Nông dân lo sốt vó

Thứ sáu, ngày 14/05/2010 07:09 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau khi Hiệp hội Lương thực Việt Nam tuyên bố tạm dừng thu mua tạm trữ đối với chỉ tiêu 500.000 tấn gạo đông xuân còn lại, trên thị trường đã xuất hiện những diễn biến “trái chiều”.
Bình luận 0
img
Hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang rất cầm chừng.

Doanh nghiệp thở phào!

Theo ông Trương Thanh Phong – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, việc tạm dừng thu mua tạm trữ đối với chỉ tiêu 500.000 tấn gạo đông xuân nói trên là do lúa đông xuân trong dân đã tiêu thụ hết và các kho của doanh nghiệp hiện đã gần như đầy cứng và đang chờ giải phóng. Việc tạm dừng này để cũng để chờ động thái thị trường khi vào vụ hè thu tới, lúc đó Hiệp hội Lương thực Việt Nam sẽ đề xuất chủ trương thu mua tiếp.

Trả lời NTNN, lãnh đạo một công ty xuất khẩu lớn ở An Giang, khẳng định: “Đây là chủ trương đúng xu thế và nguyện vọng của doanh nghiệp! Bởi nếu có chỉ đạo tiếp, doanh nghiệp chúng tôi vẫn không thể nhập kho thêm 1 tấn nào nữa vì đã quá tải. Vả lại, với tình hình đầu ra xuất khẩu gặp khó khăn như hiện nay, không ai mua vào để chất kho rồi chịu lỗ!”.

img Vào lúc cao điểm thu mua thì lãi suất ngân hàng tăng cao, lượng giải ngân bị hạn chế, gây ảnh hưởng đến tiến độ và năng lực thu mua của các doanh nghiệp. Khi khó khăn nhà nước kêu gọi, doanh nghiệp thực hiện tốt nay đến lượt DN gặp khó khăn, nhà nước phải có biện pháp hỗ trợ lại DN mới sòng phẳng! img

Tìm hiểu thêm vấn đề này, hơn 20 doanh nghiệp khác (ở Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang…) cũng thừa nhận: hiện tại các kho của họ đang luôn trong trạng thái đầy cứng, ít nhất cũng từ 80 – 90% sức chứa thiết kế.

Ngay cả Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, nơi có hệ thống kho hiện đại với sức chứa lên đến 200.000 tấn, hiện cũng đã chất đầy trên 190.000 tấn! Tại Cần Thơ, nhiều doanh nghiệp còn khẳng định, họ đang phải tạm gửi hàng ngàn tấn gạo ở các kho đối tác hoặc ký gửi tại các nhà máy gia công.

Ông Lê Trường Sơn - Tổng giám đốc Docimexco (Đồng Tháp), nhấn mạnh: “Sau đợt thực hiện chỉ thị thu mua vừa rồi, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn, rất lo ngại với chuyện tồn kho hiện tại. Nếu Chính phủ không sớm ban hành chính sách hỗ trợ về vốn, ưu đãi lãi suất… sẽ khó có doanh nghiệp nào dám thu mua tiếp trong vụ tới!”.

Nông dân rầu “thúi ruột”

Ông Nguyễn Hùng Linh – Tổng Giám đốc Công ty Du lịch – Thương mại Kiên Giang: Tôi nghĩ trách nhiệm của doanh nghiệp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và với nông dân trồng lúa trên địa bàn, khó mấy cũng phải gồng gánh tiếp. Phải bảo đảm giá mua trong dân thấp nhất là 4.200 đồng/kg.

Ở một động thái ngược lại, nông dân lại lo... sốt vó. Ngày 13-5, tiếp xúc với phóng viên, nông dân Trần Văn Chỉ (53 tuổi, ngụ xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, Sóc Trăng) đang canh tác nhiều ha lúa khẳng định: “Thực sự vụ đông xuân còn nhiều lúa chưa bán được lắm. Nhà tui còn sơ sơ cũng cả chục tấn. Có nhà còn nhiều hơn. Nếu bây giờ nhà nước tạm dừng thu mua lúa, nông dân tụi tui khổ nữa!”.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, không riêng gì ông Chỉ mà nhiều nông dân ở vùng này cũng cho biết, ở thời điểm có chủ trương thu mua giá bảo hiểm 4.000 đồng/kg, vậy mà lúa đông xuân kỳ rồi họ bán ra khá trầy trật”.

Thời tiết nắng nóng, các sông thiếu nước liên miên, nhưng nhiều hộ dân ở ĐBSCL vẫn quyết định duy trì lúa vụ 3 với diện tích từ 50 – 70% vụ trước để mong gỡ gạc lại vốn, làm lúa giống và cầm cự gạo ăn cho mấy tháng tới. Tuy nhiên, trước thông tin tạm dừng thu mua tạm trữ, một số vùng thương lái đã có động thái neo ghe chờ lệnh từ nhà máy…

Tính đến giữa tháng 5 này, nông dân trên cả nước xuống giống hơn 900.000ha lúa hè thu. Dự kiến cuối tháng 5 tới, tổng diện tích lúa hè thu cả nước sẽ đạt từ 1,6 – 1,7 triệu ha.

Hiện tất cả các tỉnh – thành khu vực ĐBSCL đều xuống giống chậm theo kế hoạch để tránh dịch hại và khô hạn. Chỉ có một số địa phương ở Sóc Trăng, Hậu Giang và một vài địa phương ở Đồng Tháp là xuống giống sớm hơn và đã có nơi chuẩn bị thu hoạch sớm trong tháng 5 và tháng 6 này (ước tính hơn 40.000ha).

Như vậy, theo lịch thời vụ này, khoảng giữa thàng 6 tới vụ hè thu sẽ vào thu hoạch và kéo dài cho đến hết tháng 7. Khi đó, nếu tình hình “đầu ra” của các doanh nghiệp vẫn chưa “thông”, tình hình tồn kho vẫn rất nan giải và việc tạm dừng thu mua sẽ tiếp tục có “hiệu lực” vô thời hạn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem