Nông dân Sơn La trồng nhãn chín sớm ra quả ngọt lịm, giá bán gấp đôi chính vụ

Văn Ngọc Chủ nhật, ngày 08/09/2024 19:01 PM (GMT+7)
Anh Lường Văn Mười, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười (xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) là một trong số 63 Nông dân xuất sắc Việt Nam năm 2024, được biết đến là người ham học hỏi, cầu thị và thành công với mô hình trồng nhãn trái vụ cho ra quả theo ý mình, mang lại kinh tế gấp đôi.
Bình luận 0

Clip: Nông dân Lường Văn Mười, trồng nhãn chín sớm ngọt lịm, giá gấp đôi chính vụ

Nông dân Lường Văn Mười đi đầu trong phát triển cây ăn quả vùng biên giới

Trở lại huyện biên giới Sông Mã (Sơn La) vùng đất của người đồng bào dân tộc Thái, Mông và người Kinh. Nếu như trước đây khi nhắc tới huyện Sông Mà người ta sẽ nghĩ ngay đến một huyện biên giới còn nhiều khó khăn của tỉnh Sơn La. Thời điểm mà người đồng bào nơi đây chỉ phụ thuộc vào cây ngô cây sắn. Thế nhưng đến nay Sông Mã đã hoàn toàn đổi thay, đường giao thông được đầu tư đi lại thuận tiện, những ngôi nhà xây mới khang trang được mọc lên, đời sống của người dân được nâng cao, xuất hiện nhiều triệu phú, tỷ phú nhờ phát triển cây ăn quả trên đất dốc.

Theo chân cán bộ Hội Nông dân huyện Sông Mã, chúng tôi tìm đến xã Chiềng Khoong, nơi được coi là thủ phủ cây ăn quả của huyện Sông Mã. Tư bản trên, xóm dưới đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp cảnh những người nông dân bàn tán xôn xao về việc phát triển cây ăn quả cho thu nhập cao. Từ cách trồng, chăm sóc, thu hái đến việc tiêu thụ đều được đưa ra bàn tán xôn xao.

Nông dân Sơn La trồng nhãn chín sớm ra quả ngọt lịm, giá bán gấp đôi chính vụ- Ảnh 1.

Vườn nhãn của anh Lường Văn Mười rộng chừng 5ha ở bên sườn đồi cao. Ảnh: Văn Ngọc

Khi được hỏi về hộ dân điển hình trong canh tác, phát triển cây ăn quả trong vùng ai đấy đều ca ngợi anh nông dân Lường Văn Mười, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười (xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La). Anh Mười là người đi đầu trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống cây trồng mới vào canh tác, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, tạo ra các sản phẩm quả dải vụ, đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Tuy là triệu phú nông dân, có thu nhập cao từ trồng cây ăn quả nhất, nhì vùng nhưng anh Mười vẫn rất giản dị. Chúng tôi gặp anh Mười trong lúc anh đang tiến hành chăm sóc, cắt tỉa vườn nhãn chuẩn bị cho một vụ quả mới. Chúng tôi khá ấn tượng với vườn nhãn của gia đình anh, những cây nhãn được bố trí khoa học, theo hàng lỗi, cây nào cây đó đều xanh tốt.

Khi được hỏi về việc bén duyên với cây ăn quả, anh Mười tâm sự: Là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên ở vùng đất Chiềng Khoong, anh thấu hiểu được những nỗi vất vả của người dân nơi đây. Trước đây, gia đình anh cũng như người dân trong vùng, chủ yếu trồng các loại cây lương thực ngắn ngày năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao, các loại cây trồng ngắn ngày phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết và thị trường. Năm được mùa thì lại mất giá. Có những năm, giá ngô, sắn rẻ như cho, nhiều nhà không muốn thu hoạch, nên cuộc sống khó khăn, vất vả gia đình anh cũng không ngoại lệ. Năm học lớp 9, anh phải bỏ học giữa chừng để phụ giúp gia đình.

Nông dân Sơn La trồng nhãn chín sớm ra quả ngọt lịm, giá bán gấp đôi chính vụ- Ảnh 2.

Anh Lường Văn Mười, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười (xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) chăm sóc vườn nhãn của gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Thế nhưng không chịu khuất phục trước những khó khăn, quyết tìm cho mình một hướng đi mới để làm giàu. Năm 2012, sau khi lập gia đình, anh đi làm dịch vụ lái xe taxi, rồi lại về kinh doanh hàng ăn uống, nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Thế nhưng trời không phụ lòng người, năm 2017, sau khi được đi học tập mô hình phát triển kinh tế ở nhiều nơi, được Hội Nông dân vận động tuyên truyền và hỗ trợ về nguồn vốn, gia đình anh đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng ngô của gia đình sang trồng cây ăn quả, nhờ vậy gia đình anh có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu trên chính mạnh đất của quê hương.

