Lai Châu là tỉnh miền núi nhiều khó khăn với hầu hết ND là đồng bào các dân tộc thiểu số, vì vậy, trong quá trình đào tạo nghề, Hội ND tỉnh đã chú trọng tới yếu tố "tìm nghề phù hợp với nông dân".
Dạy theo nhu cầu Bà Phạm Thị Hồng Gấm - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân (HTND) Hội ND tỉnh Lai Châu cho biết: Hàng năm, trung tâm phối hợp với các đơn vị chức năng, các cơ sở hội để nắm bắt nhu cầu học nghề của ND và khả năng phát huy được hiệu quả của nghề đó sau đào tạo. Nếu nghề đó thật sự chưa thể phát huy hiệu quả sau đào tạo bởi nhu cầu thực tiễn chưa cao, hoặc bị dư thừa do đào tạo quá nhiều thì không mở lớp, gây lãng phí cho Nhà nước và nhân dân. Vì thế, những năm gần đây, các lớp đào tạo nghề của trung tâm đều phát huy hiệu quả xã hội tích cực sau đào tạo, giúp học viên sau học nghề tăng thu nhập cải thiện cuộc sống…
Nông dân bản Nậm Béo, xã Pu Sam Cáp, huyện Sìn Hồ được mùa lúa giống hương ưu 3068 nhờ kiến thức học được ở lớp dạy nghề trồng lúa nước.
Trên quan điểm đó, năm 2013, Hội ND tỉnh mà trực tiếp là Trung tâm Dạy nghề HTND Lai Châu đã tổ chức 18 lớp dạy nghề với 538 học viên, vượt 5,9% so với kế hoạch. Các lớp dạy nghề chăn nuôi gia cầm, trồng cây lương thực, thực phẩm, trồng cây công nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp, nuôi ong, sửa chữa xe máy, nuôi trồng thuỷ sản... đều xuất phát từ nhu cầu thực của ND.
Chị Lò Thị Anh, bản Nậm Béo, xã Pu Sam Cáp, huyện Sìn Hồ cho biết: “Chúng tôi được học nghề trồng lúa nước chất lượng cao. Cán bộ làm mô hình trồng lúa lai hương ưu 3068 ngay tại bản nên học viên dễ học, dễ làm, dễ vận dụng vào thực tiễn của nhà mình. Từ kiến thức học được, dân bản vận dụng vào trồng ngô, trồng rau, trồng cây ăn quả tốt hơn so với trước”.
"Hạt nhân xoá nghèo"Một trong những mục tiêu đặc biệt quan trọng của đào tạo nghề cho lao động nông thôn là giúp học viên phát huy kết quả học tập trong thực tiễn và Hội ND tỉnh đã làm tốt việc đó. Do có sự lựa chọn tốt từ khâu mở lớp - đào tạo nghề cho tới khâu cung ứng vật tư, thiết bị, nguyên vật liệu thực hành nên học viên vừa học vừa làm, nắm chắc và sâu kiến thức. Tại bản Nà Cóc, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên, các học viên sau lớp đào tạo nghề trồng cây công nghiệp kết thúc cuối năm 2013, đang vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
"Chúng tôi được học nghề trồng lúa nước chất lượng cao. Cán bộ làm mô hình trồng lúa lai hương ưu 3068 ngay tại bản nên học viên dễ học, dễ làm, dễ vận dụng vào thực tiễn của nhà mình. Từ kiến thức học được, dân bản vận dụng vào trồng ngô, trồng rau, trồng cây ăn quả tốt hơn so với trước”. Chị Lò Thị Anh
|
Ông Hoàng Văn Dụ cho biết: “Đi học, chúng tôi được cung cấp 2.000 cây giống chè Kim Tuyên cùng các phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, những kiến thức trồng, chăm sóc, thu hoạch… Về bản, những kinh nghiệm ấy giúp chúng tôi trồng chè tốt hơn. Nà Cóc bây giờ là một trong những địa bàn phát triển cây chè Kim Tuyên của huyện. Kiến thức học được chúng tôi chia sẻ cho những người chưa biết để cùng nhau làm chè được tốt hơn”.
Ở bản Chiềng Na, thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ, vụ ngô này hầu hết bà con đều gieo trồng giống ngô lai CP333, bởi: "Chúng tôi mới được học từ Trung tâm Dạy nghề HTND của tỉnh về giống ngô này. Thực tế mô hình lớp học cho thấy ngô CP333 năng suất cao hơn, chịu hạn và chống chọi với gió tốt hơn, ít bị đổ gãy khi mùa mưa đến. Mình được học, được biết rồi thì phải vận dụng vào cuộc sống gia đình và vận động mọi người cùng làm theo để cả bản cũng no ấm" - ông Lù Văn Thàng, bảo.
Kiều Thiện (Kiều Thiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.