Nông dân khốn đốn bởi lúa vụ 3

Thứ năm, ngày 06/10/2011 09:38 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dư luận đang đặt câu hỏi về trách nhiệm của ngành nông nghiệp khi khuyến khích nông dân xuống lúa vụ 3 vào đúng thời điểm có lũ.
Bình luận 0

Trong những ngày gần đây, lũ ở ĐBSCL đã gây ảnh hưởng nặng nề đến diện tích lúa vụ 3 (vụ thu đông) của các tỉnh An Giang, Đồng Tháp.

Nhiều hộ dân trắng tay

Đầu năm 2011, Chính phủ ra Nghị quyết 11 “Về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”, trong đó giao ngành nông nghiệp phải tìm giải pháp để tăng sản lượng lúa ở ĐBSCL thêm 1 triệu tấn trong năm. Sau đó, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các địa phương quy hoạch lại vùng lúa thu đông, theo đó “chỉ tiêu” tăng thêm là 100.000ha, nâng diện tích lúa thu đông toàn vùng lên 600.000ha.

img
Nông dân Đồng Tháp thu hoạch lúa vụ 3 bị ngập chìm trong lũ.

Ở Đồng Tháp, “chỉ tiêu” là 99.000ha, phải xuống giống trước ngày 5.8. Nhiều nông dân không tán thành kế hoạch đầy may rủi này nên Đồng Tháp chỉ xuống giống được 93.000ha. Tuy nhiên, con số này vẫn hơn 30.000ha so với vụ thu đông 2010.

Ở An Giang, “chỉ tiêu” vụ thu đông là 134.000ha nhưng ND cố hết sức cũng chỉ trồng được 130.000ha. Đối chiếu với số diện tích thiệt hại hoặc có nguy cơ ngập lũ, phần nhiều là diện tích tăng thêm.

Mấy ngày qua, toàn bộ cánh đồng lúa Cả Mũi (Tân Hồng, Đồng Tháp) chìm trong biển nước, nhưng ông Đoàn Văn Dao Em vẫn cứ đau đáu nhìn về phía cánh đồng với vẻ mặt đầy nuối tiếc. Không tiếc sao được, khi vừa thuê được 5 công đất làm lúa vụ đầu tiên thì đã bị mất trắng.

Ông Dao Em ứa nước mắt than: "Hết rồi, mất sạch rồi. Bây giờ nhà không còn hạt lúa, gạo cũng chẳng có mà ăn, cả nhà 4 miệng ăn sẽ sống sao đây".

Ông Huỳnh Xuân Rô có hơn 1ha lúa vụ 3 đã làm đòng, bị nước lũ nhấn chìm trên cánh đồng Cả Mũi. Ông bức xúc: "Dân chúng ở đây đâu có chịu làm vụ 3. Nhưng đê bao đã thu tiền đóng góp của dân từ 3 năm trước, tới năm nay vẫn chưa hoàn thành mà đã kêu dân xuống giống. Chính quyền cam đoan bảo vệ được, ăn chắc và buộc dân phải xuống giống đúng lịch thời vụ. Thế mà, giờ mất trắng".

Thống kê mới nhất, tỉnh An Giang và Đồng Tháp có gần 8.000ha lúa thu đông mất trắng, khoảng 80.000ha đang bị lũ đe dọa…

img
Lúa vụ 3 ở Đồng Tháp ngập chìm trong lũ.

Tốn sức cứu đê vẫn mất lúa

Theo nhiều chuyên gia, việc khuyến khích dân mở rộng diện lúa vụ 3 trong bối cảnh hệ thống đê báo chống lũ còn yếu kém thì chẳng khác nào xúi dân chui vào... bụi rậm. Lúa trong vùng quy hoạch (có đê bao) còn không chịu nổi, huống chi là lúa ngoài quy hoạch.

Lại vỡ đê, 140ha lúa bị nhấn chìm

Lúc 2 giờ 30 sáng 5.10, nước lũ đã đánh sập 1 đoạn dài 15m trên tuyến đê bao số 8, đoạn qua ấp 3, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Nước lũ tràn vào nhấn chìm gần 140ha lúa thu đông 60 ngày tuổi. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện Thanh Bình đã đưa 2 chiếc xáng cạp đến khắc phục sự cố nhưng nước chảy quá mạnh, cuốn trôi cả 2 chiếc xáng cạp đi.

