|
Nông dân cần được tập huấn bài bản để sử dụng máy an toàn. Ảnh: Thảo Linh |
Từng bước nội địa hóa máy nông nghiệp
Sản phẩm máy cày tay của Trung Quốc trước đây vốn tiện lợi, dễ sử dụng nhưng giá thành lại cao khiến nhiều người nông dân không thể có điều kiện sắm được. Điều đó đã khiến ông Nguyễn Ngọc Anh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Việt Trung trăn trở.
Trong cuốn cẩm nang sử dụng máy cày tay ghi đầy đủ, chi tiết về sản phẩm, những công dụng của phay, lưỡi cày… khi được lắp vào máy cày tay. Tuy nhiên, rất ít nông dân đọc kỹ cẩm nang này. Điều đó cho thấy, bản thân người nông dân cũng cần nâng cao nhận thức trong việc cập nhật kiến thức sử dụng máy an toàn.
Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và cử cả chuyên gia sang Trung Quốc học hỏi, công ty quyết định chế tạo những bộ phận của máy cày tay như bánh đà, buly (trong động cơ diesel) và tay cày, thân máy để vừa giảm được giá thành sản xuất giúp những người nông dân nghèo cũng có thể mua được.
Sau khi có thể tự chế tạo được một số bộ phận của động cơ diesel, Công ty TNHH Việt - Trung tiếp tục nghiên cứu để chế tạo ra tay cày, thân máy. Tuy nhiên, để làm ra những sản phẩm như thế không hề đơn giản, phải có máy móc chuyên dụng và công nhân cơ khí có tay nghề cao.
Nhưng ở công ty khi đó chỉ có những lao động phổ thông, chưa đáp ứng được yêu cầu chế tạo. Sau một thời gian cử chuyên gia sang Trung Quốc tiếp cận về mẫu mã và cách thức sản xuất, chế tạo để truyền đạt lại cho đội ngũ thợ lành nghề vừa được tuyển chọn, các sản phẩm đầu tay cày, thân máy của máy cày tay do chính Công ty TNHH Việt Trung sản xuất chính thức ra đời. Về chất lượng, những chiếc máy cày tay có linh kiện của Việt Nam không thua gì các sản phẩm được sản xuất hoàn toàn từ Trung Quốc.
Về giá cả, những chiếc máy này lại có giá thành thấp hơn các sản phẩm của Trung Quốc rất nhiều. Vì thế, những sản phẩm mang dáng dấp Việt này hoàn toàn có thể đảm bảo được tính cạnh tranh trên thị trường.
Sẽ phối hợp với Hội Nông dân các cấp
Công ty Việt Trung là một trong số hàng chục công ty sản xuất máy nông nghiệp ở Việt Nam phát triển theo xu hướng trên. Mặc dù sản phẩm máy cày tay đã được cải tiến, với những linh kiện do Việt Nam chế tạo nhưng thiết kế sản phẩm vẫn phải theo mẫu của các máy cày tay nhập từ Trung Quốc với những chi tiết chưa phù hợp với đồng đất VN, dễ gây rủi ro cho nông dân khi lao động. Để đảm bảo an toàn lao động cho người sử dụng là một điều không hề dễ dàng.
Ông Ngọc Anh thừa nhận, cải tiến những sản phẩm này để thực sự hợp với điều kiện, môi trường ở Việt Nam phải có một quá trình lâu dài, đầu tư thêm nhiều máy móc, thiết bị cũng như nhân lực, trong khi kinh phí có hạn. Để làm được điều này, cần phải có kế hoạch phối hợp với Hội Nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp ở địa phương để tổ chức mở lớp tập huấn cho người dân cách sử dụng sản phẩm như thế nào để đảm bảo an toàn lao động.
Hiện, khi người dân đến mua sản phẩm, công ty đã có những cán bộ chuyên hướng dẫn tỉ mỉ cách sử dụng; phát cho nông dân cuốn cẩm nang hướng dẫn sử dụng máy cày tay.
Thảo Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.