Nông dân được học nghề đa dạng

Thứ năm, ngày 15/09/2011 06:39 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ xã điểm nông thôn mới (NTM) Tân Thông Hội (Củ Chi), UBND TP.HCM phê duyệt “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại 6 xã NTM” giai đoạn 2010-2020.
Bình luận 0

Với đề án này, nông dân sẽ được học nghề đa dạng, phục vụ phát triển vùng chuyên canh.

Hợp lòng nông dân

Theo đề án, người lao động ở xã NTM được học các ngành nghề đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp như chăn nuôi, sinh vật cảnh; cá cảnh; nuôi trồng thủy sản; trồng hoa-cây cảnh và trồng rau màu. Một bộ phận khác sẽ học nghề dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp hoặc phi nông nghiệp.

img
Nông dân TP.HCM tham gia lớp học trồng rau sạch.

Ông Lê Trọng Sang - Phó Giám đốc Thường trực Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết: “Mục tiêu của đề án đến năm 2012 hoàn thành dạy nghề điểm tại 6 xã NTM thu hút 3.600 lao động nông thôn tham gia”.

Cách thức triển khai dạy nghề sẽ áp dụng theo mô hình điểm là xã Tân Thông Hội. Từ đầu năm 2010, Ban quản lý NTM xã Tân Thông Hội tổ chức khảo sát, nắm số lượng người lao động có nhu cầu học nghề làm cơ sở phối hợp với Trường Trung cấp Nghề Củ Chi, Cao đẳng Nghề Lý Tự Trọng mở lớp. Đến tháng 8.2011, Tân Thông Hội mở được 24 lớp, thu hút 430 học viên tham gia các nghề trồng rau an toàn (RAT), hoa lan, cây cảnh và nuôi bò sữa…

Nông dân ấp chúng tôi có khả năng chuyển 200ha đất lúa năng suất thấp sang nuôi cá thịt, cá kiểng nên rất khát khao được học nghề và được cung cấp con giống chất lượng.

Chị Nguyễn Thị Đào ở ấp Trung khởi nghiệp nuôi bò sữa với chỉ 2 con giống, sau nhiều năm phát triển lên gấp 10 lần nhưng chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm tích lũy. Sau khi tốt nghiệp lớp dạy nghề kỹ thuật nuôi bò sữa, chị Đào phát biểu: “Vừa biết kiến thức thú y, vừa biết chọn con giống chất lượng và nguồn thức ăn mình có thể tạo được như trồng cỏ, giữ kỹ rơm rạ… nên hạ giá thành đầu vào”.

Bà Phan Thị Cẩm Nhung – Phó Chủ tịch UBND kiêm Phó ban Quản lý NTM xã Tân Thông Hội cho biết: “Chúng tôi cùng thầy cô thống nhất lịch học, giờ học phù hợp điều kiện sản xuất của từng đối tượng để mở lớp không ảnh hưởng sản xuất của bà con. Học nghề gì chắc nghề đó để bà con có thể áp dụng ngay vào sản xuất”.

Mô hình hay được nhân rộng

Cùng với Tân Thông Hội, số liệu từ Ban quản lý NTM xã Thái Mỹ (Củ Chi), Xuân Thới Thượng (Hóc Môn), Nhơn Đức (Nhà Bè), Lý Nhơn (Cần Giờ) và Tân Nhật (Bình Chánh) cho thấy, từ năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011, có 1.266 lao động được đào tạo nghề, trong đó trên 50% là nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Lâu nay tôi trồng và chăm sóc lan theo kinh nghiệm, nay tôi sẽ thu xếp thời giờ theo học nghề hoa lan để nắm vững khoa học kỹ thuật.

Ngoài học nghề tập trung ở 6 xã NTM, Trung tâm HTND thuộc Hội ND thành phố còn phối hợp với ngành khuyến nông, BVTV, nghệ nhân hoa - cây kiểng… tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho hàng nghìn nông dân, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng - vật nuôi hiệu quả.

Nói như trên không có nghĩa công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở các xã NTM TP.HCM thuận lợi. Ví dụ, do xa trung tâm thành phố, lại không có cơ sở công nghiệp hoặc thủ công nghiệp nên việc giải quyết việc làm cho người học nghề ở xã Lý Nhơn (Cần Gio) đang là bài toán nan giải. Trong khi đó, ở xã Thái Mỹ (Củ Chi) người lao động đang làm trong các công ty, xí nghiệp đều là lao động phổ thông nên rất khó vận động đối tượng này học nghề có trình độ trung cấp...

Vì thế, những điểm khó khăn cần được nghiên cứu để giải quyết nhanh, giúp bà con yên tâm học tập, phát triển sản xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem