Nông dân ngày càng rời xa cây điều

Minh Hậu Thứ sáu, ngày 13/06/2014 17:54 PM (GMT+7)
Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều nhưng ngành điều đang phải đối đầu khó khăn, thử thách do diện tích vùng điều nguyên liệu bị thu hẹp.
Bình luận 0

Diện tích giảm sút

Tại Hội nghị “Giải pháp phát triển sản xuất điều bền vững”, do Bộ NNPTNT tổ chức vào ngày 12.6 tại Đồng Nai, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết diện tích điều nguyên liệu trên toàn quốc liên tục sụt giảm. Theo đó, năm 2005, diện tích điều nước ta khoảng trên 433 ngàn ha và hiện nay diện tích này giảm xuống còn trên 313 ngàn ha.

Diện tích giảm mạnh nhất phải kể đến là các tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ (giảm trên 88 ngàn ha tính từ 2005 - 2013), tiếp đến là các tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ (giảm gần 17 ngàn ha) và Tây Nguyên (giảm trên 14 ngàn ha). Nguyên nhân của sự giảm sút này là do diện tích điều được chuyển sang trồng các loại cây khác. Hơn nữa, hiệu quả kinh tế từ điều không cao, kém ổn định và không đủ sức cạnh tranh với nhiều loại cây trồng khác nên người trồng không “mặn mà” với điều.

Ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết: “Diện tích điều tiếp tục bị thu hẹp. Hơn nữa phần lớn diện tích thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số canh tác theo kiểu “3 không” (không tạo tán tỉa cành, không bảo vệ thực vật, không tưới nước) nên năng suất thấp. Trong khi đó, chế biến xuất khẩu phát triển mạnh nên cung cầu nguyên liệu mất cân đối nghiêm trọng. Điều này dẫn tới ngành công nghiệp chế biến ngày càng phải phụ thuộc vào nguồn điều thô nhập khẩu”.

Cần hỗ trợ người trồng điều

Thứ trưởng Bộ NNPTNN Lê Quốc Doanh cho rằng: “Điều là cây hàng hoá quan trọng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và thúc đẩy phát triển kinh tế. Ngành điều gặp khó khăn và cần phải có biện pháp giải quyết vì nếu ngành điều “đổ bể” sẽ ảnh hướng đến nông dân và gây hệ luỵ đối với công nghiệp chế biến”.

Trước vấn đề trên, để phát triển bền vững ngành điều Ông Phạm Minh Đạo - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, kiến nghị: “Ưu thế cạnh tranh của cây điều đang rất thấp, do vậy cần có các giải pháp giúp đỡ nông dân để họ an tâm, gắn bó với cây điều. Bộ NNPTNT sớm ban hành quy chế quản lý quy hoạch, cơ chế chính sách hỗ trợ và phân công cụ thể trách nhiệm các đơn vị có liên quan trong quá trình triển khai các quy hoạch. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, đưa các giống điều hiệu quả cao vào sản xuất”.

Năm 2005, Việt Nam nhập khẩu 80 ngàn tấn điều, đến năm 2010 con số nhập khẩu vào khoảng trên 400 ngàn tấn và năm 2013, nhập khẩu đạt mức kỷ lục trên 650 ngàn tấn điều.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch VINACAS cũng kiến nghị các ngành chức năng liên quan thực hiện giải pháp đảm bảo thu nhập cho người trồng điều. Khi sản phẩm điều tăng giá, có lãi và ổn định thì nông dân sẽ chú trọng đầu tư sản xuất. Hơn nữa, Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu, đa dạng hoá sản phẩm chế biến sâu, xây dựng thương hiệu… thì ngành điều mới phát triển bền vững.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem