ vui mừng và dành lời cảm ơn sâu sắc khi bà Stephanie Copus Campbell - Đại sứ Úc về Bình đẳng giới cùng đoàn công tác đến thăm và làm việc với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định đã giới thiệu về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và những hoạt động nổi bật của Hội Nông dân Việt Nam.
Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Định cho biết: Hiện nay, Hội Nông dân Việt Nam có trên 10 triệu hội viên. Tổ chức Hội Nông dân Việt Nam được tổ chức ở 4 cấp, đó là, cấp Trung ương, tỉnh, huyện và xã. Dưới cấp xã sẽ tổ chức thành các chi hội, tổ hội của các nông dân. Chi hội theo địa bàn dân cư, tổ hội nghề nghiệp để tập hợp nông dân cùng sản xuất, cùng chung một ngành nghề, lĩnh vực.
Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn Đại sứ quán Úc do bà Stephanie Copus Campbell - Đại sứ Úc về Bình đẳng giới làm trưởng đoàn.
Hội Nông dân Việt Nam xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân. Thứ hai là Tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và đào tạo nghề giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập và đời sống. Thứ ba là xây dựng phát triển mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn.
Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Định đã đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của Chính phủ Úc, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) trong suốt những năm qua. Theo đó, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã hỗ trợ Hội Nông dân Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động khác nhau trong khuôn khổ Dự án do Úc tài trợ. Hai bên đã có nhiều dự án đạt hiệu quả như: Triển khai vận hành Đường dây nóng tư vấn, hỗ trợ miễn phí phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực qua tổng đài 18001768; hỗ trợ xây dựng thí điểm mô hình/Câu lạc bộ Người cha trách nhiệm; hỗ trợ thiết lập và vận hành mô hình hỗ trợ và tư vấn nam giới.
"Hội Nông dân Việt Nam xin chân thành cảm ơn và đánh giá cao quan hệ đối tác với Qũy Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Chính phủ Úc và các nhà tài trợ đã chung tay cùng Hội Nông dân Việt Nam góp phần xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam.
Thời gian tới, Hội Nông dân Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế. Hội Nông dân Việt Nam tin tưởng rằng, với sự phối hợp liên ngành, đa tổ chức, với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Chính phủ Úc và các nhà tài trợ, Dự án "Phòng, chống và ứng phó với bạo lực giới và các thực hành có hại khác giai đoạn 2022 - 2026" sẽ hoạt động hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ, bảo vệ sự an toàn của phụ nữ, trẻ em cũng như nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến giới của nam giới tại Việt Nam" - Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Định nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi tiếp đón, bà Stephanie Copus Campbell - Đại sứ Úc về Bình đẳng giới đã bày tỏ sự cảm ơn đến Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tiếp đón Đoàn.
Bà Stephanie Copus Campbell cũng đánh cao vai trò của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thực hiện chương trình phối hợp công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới, qua đó đã giúp đỡ được người dân vùng nông thôn, nhất là phụ nữ và trẻ em gái.
Báo cáo các hoạt động phối hợp tăng cường tiếp cận thông tin và dịch vụ hỗ trợ cho nữ hội viên, nông dân là nạn nhân bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn Việt Nam trong thời gian qua, bà Lều Thị Minh Huệ – Phó Trưởng ban Xã hội Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Trong những năm qua, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã hỗ trợ Hội Nông dân Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động khác nhau trong khuôn khổ Dự án do Úc tài trợ.
Cụ thể: Đường dây nóng tư vấn, hỗ trợ miễn phí phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực 18001768 hoạt động từ ngày 20/11/2021 đến hết tháng 4/2024, tổng đài đã tiếp nhận được 16.487 cuộc gọi đến hỗ trợ cho 2228 phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, trong đó có 73 người khuyết tật. Chuyển tuyến đến các ngôi nhà Ánh Dương và Trung tâm tạm lánh khác 231 trường hợp.
Hiện nay, trong khuôn khổ Chương trình Quốc gia 10 hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, Tổng cục Dân số - Bộ Y tế đang phối hợp thực hiện Dự án "Phòng, chống và ứng phó với bạo lực giới và các thực hành có hại khác giai đoạn 2022 - 2026", trong đó có hoạt động vận hành Đường dây nóng toàn quốc miễn phí 18001768 về bạo lực giới nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực và các chương trình dành chon am giới trong khuôn khổ hợp tác do Đại sứ quán Úc tài trợ.
Đối với việc hỗ trợ xây dựng thí điểm mô hình/Câu lạc bộ Người cha trách nhiệm, từ năm 2018, UNFPA hỗ trợ Hội Nông dân Việt Nam triển khai thí điểm Chương trình Làm cha trách nhiệm ở tỉnh Quảng Bình với 5 Câu lạc bộ Người cha trách nhiệm, sau đó nhân rộng 9 Câu lạc bộ ở Bắc Giang và Bà Rịa Vũng Tàu năm 2019-2022.
Qua đánh giá cuối kỳ tại các tỉnh đã triển khai dự án, các thành viên đã có sự thay đổi tích cực về kiến thức, thái độ, hành vi về định kiến giới, xây dựng mối quan hệ bình đẳng trong gia đình; biết chăm sóc, quan tâm, giúp đỡ vợ từ khi mang thai đến khi sinh con; chủ động, đồng hành với vợ trong chăm sóc, nuôi dạy con cái và công việc nội trợ trong gia đình, tạo điều kiện và cơ hội cho phụ nữ tham gia công tác và các hoạt động xã hội, từ đó giúp củng cố thêm tình cảm gia đình, giữ được không khí vui vẻ, hạnh phúc.
Tiếp theo đến năm 2023, UNFPA đã hỗ trợ Hội Nông dân Việt Nam nhân rộng Chương trình làm cha trách nhiệm tại 3 tỉnh thành khác là Bắc Ninh, Đà Nẵng, Lâm Đồng, với 5 Câu lạc bộ mỗi tỉnh, gồm 15 Câu lạc bộ thu hút 525 nam thanh niên từ 18-35 tuổi. Đặc biệt, việc triển khai Chương trình Làm cha trách nhiệm tại Đà Nẵng đã được Chính phủ Úc hỗ trợ thông qua dự án EVAWC.
Bên cạnh đó, hai bên cũng phối hợp thực hiện chương trình hỗ trợ thiết lập và vận hành mô hình hỗ trợ và tư vấn nam giới; hỗ trợ bộ đồ dùng thiêt yếu cho phụ nữ tại các tỉnh có nguy cơ cao bị bạo lực do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.