Vườn nhãn của anh Lường Văn Mười rộng chừng 5ha ở bên sườn đồi cao. Đây là phần nương rẫy của thân sinh anh để lại cho con cháu gieo ngô, trồng sắn kiếm sống. Ban đầu, anh Mười chỉ dám trồng thử 1,3ha giống nhãn chín muộn Khoái Châu (Hưng Yên), vừa làm vừa học hỏi, vừa tích lũy kinh nghiệm và cũng chỉ khi thấy đạt hiệu quả cao anh mới mở rộng sản xuất ra toàn bộ diện tích 5ha.

Nông dân Sơn La trồng nhãn chín sớm ra quả ngọt lịm, giá bán gấp đôi chính vụ- Ảnh 3.

Với 5 ha diện tích đất trồng nhãn, anh ước thứ trên 50 tấn nhãn qua, lợi nhuận ước đạt trên 1,5 tỷ đồng. Ảnh: Văn Ngọc

Cũng theo anh Mười, yếu tố quan trọng nhất để rao ra nhãn trái vụ là phải có đủ lượng nước tưới cho viên. Chính vì vậy để chăm sóc kịp thời diện tích trên, thay vì phải xây bể chứa nước, anh Mười đã đào hố lớn giữa vườn, lót bạt nông nghiệp chống thấm, bơm nước từ dưới suối lên trữ đầy, rồi tưới tới từng gốc cây thông qua hệ thống dẫn phun mưa công nghệ Israel.

Để đạt được giá trị cao từ cây nhãn, anh Mười đã tiến hành rải vụ thu hoạch quả bằng cách cơ cấu giống nhãn chín sớm T6, kết hợp dùng Kaliclrat xử lý 10% các cây nhãn này cho ra hoa đậu quả cực sớm. Nhờ vậy, ngay từ tháng 4 dương lịch, anh đã có nhãn xuất ra thị trường, bán giá cao ngất ngưởng tới 30 - 35 nghìn đồng/kg.

Đặc biệt, từ năm 2021, được cán bộ Hội Nông dân phổ biến về giống nhãn Ánh Vàng, anh Mười đã mạnh dạn chuyển gần 2ha nhãn Miền Thiết đang kỳ khai thác quả sang ghép cải tạo bằng giống nhãn Ánh Vàng. Nhờ đó, đến nay anh Mười đã thu hoạch hơn 10 tấn quả/1ha, bán 30.000 - 35.000 đồng/kg. Vụ nhãn năm 2024 này, với 5 ha diện tích đất trồng nhãn, anh Mười ước thu trên 50 tấn nhãn qủa, lợi nhuận ước đạt trên 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, gia đình anh Mười cũng kinh doanh thêm dịch vụ vật tư nông nghiệp như: phân bón, ngô giống, lợi nhuận: 1,2 tỷ.

Nông dân Sơn La trồng nhãn chín sớm ra quả ngọt lịm, giá bán gấp đôi chính vụ- Ảnh 4.

Ngoài phát triển cây ăn quả, gia đình anh Lường Văn Mười cũng kinh doanh thêm dịch vụ vật tư nông nghiệp lợi nhuận: hơn 1 tỷ/năm. Ảnh: Văn Ngọc

Nông dân Lường Văn Mười cùng những người cùng trí hướng năng động phát triển kinh tế

Chưa dừng lại ở phát triển kinh tế hộ gia đình, với mong muốn liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao thu nhập, đầu năm 2017, 8 hộ dân bản Huổi Bó, xã Chiềng Khoong (Sông Mã) đã cùng đóng góp vốn, đất sản xuất thành lập hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, phát triển trồng cây ăn quả an toàn theo quy trình VietGAP, anh Mười được tín nhiệm bầu giữ chức Giám đốc HTX.

Đến nay HTX đã có 14 thành viên, sản xuất gần 50 ha cây ăn quả gồm: xoài, nhãn. Xác định sản xuất các loại quả sạch có chất lượng tốt và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng là mục tiêu hàng đầu, HTX đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Hội Nông dân các cấp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP; vận động thành viên đầu tư hệ thống tưới ẩm, tưới tự động, sử dụng phân hữu cơ, thuốc BVTV sinh học vào sản xuất... Hiện, HTX có 20 ha nhãn, 10 ha xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Nông dân Sơn La trồng nhãn chín sớm ra quả ngọt lịm, giá bán gấp đôi chính vụ- Ảnh 5.

Anh Lường Văn Mười, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười (xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) kiểm tra hệ thống tưới tự động. Ảnh: Văn Ngọc

Anh Lò Văn Châm, thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười chia sẻ: Gia đình có 3 ha nhãn, từ khi tham gia HTX, đã được hỗ trợ kỹ thuật ghép 1 ha nhãn chín sớm và 2 ha nhãn Miền Thiết, nhờ đó năng suất, chất lượng nhãn cao hơn. Trung bình mỗi năm, gia đình thu khoảng 300-400 triệu đồng.

Cùng với đó, HTX đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp lớn để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Từ năm 2020 đến nay, HTX đã tham gia chuỗi liên kết sản xuất với các đối tác lớn, như: Công ty cổ phần phân bón Fusa Hải Dương để cung cấp phân bón và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho HTX; Công ty Syngenta cung cấp thuốc bảo vệ thực vật. Việc sản xuất theo đơn đặt hàng giúp các thành viên HTX, người nông dân tham gia liên kết không còn phải lo về tình trạng được mùa mất giá, yên tâm sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm để đưa đến khách hàng.

Nông dân Sơn La trồng nhãn chín sớm ra quả ngọt lịm, giá bán gấp đôi chính vụ- Ảnh 6.

Sản phẩm long nhãn của HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười. Ảnh: Văn Ngọc

Bên cạnh với tiêu thụ quả nhãn tươi, HTX còn khuyến khích, vận động các thành viên xây dựng các lò sấy để chế biến long nhãn. Anh Lường Văn Mười cho biết thêm: HTX đang tiếp tục tham gia chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn; kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu đến thu gom chế biến và tiêu thụ, nhằm tạo sản phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng, có truy xuất nguồn gốc.

"Chúng tôi mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với các hộ nông dân; tìm kiếm, kết nối đầu tư, ký kết các hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối... Xây dựng mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường các nước. Mong muốn các cấp, ngành hỗ trợ đầu tư xây dựng thêm các lò sấy long nhãn để chủ động việc bao tiêu sản phẩm cho các thành viên HTX và người trồng nhãn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm", Anh Mười nói.

Nông dân Sơn La trồng nhãn chín sớm ra quả ngọt lịm, giá bán gấp đôi chính vụ- Ảnh 7.

Cùng với tiêu thụ quả nhãn tươi, HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười còn khuyến khích, vận động các thành viên xây dựng các lò sấy để chế biến long nhãn. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Quân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sơn Mã (Sơn La) cho biết: Hội Nông dân huyện Sông Mã hiện có trên 17.500 hội viên. Để các hội viên nông dân tích cực tham gia phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, Hội Nông dân huyện thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện tuyên truyền, triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chú trọng đề ra nhiệm vụ cụ thể với mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, trực tiếp tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ vốn giúp đỡ nông dân triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế; hướng dẫn áp dụng kỹ thuật vào sản xuất; cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Qua đó trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình, trong đó có anh Lường Văn Mười, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười.

Nông dân Sơn La trồng nhãn chín sớm ra quả ngọt lịm, giá bán gấp đôi chính vụ- Ảnh 8.

HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, giúp các thành viên thuận tiện trong việc tiêu thụ nông sản. Ảnh: Văn Ngọc

Nông dân Sơn La trồng nhãn chín sớm ra quả ngọt lịm, giá bán gấp đôi chính vụ- Ảnh 9.

Đến nay HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười có 14 thành viên, sản xuất gần 50 ha cây ăn quả gồm: xoài, nhãn. Ảnh: Văn Ngọc

"Không chỉ biết cách tìm hướng đi mới, làm giàu cho gia đình, anh Lường Văn Mười cùng các thành viên HTX cùng nhau đoàn kết phát triển kinh tế. Đặc biệt anh Mười là người có những đóng góp trong phát triển cây ăn quả trên địa bàn huyện, là tấm gương cho hội viên nông dân khác noi theo", ông Quân nói.

Với tư duy sản xuất thay đổi theo hướng tích cực, chủ động từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười đã góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế, xây dựng thương hiệu uy tín cho các sản phẩm nhãn của huyện Sông Mã, đưa thương hiệu nhãn Sông Mã đến nhiều hơn với người tiêu dùng.

Với những thành tích đã đóng góp của minh, anh Lường Văn Mười nhiều lần được các cấp chính quyền khen thưởng. Đặc biệt, nông dân Lường Văn Mười, vinh dự là 1 trong 63 gương mặt nông dân tiêu biểu của cả nước được Hội đồng Bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem