Nông dân, HTX TP.HCM được lợi gì tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản?

Nguyên Phương Chủ nhật, ngày 16/06/2024 11:51 AM (GMT+7)
Tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản tại TP.HCM sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật…
Bình luận 0

Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản giúp tăng quy mô sản xuất hàng hóa, thuận lợi trong áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp, hiện đại, bảo đảm chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực quản lý, điều hành.

Các HTX, tổ hợp tác, nông dân, cá nhân và doanh nghiệp tại TP.HCM khi tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố sẽ nhận được nhiều chính sách hỗ trợ.

Nông dân, HTX TP.HCM được lợi gì tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản?- Ảnh 1.

HTX Phước An tại huyện Bình Chánh, TP.HCM là HTX rau tiêu biểu tại TP.HCM trong liên kết sản xuất. Ảnh: Hồng Phúc

Theo Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM về phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố, TP.HCM sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.

TP.HCM sẽ hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết: Chủ trì liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 300 triệu đồng, bao gồm tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường.

TP.HCM sẽ hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết: Dự án liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng.

TP.HCM sẽ hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến nông: Nội dung chi, mức chi thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 19/2021/NQ-HĐND của HĐND Thành phố về ban hành quy định nội dung chi, mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn.

TP.HCM sẽ hỗ trợ đào tạo nghề: Chi hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo nghề dưới 3 tháng cho lao động nông thôn; nội dung, mức hỗ trợ và hình thức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 Thông tư số 152/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, khoản 3 Điều 1 Thông tư số 40/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 152/2016/TT-BTC và thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ.

Nông dân, HTX TP.HCM được lợi gì tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản?- Ảnh 3.

HTX Cần Giờ Tương Lai tại huyện Cần Giờ là mô hình liên kết tiên tiến ở TP.HCM. Ảnh: C.G.F

TP.HCM sẽ hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường; nội dung chi, mức chi thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 19/2021/NQ-HĐND.

Hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật mới: hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, các chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp, HTX, nông dân tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tạo kết nối chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem