Nông dân Sài thành khó vay vốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Quốc Hải Chủ nhật, ngày 19/05/2019 05:05 AM (GMT+7)
Việc xác định các tiêu chí để công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi của Nhà nước trong quá trình đầu tư... không hề dễ dàng, khiến cho việc phát triển NNCNC ở TP.HCM gặp khó.
Bình luận 0

Chính sách có nhưng…

TP.HCM hiện có nhiều gói hỗ trợ tài chính dành cho dự án nông nghiệp tại địa bàn này. Chẳng hạn, UBND TP.HCM đã ban hành Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND năm 2017 khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020. Theo đó, thành phố sẽ  hỗ trợ 100% lãi suất cho vay sản xuất NNCNC.

img

Có nhiều chính sách, vốn vay hỗ trợ phát triển NNCNC nhưng nông dân và DN khó tiếp cận được. Ảnh; Q.H

Năm 2018, Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM cũng thông qua chương trình hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp sẽ hỗ trợ tối đa 70% kinh phí nhưng không quá 300 triệu cho mỗi mô hình ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp. Đối tượng là hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp (DN), nhóm khởi nghiệp… hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ở khối các ngân hàng, hiện có hàng loạt các ngân hàng như: Agribank với gói tín dụng tới 50.000 tỷ đồng, Vietcombank, HDBank và Vietinbank, cũng đăng ký gói tài trợ 10.000 tỷ đồng với những ưu tiên về nhận tài sản bảo đảm và ưu đãi lãi suất cho các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thực tế, làm NNCNC vốn đầu tư cho công nghệ rất cao. Đơn cử, theo tính toán sơ bộ của một DN trồng dưa lưới, để trồng dưa lưới, thì suất đầu tư cho 1ha nhà lưới đã dao động từ 3 đến 6 tỷ đồng về trang thiết bị kỹ thuật (chưa tính đến thuê đất, nhân công…).

“Con số này khá lớn đối với các DN nhỏ và vừa hay HTX nếu không được vay vốn, nhất là vay vốn với lãi suất ưu đãi, với nông dân càng khó hơn, mặc dù nếu đầu tư sẽ góp phần rất quan trọng để nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích” - vị giám đốc này nói.

Thế nhưng, việc tiếp cận các nguồn vốn này không dễ chút nào.

Theo ông Từ Minh Thiện, chi phí đào tạo nhân lực và các chế độ đãi ngộ để giữ người lao động trong lĩnh vực NNCNC còn khá yếu. Thị trường cũng là yếu tố khó khăn khác khi chưa có sự cọ xát thực sự hay những cuộc gặp gỡ giữa cung và cầu, giữa người sản xuất và tiêu dùng. Sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xúc tiến, thu hút đầu tư cho NNCNC rất mờ nhạt. Cuối cùng là khó khăn về yếu tố công nghệ, kỹ thuật như công nghệ bảo quản sau thu hoạch…

Cần cởi nhiều nút thắt

Tại hội nghị kết nối ngân hàng - DN do Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây, nhiều DN đã nêu những khó khăn khi tiếp cận vốn vay ngân hàng làm dự án NNCNC như: Thẩm định giá tài sản rất thấp so với giá thị trường, nhất là nhà đất; thủ tục thẩm định hồ sơ vay còn chậm; ngân hàng chưa quan tâm đúng mức đối với những DN làm nông nghiệp, DN vừa và nhỏ…

Một cán bộ tín dụng của Agribank chi nhánh 9 (quận 9) thừa nhận, nhiều dự án của nông dân đầu tư NNCNC rất hay, bài bản, khả năng thu hồi vốn tốt nhưng “vướng” vào quy định… không phải là doanh nghiệp NNCNC nên khó vay được nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Nhiều nông dân vay được từ các chương trình hỗ trợ lãi suất của UBND thành phố thì lại bị giới hạn ở nguồn vốn cho vay không nhiều, lãi suất không phải 6,5% như mong muốn.

Ông Từ Minh Thiện - Phó trưởng Ban Quản lý khu NNCNC TP.HCM cho biết, có rất nhiều lý do khiến cho NNCNC khó phát triển, nhưng lý do lớn nhất vẫn là khó thu hồi vốn nhanh bởi đầu tư cho NNCNC là lĩnh vực thâm dụng vốn rất lớn và lâu dài.

“Đất nông nghiệp là thứ không thể cầm cố hay thế chấp được, không có ngân hàng nào cho vay nếu DN hay nông dân thế chấp bằng mấy ha đất. Kể cả những DN mượn đất trong khu NNCNC để cầm cố và thế chấp thì các ngân hàng cũng không giải quyết” - ông Thiện chia sẻ.

“Hiện chỉ có gần 20 DN đăng ký đầu tư tại khu NNCNC của thành phố. Trong số này, đã có một vài DN bị buộc phải xử lý và thu hồi lại đất đai do không đủ khả năng để triển khai dự án. Đây là một vấn đề đáng suy ngẫm, bởi các chính sách của Nhà nước và ưu đãi của các ngân hàng thương mại là rất lớn nhưng dường như chưa khuyến khích được các DN tham gia” -ông Thiện tâm tư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem