Là một khu đô thị sinh thái lớn nhất miền Bắc, Ecopark nổi tiếng với không gian xanh rộng lớn và các loại hình dịch vụ tiện ích phong phú. Để đảm bảo khu đô thị được vận hành trơn tru với chất lượng dịch vụ tốt, chủ đầu tư đã đưa ra chính sách ưu tiên sử dụng lao động địa phương, đặc biệt là những xã có đất nằm trong dự án. Ngoài mức trả công hợp lý cùng công việc ổn định, người lao động làm việc tại đây còn được đào tạo nghề rất chuyên nghiệp và bài bản để đảm bảo được chất lược dịch vụ, tăng lợi thế cạnh tranh cho khu đô thị. Hiệu quả cho thấy người dân địa phương đã có một cuộc sống ổn định, an yên hơn hẳn trước kia.
Nhân viên Ban cây xanh trong giờ làm việc.
Thu nhập tăng, cuộc sống ổn định cho người dân
Giữa không gian ngát hương của hồ sen trong công viên Mùa Xuân của khu đô thị Ecopark, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Lan, 42 tuổi, xã Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên khi chị đang sốt sắng phân công công việc cho hơn 10 nhân viên cây xanh của khu đô thị. Ấn tượng đầu tiên là chị nhìn trẻ hơn so với tuổi, dáng người cao lớn, khuôn mặt tươi tắn, tác phong vô cùng nhanh nhẹn.
Chị Lan đã vào làm tại đây được 6 năm, hiện là Tổ trưởng tổ cây xanh. Chị Lan tâm sự, trước kia gia đình chị làm đồng áng và thêm nghề gốm sứ nhưng liên tiếp thua lỗ nên chị đã bỏ nghề, xin vào làm trong dự án. Nhờ chăm chỉ và thạo việc, lại không ngừng học hỏi nên chỉ sau 2 năm, chị đã được thăng tiến lên thành tổ trưởng với mức lương khoảng 7 triệu/tháng.
“Công việc ở đây khá quen thuộc với những người làm nông như tôi, lại được những người đi trước chỉ dạy tận tình nên tôi bắt kịp rất nhanh. So với làm gốm hay làm nông, thu nhập của tôi hiện nay ổn định hơn nhiều, đủ để trang trải mọi mặt cuộc sống”, chị Lan tâm sự.
Trong tổ của chị Lan, cô Phí Thị Đắc, 59 tuổi, là người xã Cửu Cao, cũng đã gắn bó với Ban Cây xanh khu đô thị Ecopark đến nay được 3 năm. Như nhiều người dân khác của xã Cửu Cao, gia đìnhcô Đắc đã chuyển giao cho chính quyền 1 phần diện tích đất ruộng cho dự án. Gia cảnh nhà cô khá khó khăn khi con gái bị hở van tim, tiền đền bù dự án nhận được đổ cả vào chi phí phẫu thuật. Cũng may, mặc dù vẫn cần thuốc thang định kỳ nhưng con gái cô đã đủ sức khỏe để đi làm ổn định, còn cô được ưu tiên nhận vào làm tại khu đô thị.
“Thời gian khi tôi chưa làm ở đây thực sự rất khó khăn. Ngoài việc còn mảnh ruộng nhỏ để làm nông, tôi đi chở rác kiếm thêm. Hàng ngày tờ mờ 3 giờ sáng đã bị gọi dậy để đi làm. Công việc vất vả mệt mỏi mà thu nhập chẳng đáng là bao, làm nửa năm liên tục mới được trả có 600.000 đồng. Công việc đồng áng thì bấp bênh, không đủ tiền phun thuốc sâu là mất trắng cả vụ”, cô bồi hồi tâm sự.
Cô Đắc nói: “Còn từ khi làm trong sự án thì chỉ phải làm 8 tiếng/ngày, không cần thức khuya dậy sớm, lại được nghỉ Chủ nhật. Công việc vừa sức với tôi, tuy lớn tuổi rồi nhưng tôi làm việc vẫn khỏe lắm, không thấy gì nặng nhọc cả”. Cô cho biết thu nhập đều đặn hàng tháng hiện nay khoảng 4 triệu rưỡi, hơn hẳn so với việc chở rác và đồng áng trước kia. Không những thế, buổi tối rảnh rỗi, gia đình còn nhận việc lặt vặt để tăng thu nhập. Cuộc sống so với thời gian trước quả là có thoải mái hơn rất nhiều.
Công việc quen thuộc, thu nhập ổn định, nhiều lao động địa phương đã có cuộc sống thoải mái hơn trước kia.
Không chỉ là một nguồn thu nhập đủ sống và ổn định, với nhiều lao động tại địa phương, đặc biệt là lao động trẻ, việc có một công việc ngay gần nhà cũng giúp họ có nhiều thời gian hơn dành cho gia đình. Anh Nguyễn Đức Đạt, 27 tuổi, xã Xuân Quan hiện là tổ trưởng tổ An ninh Đô thị tâm sự.
Sau khi tốt nghiệp đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, anh xin đi làm tại một công ty ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, cách nhà anh ngót nghét 27 cây số. Ngày ngày đi làm mất hơn 2 tiếng đồng hồ, lại phải lách luật đi “chui” trên đường trên cao cho rút ngắn thời gian, “đi lại lúc nào nơm nớp mà đồng lương vô cùng bèo bọt”, Đạt chia sẻ.
