Nông dân không được hưởng lợi

Thứ năm, ngày 30/12/2010 09:41 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo công bố của Tổng cục Thống kê, cuối năm nay so với cuối năm trước, giá lương thực tăng 17,96%, giá thực phẩm tăng 16,69%. Thoạt nhìn, không ít người đã cho rằng nông dân được hưởng lợi lớn.
Bình luận 0

 

Nhưng thực ra không phải như vậy, thậm chí nông dân còn bị thiệt hại không nhỏ.

img
Giá lương thực, thực phẩm tăng cao nhưng phần lợi nhuận mà ND thu được rất thấp.

Giảm lợi nhuận vì qua khâu trung gian

Người nông dân cho đến nay vẫn chịu đựng một nắng hai sương, nhưng phần lớn các hộ tự làm là lấy công làm lãi, không có tích lũy nhiều, vốn phải đi vay hoặc mua vật tư sản xuất, đến khi thu hoạch phải nhanh chóng bán sản phẩm để lấy tiền trang trải nợ nần, ngay cả khi giá sản phẩm ở thời điểm thu hoạch rộ rất rẻ mạt.

Người tiêu dùng chớ có kêu ca về giá lương thực- thực phẩm đã quá cao, chớ có nghĩ là người nông dân sướng do được hưởng lợi toàn bộ hoặc hầu hết từ việc tăng giá lương thực- thực phẩm hiện nay mà người sản xuất đã bị buộc phải "chia năm sẻ bảy" cho biết bao nhiêu khâu trước khi đến tay người tiêu dùng.

Ở nhiều tỉnh vùng ĐBSCL hầu hết các hộ nông dân không có sân phơi, không có kho sấy, thường phải bán sản phẩm ngay tại ruộng với giá rất thấp. Điều đó đã giải thích tại sao giá lương thực đã giảm tới 5- 6 tháng liền vào đúng thời kỳ cả miền Nam, cả miền Bắc thu hoạch rộ lúa đông xuân, lúa hè thu, lúa mùa.

Giá thực phẩm cũng tăng thấp trong nhiều tháng trước đây; không ít hộ đã để trống chuồng từ mấy năm nay, là nông dân nhưng thường xuyên phải mua thịt lợn từ chợ.

Bà con nông dân sản xuất phân tán, với khối lượng sản phẩm nhỏ lẻ, thường không tự mang sản phẩm của mình đi bán ở chợ, hay ở các trung tâm tiêu thụ, mà thường phải bán qua trung gian, qua những người mua gom, qua các tổ chức xuất khẩu.

Ngay cả các cá nhân trung gian, những người mua gom cũng thường mang nông sản gom được bán ở các chợ đầu mối, còn từ chợ đầu mối đến các chợ lẻ còn phải qua một khâu trung gian nữa.

Thời gian qua, người tiêu dùng thường mua hàng trực tiếp ở những người bán lẻ, trong khi giá mua lẻ ở đây đắt hơn ở chợ đầu mối tới mấy phần trăm, thậm chí tới mấy chục phần trăm. Như vậy, giá bán lẻ chênh rất xa so với giá bán của người sản xuất. Cứ xem giá một bát phở người ăn phải trả tới 20.000 đồng nhưng giá thịt, giá gạo (làm bánh) liệu có được một nửa; mà cái nửa ấy cũng phải chia đôi, chia ba, chứ người sản xuất đâu đã được hết.

Thiệt hại đủ đường

Người nông dân còn bị thiệt hại không nhỏ cũng biểu hiện ở nhiều góc độ.

Trước hết là họ đã bán hết hoặc gần hết nông sản khi giá rẻ, nên phần tiêu dùng lại phải mua với giá cao hơn ngay sau đó hoặc đắt hơn nhiều khi giá thị trường đã lên cao (như hiện nay), thậm chí còn cao hơn nữa vào kỳ giáp hạt.

img
 

Giá lương thực- thực phẩm tăng cao là một cái cớ quan trọng để hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng khác tăng theo. Giá lương thực - thực phẩm tăng cao mà người nông dân trực tiếp sản xuất được hưởng rất ít của phần tăng lên đó, nhưng giá hàng hóa, dịch vụ khác tăng cao thì người nông dân lại gánh chịu.

Giá vật tư dùng cho sản xuất (tức là giá đầu vào) còn tăng cao hơn giá lương thực- thực phẩm (giá đầu ra); nếu là vật tư nhập khẩu thì mấy năm nay còn tăng kép: Tăng do giá nhập khẩu tính bằng USD tăng, vừa tăng do tỉ giá VND/USD tăng (năm 2008 tăng 6,31%, năm 2009 tăng 10,7%, năm 2010 tăng khoảng 8%).

Chẳng hạn 11 tháng năm nay, giá phân bón nhập khẩu tính bằng USD tăng 7,2%, tỉ giá bình quân so với cùng kỳ năm trước tăng 7,47%, làm cho giá tính bằng VND tăng trên 15,2%, trong khi giá lương thực trong nước trong thời gian tương ứng chỉ tăng 11,2%. Đó là chưa nói "cánh kéo giá cả" giữa lương thực- thực phẩm với hàng công nghiệp vẫn có khoảng cách lớn...

Tình hình như trên nói lên rằng, người tiêu dùng chớ có kêu ca về giá lương thực- thực phẩm đã quá cao, chớ có nghĩ là người nông dân sướng do được hưởng lợi toàn bộ hoặc hầu hết từ việc tăng giá lương thực- thực phẩm hiện nay mà người sản xuất đã bị buộc phải "chia năm sẻ bảy" cho biết bao nhiêu khâu trước khi đến tay người tiêu dùng.

Các nhà hoạch định chính sách vĩ mô cần có chính sách để điều tiết việc "chia năm sẻ bảy" này hoặc có chính sách để đỡ cho người trực tiếp sản xuất lương thực- thực phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem