Nông dân Khmer làm “liên kết”

Thứ sáu, ngày 23/11/2012 14:59 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vụ lúa thu đông 2012, nông dân xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh “thắng lớn” với giống lúa 504-LN của cơ sở Lúa giống 9 Táo.
Bình luận 0

Ở xã đặc biệt khó khăn với hơn 71% dân số là đồng bào Khmer, làm lúa kiểu “liên kết” có thể coi là mô hình giúp nông dân thoát nghèo.

Ông Phan Văn Tý – Phó Chủ tịch UBND xã Trường Thọ cho biết, vụ lúa thu đông 2012 là vụ lúa đầu tiên được Đảng ủy, UBND xã Trường Thọ kêu gọi doanh nghiệp, cơ sở về đầu tư cho nông dân theo hình thức liên kết. Trong tổng số 1.700ha đất sản xuất lúa của xã, có khoảng 600ha được cơ sở sản xuất Lúa giống 9 Táo (xã Song Lộc, huyện Châu Thành) hỗ trợ đầu tư giống lúa 504-LN, do cơ sở lai tuyển, không tính lãi và cuối vụ thu hồi. Đầu vụ, cơ sở này đã đưa về xã tổng cộng 63 tấn lúa giống (trị giá 630 triệu đồng) và mời nông dân cùng “liên kết” làm ăn.

img
Anh Lê Văn Chính đang tư vấn kỹ thuật trồng lúa cho nông dân qua điện thoại.

Để nông dân tin tưởng vào giống chất lượng, anh Lê Văn Chính – chủ cơ sở Lúa giống 9 Táo đã cam kết bán thiếu toàn bộ giống, đến cuối vụ anh và các doanh nghiệp trong tổ liên kết sẽ bao tiêu sản phẩm nên nông dân hoàn toàn có thể yên tâm tư đầu vào đến đầu ra. Ngoài cam kết thu mua lúa bằng hoặc cao hơn giá thị trường, anh Chính còn cử nhân viên kỹ thuật xuống bám đồng cùng nông dân.

“Chúng tôi đã khảo sát trên toàn bộ diện tích sử dụng lúa giống 9 Táo. Hiện một số diện tích đã thu hoạch cho năng suất khoảng 5,5 – 6 tấn/ha. Lâu nay kỹ thuật canh tác của bà con nông dân còn rất yếu, điều kiện đất đai thổ nhưỡng và nguồn nước cũng còn nhiều hạn chế nên năng suất này là cao hơn nhiều so với các giống trước đây” – ông Tý nói.

Anh Thạch Út – nông dân xã Trường Thọ cho biết: “Vụ này tôi có 1ha sử dụng giống 504-LN. Giống này có thời gian sinh trưởng 85 – 90 ngày, đẻ nhánh khỏe, chống chịu được khô hạn, nhiễm phèn, mặn; ít nhiễm sâu bệnh và dễ canh tác. Ngoài năng suất vượt trội, 504-LN còn kháng đạo ôn khá tốt nên vụ lúa này chi phí đầu tư của tôi cũng thấp hơn trước”.

Theo anh Lê Văn Chính, do xã Trường Thọ đặc biệt khó khăn, có đến 42% là hộ nghèo nên sắp tới anh vẫn tiếp tục liên kết cùng nông dân, ban đầu là mua lúa thịt, sau đó sẽ cùng nông dân nâng dần kỹ thuật để tiến tới sản xuất giống, cùng nông dân thoát nghèo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem