Nông dân Lâm Đồng lo điều gì nhất khi giá cà phê vượt mốc hơn 100.000 đồng/kg?
Nông dân Lâm Đồng lo điều gì nhất khi giá cà phê vượt mốc hơn 100.000 đồng/kg?
Văn Long
Chủ nhật, ngày 03/11/2024 05:25 AM (GMT+7)
Giá cà phê đạt hơn 100.000 đồng/kg nhân, chính vì vậy người dân Lâm Đồng rất phấn khởi vì một năm được mùa, được giá. Tuy nhiên, người trồng cà phê cũng đang cánh cánh lo nạn trộm cà phê.
Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa, niên vụ cà phê 2024 của người dân tại Lâm Đồng sẽ bắt đầu. Thời điểm này, nhiều vườn cà phê của người dân đã bắt đầu chín, báo hiệu một vụ mùa được mùa, được giá. Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 175.000ha, sản lượng ước đạt hơn 500.000 tấn.
Tại huyện Lâm Hà, nơi có diện tích trồng cà phê lớn nhất nhì tỉnh Lâm Đồng, người dân vẫn đang chăm sóc cà phê để chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch.
Hiện nay, giá cà phê nhân đang được thu mua với giá hơn 100.000 đồng/kg, vì vậy người dân rất phấn khởi bởi đây là giá mới chỉ xuất hiện trong 2 năm trở lại đây.
Trao đổi với phóng viên, anh Hoàng Văn Đạt (38 tuổi, ngụ xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) cho hay, gia đình anh trồng 10ha cà phê, năm 2024 dự kiến năng suất đạt từ 30 - 40 tấn cà phê nhân. Hiện, anh vẫn đang chăm sóc để chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch cũng như chăm sóc cành để thu hoạch vào năm sau.
"Giá cà phê hiện nay chúng tôi theo dõi đạt từ 100-110.000 đồng/kg nhân. Đây là năm thứ 2 mà giá cà phê đạt mức cao thế này, vì vậy, chúng tôi rất phấn khởi. Hy vọng giá cà phê như thế này sẽ ổn định vài năm để người dân trồng cà phê phát triển kinh tế.
Hiện nay, nhiều vườn cà phê của người dân Lâm Đồng đã bắt đầu chín, điều này khiến cho các chủ vườn lo ngại bị hái trộm cà phê.
Tuy nhiên, giá cà phê cao như thế này cũng khiến chúng tôi lo lắng về việc mất trộm. Vì thế, những ngày này, gia đình tôi cũng như người dân xung quanh hầu như ít đi xa, hàng đêm phải tổ chức trông coi, giám sát vườn cà phê của mình", anh Đạt chia sẻ.
Người dân trồng cà phê tại Lâm Đồng đang vừa mừng, vừa lo khi giá cà phê đạt trên 100.000 đồng/kg.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Ngọc - Giám đốc Hợp tác xã Tân Nghĩa (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, thời điểm trước mùa thu hoạch cà phê, nguy cơ xảy ra trộm cắp cà phê rất cao.
Ông Ngọc cho hay, tại huyện Di Linh, nhiều gia đình có vườn xa nhà phải làm lán trại tại vườn cà phê để trông coi, chống mất trộm. Các hộ dân có vườn cà phê gần nhau cũng thường xuyên trao đổi, thống nhất hỗ trợ bảo vệ vườn cà phê của hàng xóm.
Ông Vũ Hồng Long - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Di Linh cho hay, toàn huyện có khoảng 46.000ha cà phê, sản lượng dự kiến đạt 150.000 tấn.
Dù chưa bước vào vụ thu hoạch nhưng vì giá cao nên dễ xảy ra trộm cắp cà phê. Do vậy, ngành nông nghiệp huyện đã tham mưu UBND huyện có văn bản chỉ đạo lực lượng công an, UBND các xã tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát, bảo vệ mùa màng.
Tăng cường tuần tra, đảm bảo an ninh
Trước thực trạng trên, huyện Di Linh đã yêu cầu các ngành chức năng hướng dẫn người dân thu hoạch, bảo quản và chăm sóc cây cà phê sau thu hoạch niên vụ 2024-2025. Đồng thời, các địa phương phải tăng cường hỗ trợ đảm bảo an ninh, an toàn cho các vườn cà phê cho người dân.
Cụ thể, UBND huyện Di Linh đã giao Công an huyện phối hợp cùng các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn cho các vườn cà phê trong niên vụ 2024-2025. Đồng thời, tuyên truyền các đơn vị thu mua, người dân phối hợp thực hiện công tác tự quản và tố giác tội phạm.
Chính quyền huyện Di Linh yêu cầu các xã trên địa bàn tuyên truyền cho người dân không thu hái cà phê quả xanh, chỉ tiến hành thu hoạch quả đúng tầm chín.
Song song với đó, triển khai các biện pháp, lực lượng nắm chắc tình hình, quản lý số lao động tự do đến làm việc theo mùa vụ thu hoạch cà phê.
Đẩy mạnh công tác rà soát, tổ chức tuần tra kiểm soát tại các địa bàn, tuyến giao thông, khu vực vườn cà phê có ít dân cư tập trung sinh sống có nguy cơ xảy ra trộm cắp. Bên cạnh đó, kiểm tra, nâng cao chất lượng, sử dụng có hiệu quả hệ thống camera an ninh phục vụ phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn huyện.
Ngoài ra, huyện Di Linh cũng yêu cầu các xã trên địa bàn tuyên truyền cho người dân không thu hái cà phê quả xanh, chỉ tiến hành thu hoạch quả đúng tầm chín, không thu hái trái xanh, trái non và thu hái đúng kỹ thuật. Đồng thời, thu hoạch nhiều lần trong một vụ để thu hết quả chín, phải ngừng thu hái trước và sau khi hoa nở 3-5 ngày.
Ngoài ra, đối với các cơ sở thu mua, chế biến cà phê trên địa bàn, huyện Di Linh cũng yêu cầu thu mua cà phê đảm bảo tỷ lệ quả chín (trên 90% đối với phương pháp chế biến ướt, trên 80% đối với phương pháp chế biến khô), tuyệt đối không được thu mua cà phê quả xanh, tỷ lệ tạp chất, sâu bệnh hại cao. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát các đại lý, điểm thu mua cà phê tươi, yêu cầu cam kết không thu mua cà phê quả còn xanh, non và có biện pháp xử lý khi phát hiện.
Như Dân Việt đã thông tin, ngày 17/10, ông Nguyễn Văn Xướng (phường 2, TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) đã bị kẻ gian vào tuốt trộm. Cụ thể, có 11 cây cà phê sai quả của gia đình ông bị kẻ gian hái hết, không còn quả trên cây, nhiều cành bị giật gãy xuống đất. Ông Xướng ước tính, đã có khoảng 400 kg cà phê đã bị kẻ gian hái trộm, đưa ra khỏi vườn.
Ông Xướng cho hay, vườn cà phê của gia đình ông được trồng khoảng 10 năm nay, được chăm sóc tốt nên quả sai, ước tính mỗi cây cho thu hoạch từ 35 – 40 kg quả tươi.
Việc mất trộm trước một vụ mùa có giá thu mua cà phê cao như hiện nay đã khiến cho ông và người dân trong khu vực rất lo lắng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.