Đạt làm tại đây đã được 6 năm. “Mình thấy thích hợp với công việc này, thích không khí làm việc vừa chuyên nghiệp, vừa tình cảm của anh em an ninh đô thị. Thu nhập cũng cao hơn so với công việc trước kia nhưng có lẽ quan trọng nhất là mình có nhiều thời gian dành cho gia đình.”
Vợ Đạt hiện nay là nhân viên của trường Đoàn Thị Điểm Greenfield cũng nằm trong khu đô thị. Hai người gặp và yêu nhau khi cả hai cùng làm việc tại đây. Nếu trước kia anh phải đi làm từ 6h sáng đến tận 8h30 tối mới về thì nay Đạt đã có thể hàng ngày về ăn tối cùng gia đình, đưa vợ con đi chơi trong những ngày nghỉ. Với một gia đình trẻ như Đạt, có được thời gian dành cho nhau cũng là hạnh phúc đáng trân trọng.
Nông dân được đào tạo nghề nghiệp bài bản
Một buổi tập huấn định kỳ của cán bộ, nhân viên Phòng An ninh Đô thị.
Hiện tại lượng số lao động địa phương công tác tại đô thị Ecopark Khu từ ba xã vùng dự án lên đến hơn 1.300 người bao gồm lao động cố định và thời vụ. Thậm chí có những phòng ban như ban An ninh đô thị, lượng lao động địa phương chiếm đến 80% nhân sự. Khi được nhận vào làm tại đây, những người nông dân đều được đào tạo nghề rất bài bản.
Như đồng chí Lê Thanh Tuyền, 27 tuổi, người Phụng Công, công tác tại Phòng An ninh Đô thị từ năm 2009, cho biết: “Khi được nhận vào làm, anh em an ninh đều phải qua một khóa đào tạo ngắn hạn và trong suốt quá trình làm việc thì liên tục được đào tạo thêm. Chúng tôi được dạy một cách chuyên nghiệp từ nghiệp vụ an ninh, công tác phòng cháy chữa cháy, võ thuật tự vệ, đến quy tắc, tác phong ứng xử với người dân. Tuần nào chúng tôi cũng có những lớp học thể lực, võ thuật để anh em luôn trong tư thế sẵn sàng nhất. Chủ đầu tư còn mời cả Trung đoàn 22, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đến tổ chức lớp huấn luyện võ thuật định kỳ hằng năm dành cho cán bộ, nhân viên Phòng An ninh Đô thị chúng tôi. Tôi đã từng làm ở công ty bảo vệ nên có thể khẳng định là đã công tác tại đây thì bạn sẽ làm tốt nghề ở bất cứ đâu”.
Đồng chí Lê Thanh Tuyền trong giờ làm việc tại khu đô thị.
Vừa sở hữu vườn cây cảnh cho thu nhập khá ở Phụng Công, nhưng chị Phạm Thị Hằng, 45 tuổi, cũng vẫn làm việc tại ban cây xanh của khu đô thị. Chị cho biết, trước kia khi làm vườn tại nhà, chị chỉ trông những loại hoa, cây cảnh thông thường cho thu nhập không cố định. Nhưng từ khi vào làm tại Ecopark, vừa có thu nhập ổn định theo ngày công, chị lại vừa được đào tạo bài bản cách trồng và và chăm sóc đủ loại cây, từ những cây thân gỗ lớn như bồ đề, sộp, xanh, si… cây trồng đặc chủng trong đô thị, cây cảnh nội thất rồi cây ăn quả cho đến rất nhiều những loài hoa như dạ yến thảo, tường vy, hạc đỉnh hồng… Những kiến thức học được từ công việc chị cũng áp dụng trở lại cho việc kinh doanh tại gia, thu được kết quả tốt.
So với thu nhập hay công việc hiện tại, việc đào tạo nghề nghiệp bài bản, chuyên nghiệp cho người lao động còn quan trọng và có ý nghĩa hơn nhiều bởi điều này sẽ giúp những người nông dân có cuộc sống và thu nhập bền vững ngoài nghề nông, giúp họ thoát khỏi sự phụ thuộc vào đất ruộng hay bị trói chân tại địa phương. Có một nghề trong tay, người dân có thể tự mình kiếm sống ở bất cứ nơi nào.
Sự phát triển của khu đô thị Ecopark như ông Lê Quý Đôn, Chủ tịch xã Xuân Quan chia sẻ “đã đem lại cuộc sống mới cho người dân trong xã”. Từ những thanh niên tốt nghiệp đại học như Đạt hay những cô bác tuổi ông bà như cô Đắc, họ đã bỏ thói quen đánh trâu ra đồng cày ruộng để bắt đầu ngày mới bằng việc chấm vân tay tính ngày công 8 tiếng. Không còn những thấp thỏm mùa vụ thất thu, thu nhập ít ỏi, không cần nhìn thời tiết mà lo lắng, những người nông dân nơi đây đang từng bước từng bước hòa nhập với cuộc sống hiện đại, văn minh, bắt kịp xu thế tất yếu của thời đại.
Trong những năm qua, khu đô thị Ecopark đã liên tục, thường xuyên có những chính sách, hoạt động thiết thực để hỗ trợ đời sống cho người dân địa phương với ngân sách lên đến 500 tỷ đồng, trong đó phải kể đến việc mở các lớp đào tạo chuyển đổi nghề cho hơn 600 bà con nông dân các xã, trực tiếp và gián tiếp tạo hàng ngàn công ăn việc làm cho người dân địa phương, chủ yếu trong các lĩnh vực chăm sóc, phát triển cây xanh, vệ sinh môi trường, an ninh khu đô thị…
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.