Khuya 4.10, tuyến đê bao Cà Vàng (xã Thông Bình, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) lại bị vỡ nhấn chìm hơn 800ha lúa. So với nhiều con đê khác, con đê này được coi là kiên cố khi mặt ngoài thân đê được xây bằng tường xi măng chạy dài hơn 7km. Đây là con đê thứ 4 bị vỡ nâng thiệt hại ở Đồng Tháp lên gần 2.000 ha. Dù mực nước lũ vẫn chưa bằng năm 2000, dù ngành nông nghiệp đã tu sửa, gia cố, làm mới, nhưng hàng loạt tuyến đê vẫn đang chuẩn bị vỡ…

Ở Đồng Tháp, vụ vỡ đê đầu tiên trong mùa lũ xảy ra tại xã Tân Hội (thị xã Hồng Ngự), khiến 200ha lúa bị nước lũ nhấn chìm. Rạng sáng 28.9, tuyến đê bao Cả Mũi (xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng) cũng bị vỡ làm 500ha lúa vụ 3 mất trắng.

Ông Nguyễn Văn Bình - canh tác 5 công ruộng trong tuyến đê bao ấp Thi Sơn, cạnh tuyến đê Cả Mũi, cho biết: “Khi công trình đê bao này chưa kịp hoàn thành, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp đã hối thúc nông dân xuống giống. Mãi đến tháng 9 vừa qua đê mới tạm hoàn thành thì lũ đã dâng cao, đe dọa hàng trăm ha lúa. Tuyến đê này rất thấp, nhiều nơi nước lũ đã tràn qua và nguy cơ vỡ đê rất lớn. Hàng trăm ha lúa cả tuần nay đều bị “bỏ đói” không ai xạ phân, xịt thuốc vì sợ bỏ thêm tiền vô đó mà bị vỡ đê thì thiệt hại còn nặng nề hơn”.

Còn tại tỉnh An Giang, chỉ trong đêm 27.9 đã xảy ra 4 vụ vỡ đê đe dọa 320ha thuộc xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, rồi 270ha thuộc xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú. Song nghiêm trọng nhất là tại khu vực kênh 7, xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú, một đoạn đê dài khoảng 40m bị sạt lở khiến nước lũ đổ ào ào vào đồng ruộng nhấn chìm hơn 500ha và đe dọa trực tiếp đến 1.000ha khác của khu vực này.

Theo ông Phan Thanh Xuân - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Tân Hồng, còn 8.800ha lúa từ 30-45 ngày tuổi đang bị nước lũ đe dọa vì hàng loạt tuyến đê xung yếu có thể bị vỡ bất cứ lúc nào. Nhiều nơi người dân đang dồn sức chạy đua với lũ để cứu lúa nhưng không kịp. Tuyến đê bao Thông Bình vừa bị lũ tràn qua, lực lượng gia cố, hộ đê đã tôn cao đỉnh đê thêm khoảng 20cm nhưng chẳng bao lâu sau lại bị lũ… đuổi kịp.

Hiện khu vực Thông Bình, tuyến đê Gò Bối – xã Tân Hộ Cơ, tuyến đê Thi Sơn, xã Tân Thành A, cạnh khu vực Cả Mũi vừa bị vỡ đang “đánh vật” với lũ từng giờ, từng ngày, nhưng không biết có thể chịu đựng được bao lâu nữa.

Lũ ở ĐBSCL mang lợi nhiều cho nông dân. Thế nhưng, chính việc “khuyến khích” dân tăng diện tích lúa thu đông trong khi việc chuẩn bị chưa kỹ lưỡng đã thực sự làm khổ người dân.

Ông Nguyễn Minh Nhị - Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: Tôi đã cảnh báo từ đầu

Khi Bộ NNPTNT chỉ đạo tăng thêm 100.000ha vụ thu đông, tôi và nhiều người đã cảnh báo khả năng xấu nhất có thể xảy ra. Nếu làm ẩu, không chuẩn bị kỹ càng về đê điều, về quy hoạch, về việc giám sát sản xuất ở địa phương, nông dân sẽ là người thiệt hại nhiều nhất. Thực tế thì những việc trên chúng ta làm không tốt nên ở nhiều khu vực, nông dân sản xuất lúa vụ 3 đã bị lũ nhấn chìm, mất sạch.

TS Bùi Chí Bửu - Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp Miền Nam: Cần rút kinh nghiệm

Việc để xảy ra tình trạng lũ phá lúa vụ 3 như hiện nay là một bài học cần rút kinh nghiệm, nhất là từ phía các địa phương. Những vùng trồng thu đông phải luân phiên giữa các tỉnh để thời gian xả lũ, mang phù sa vào ruộng. Đã làm thu đông là phải có kế hoạch, phải chủ động tất cả các vấn đề, không để rủi ro xảy ra, đặc biệt là trong mùa lũ. Việc này, nhiều địa phương làm chưa tốt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem