Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ông Vũ Văn Minh (SN 1964) ở thôn 16, xã Nam Dong, huyện Cư Jút, chia sẻ vào năm 1993, vì không có đất canh tác, ông cùng vợ và hai con nhỏ đã rời quê hương Hải Hậu, Nam Định để vào mảnh đất Nam Dong lập nghiệp. Khi mua được 2ha đất hoang, gia đình ông Minh gặp phải muôn vàn khó khăn do đất đai nhiều đá sỏi.
Thời gian đầu, vì không có máy móc hiện đại, ông Minh và vợ chỉ có thể trồng các loại cây ngắn ngày như đậu và bắp chen vào những khe đá. Họ phải dùng những công cụ thô sơ như cuốc, xẻng để đào đá.
"Những viên đá nhỏ thì gom lại thành hàng rào, còn đá lớn không thể di chuyển, chúng tôi phải đào hố sâu để chôn xuống đất.
Cứ như thế mỗi năm, tôi lật được một đến hai sào đá để có đất trồng cà phê xen với hồ tiêu", ông Minh kể lại.
Mãi đến năm 2008, sau 15 năm miệt mài lật đá, gia đình ông mới cải tạo xong đất để trồng cà phê và hồ tiêu, giúp kinh tế gia đình dần ổn định và xây dựng được ngôi nhà khang trang.
Vườn cà phê xanh tốt là thành quả của gia đình ông Hứa Văn Biên sau nhiều năm cải tạo hơn 1,5ha đất đá.
Tương tự như gia đình ông Minh, ông Hứa Văn Biên (SN 1968), sống tại thôn 2, xã Nam Dong, cũng phải vượt qua nhiều thử thách khi từ quê Cao Bằng vào lập nghiệp theo diện kinh tế mới năm 1990. Đối mặt với sự thiếu thốn về mọi mặt, gia đình ông chỉ có đôi tay và sức lực để cải tạo hơn 1,5ha đất đá thành vườn cà phê.
"Đất thì ít mà đá thì nhiều, ngày ấy lại không có máy móc, nên việc lật đá giữa cái nắng, gió Tây Nguyên vô cùng vất vả. Đã có lúc tưởng chừng muốn bỏ cuộc, nhưng chúng tôi hiểu rằng ngoài kiên trì, không còn cách nào khác", ông Biên chia sẻ.
Nhờ sự quyết tâm và sự cần cù, giờ đây ông Biên đã biến mảnh đất đầy đá thành vườn cà phê xanh tốt. Với hơn 1,5ha cà phê, mỗi năm gia đình ông thu về hơn 4 tấn cà phê nhân, dần ổn định và khấm khá hơn.
Số lượng sỏi đá trong quá trình cải tạo được bà con nông dân tận dụng xếp chồng lên nhau làm hàng rào bao quanh vườn.
Cách thôn 16, xã Nam Dong chừng 2km, cũng có câu chuyện tương tự của bà Trần Thị Thêm (SN 1972) ở thôn Thanh Nam, xã Ea Pô, huyện Cư Jút, đối mặt với thử thách khi theo cậu vào Cư Jút lập nghiệp từ năm 1995.
Ban đầu, bà Thêm phải làm thuê để tích lũy dần kinh phí mua 1ha đất để trồng cà phê. Tuy nhiên, cũng phải sau chục năm lao động miệt mài, bà Thêm mới có thể trồng được vườn cà phê vì mảnh đất có quá nhiều đá.
Đến nay, bà Thêm còn mở thêm vườn ươm cây giống. Sau nhiều năm cố gắng kinh tế gia đình bà cũng đã dần ổn định.
"Ngày ấy, thấy mảnh đất đầy đá cũng sợ lắm, nhưng vì không có vốn, tôi vừa làm thuê vừa lật đá mỗi năm một ít. Mãi đến sau chục năm, tôi mới có thể trồng được vườn cà phê", bà Thêm nhớ lại.
Theo ông Trương Văn Tú, Chủ tịch UBND xã Nam Dong, khi xã mới được thành lập vào năm 1989, đời sống của người dân rất khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, đường sá đi lại cũng vô cùng gian nan. Trong những ngày đầu, việc ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế là một thách thức không nhỏ đối với bà con.
Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm và đầu tư từ Đảng và Nhà nước, cơ sở hạ tầng của xã đã dần được cải thiện.
Năm 2017, xã Nam Dong được công nhận là xã nông thôn mới. Đến nay, xã đã đạt 18/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao và đang phấn đấu để về đích vào cuối năm nay.
Chủ tịch UBND xã Nam Dong chia sẻ thêm, nhờ những chính sách hỗ trợ kịp thời từ Đảng và Nhà nước cùng với sự nỗ lực không ngừng của người dân đã giúp cải thiện rõ rệt đời sống của bà con.
Thu nhập bình quân của xã đã đạt năm 2023 là 48 triệu đồng/người/năm, nhưng đến năm 2024, thu nhập bình quân của xã đạt hơn 65 triệu đồng/người/năm, một con số ấn tượng phản ánh những nỗ lực, quyết tâm của toàn thể người dân và cả hệ thống chính trị tại địa phương.
Những hàng cà phê thẳng tắp, xanh tốt là kết quả nỗ lực, kiên trì bám trụ nơi vùng đất khó của bà con nông dân huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.