Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Video ê-kíp sản xuất những video clip triệu view của anh Lê Văn Cả. Thực hiện: Kim Duyên.
Mọi người vẫn hay nhắc đến làng hoa Tây Tựu, chợ hoa Quảng Bá, thế nhưng ít ai biết những giống hồng ngoại đẹp mê mẩn lại đến từ làng hoa Mê Linh, Hà Nội. Với mong muốn quảng bá "thương hiệu" cho nghề trồng hoa hồng tại địa phương, hướng dẫn mọi người những kĩ thuật chăm hồng cơ bản, anh nông dân trẻ Lê Văn Cả (Mê Linh, Hà Nội) và một vài người bạn của mình đã xây dựng kênh Tiktok với những video mang thương hiệu cá nhân.
Nảy ra ý tưởng làm kênh bán hàng online khi đang có dịch Covid-19, đến nay, kênh của họ đã có hơn 246.000 lượt theo dõi, hơn 2 triệu lượt thích với những clip triệu view. Khán giả của kênh rất thích thú với cách làm nội dung giản dị, mộc mạc, và đặc biệt hài hước của những anh nông dân trồng hoa. Nhờ vậy, mỗi lần livestream bán hàng, kênh Hoa hồng Mê Linh có thể chốt được từ vài trăm đến cả nghìn đơn hàng, đem đến doanh thu từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Theo đó, doanh thu cả năm anh Cả đem về lên đến hàng tỉ đồng.
Nói về mục tiêu xây dựng kênh, xây dựng nội dung, hình ảnh trên các nền tảng mạng xã hội, anh Cả chia sẻ: "Mục tiêu ban đầu của tôi chỉ là quay những video hướng dẫn mọi người cách chăm sóc và trồng hồng. Nhưng khi nhiều người biết đến hoa hồng Mê Linh và kênh của mình thì lúc đó mình mới có suy nghĩ bán cây qua Tiktok".
Mong muốn xây dựng nội dung "đẹp" trên mạng xã hội, anh Cả đã từ chối nhiều lời mời quảng cáo. Bởi, "mục đích của mình không phải kiếm tiền từ quảng cáo. Mình luôn muốn mọi người biết đến mình với vẻ đẹp thuần túy là một người nông dân, không muốn xây dựng kênh và kiếm tiền từ lùm xùm, những điều không hay trên mạng xã hội", anh Cả tâm sự.
Với tính cách hài hước, dí dỏm và nét đẹp thuần nông, những video của anh luôn được mọi người đón nhận. Vì vậy khách hàng mua cây chủ yếu là người đã theo dõi, đã xem video của anh. Nhờ thế doanh thu của vườn hoa vào dịp Tết cao hơn 2-3 lần so với những năm trước.
Tranh thủ thời gian cuối tuần, từ 6 giờ sáng chị Trần Như Quỳnh (Duy Tiên, Hà Nam) cùng chồng lên vườn hoa Mê Linh để gặp và nghe lời tư vấn trực tiếp từ anh Cả. Chị Quỳnh chia sẻ: "Mình luôn theo dõi những video của anh Cả. Nội dung ngắn, đơn giản nhưng rất hấp dẫn. Không chỉ trên mạng xã hội, mà ngoài thực tế vẫn anh cả vẫn tư vấn nhiệt tình và vui tính".
Từ tình yêu với đồng ruộng, với mong muốn quảng bá rộng rãi thương hiệu sản phẩm của quê hương, những người nông dân trẻ đã không bị động ngồi chờ thương lái tìm đến như cách truyền thống. Giờ đây, anh nông dân Lê Văn Cả đã xây dựng được một đội ngũ khoảng chục người để phục vụ cho kênh bán hàng online của mình.
Lập hàng chục nhóm khách hàng để tư vấn, giải đáp tất cả những thắc mắc của mọi người về giống hoa và cách chăm sóc, anh Cả chia sẻ: "Từ khi được nhiều người biết đến qua mạng xã hội mình không thể vừa chăm cây, vừa chăm sóc khách hàng, vừa làm nội dung trên mạng xã hội vì mất rất nhiều thời. Mình phải lập các nhóm để dễ dàng quản lý và chăm sóc khách hàng hơn".
Là người đồng hành cùng anh Cả từ những ngày đầu lập nghiệp, anh Nguyễn Mạnh Chính (Mê Linh, Hà Nội) cho biết: "Từ khi phát triển nội dung trên mạng xã hội được nhiều người biết đến, doanh thu cao là động lực để mình sản xuất tiếp những video hay".
Thế nhưng, anh Cả và e-kip cũng chỉ có thể tranh thủ 1-2 tiếng mỗi ngày để quay. "Công việc chính của mình vẫn là trồng hoa, không phải sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Các video đều không có kịch bản trước, chỉ là mình tiện ra đồng thì quay và tranh thủ thời gian nghỉ để dựng", anh Chính bộc bạch.
Không chỉ xây dựng nội dung trên mạng xã hội để tìm thị trường, anh Cả cùng những người bạn của mình còn dành thời gian nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc, cắt, ghép để ra mắt thị trường những mặt hàng chất lượng. Theo lời anh Cả, diện tích trồng hoa lớn anh phải thuê những người dân có kinh nghiệm trồng hoa tại địa phương để chăm sóc cây. Anh cũng thường xuyên đi giao lưu học hỏi kỹ thuật trồng hoa từ những địa phương khác. "Thậm chí, để tiết kiệm thời gian và chi phí mình phải tự nghiên cứu, thiết kế hệ thống phun thuốc, tưới nước riêng", anh Cả cho biết.
Làm giàu một cách chính đáng trên đồng ruộng quê hương, những người nông dân Việt Nam thời đại 4.0 cho thấy sự sáng tạo, nhanh nhạy của mình trước những chuyển động của thị trường, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.