Nông dân Tây Ninh dùng năng lượng mặt trời kết hợp tưới nhỏ giọt cho khoai mì, giảm phát thải CO2

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 25/10/2024 19:00 PM (GMT+7)
Để thực hiện mục tiêu giảm phát thải CO2, nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản và nông dân đang nỗ lực triển khai các giải pháp từ hoạt động trong nhà máy đến canh tác ngoài đồng ruộng.
Bình luận 0

Canh tác khoai mì bền vững giảm phát thải CO2

Ông Hoàng Văn Quốc Chương - Phó Giám đốc Ajinomoto Việt Nam (Đồng Nai) cho biết, mục tiêu của tập đoàn đến năm 2030 giảm 50% CO2 do sản xuất; giảm 24% CO2 do hoạt động thu mua nguyên vật liệu và lưu thông phân phối hàng hóa.

Ngoài việc vận hành hệ thống năng lượng tái tạo để giúp giảm phát thải CO2, cung cấp điện cho nhà máy, công ty đang chủ động triển khai dự án Khoai mì bền vững ở nhiều tỉnh thành Đông Nam bộ.

Nông dân Tây Ninh dùng năng lượng mặt trời kết hợp tưới nhỏ giọt cho khoai mì, giảm phát thải CO2 - Ảnh 1.

Nông dân Tây Ninh dùng năng lượng mặt trời kết hợp tưới nhỏ giọt cho khoai mì, giảm phát thải CO2

Từ tháng 3/2023, Ajinomoto đã liên kết với các nhà máy chế biến tinh bột, nông dân trồng mì xây dựng các mô hình ứng dụng quy trình kỹ thuật mới. Quy trình này sử dụng giống mì kháng khảm HN1, phân bón sinh học AMI-AMI α.

Công ty có 18 điểm trình diễn mô hình trên diện tích gần 80ha, 5 nhà chế biến tinh bột và 18 nông dân đã tham gia. Kết quả thu hoạch bước đầu ghi nhận năng suất đạt 42,3 tấn/ha; trữ bột đạt 26,1%.

Ông Chương cho biết, dự án sẽ cố gắng giảm 50% lượng phân bón hóa học, thay thế bởi phân hữu cơ sinh học; 100% diện tích trong dự án có tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Việc canh tác khoai mì bền vững không chỉ tăng năng suất củ, cải thiện thu nhập nông dân mà còn tăng hấp thụ CO2 hơn 7,41 tấn/ha.

Mục tiêu của dự án sẽ mở rộng quy mô lên hơn 20.000ha vào năm 2030 tại khắp các tỉnh miền Đông. Từ đó, dự án canh tác khoai mì bền vững dự kiến giảm phát thải ước tính 148.200 tấn CO2/năm, ông Chương chia sẻ.

Nông dân Tây Ninh dùng năng lượng mặt trời kết hợp tưới nhỏ giọt cho khoai mì, giảm phát thải CO2 - Ảnh 2.

Nông dân tại Bình Phước thu hoạch khoai mì thuộc dự án khoai mì bền vững. Ảnh: T.L

Tại Hội thảo Nâng cao giá trị canh tác khoai mì do tỉnh Tây Ninh tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Trọng Hiển, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cũng đề xuất giải pháp canh tác khoai mì giảm phát thải CO2.

Theo TS. Hiển, khí CO2 phát thải trong lúc cây trồng hô hấp, trong việc sử dụng năng lượng, vận hành máy móc, cũng như sử dụng phân bón hóa học trong canh tác.

Để giảm phát thải khí CO2, TS. Hiển đề nghị nông dân trồng khoai mì thay thế phân bón hóa học bằng các loại phân bón hữu cơ. Phân hữu cơ không những cải thiện sức khỏe đất còn giúp tăng cường lưu trữ carbon trong đất.

Dùng năng lượng tái tạo và phân hữu cơ để giảm phát thải CO2

Ngoài ra, việc sử dụng năng lượng tái tạo trong việc vận hành hệ thống tưới tiêu, máy móc cũng làm giảm đáng kể lượng CO2.

Ở xã Suối Dây (huyện Tân Châu, Tây Ninh), ông Nguyễn Công Khanh là người tiên phong ứng dụng pin năng năng lượng mặt trời kết hợp hệ thống tưới nhỏ giọt cho khoai mì.

Nông dân Tây Ninh dùng năng lượng mặt trời kết hợp tưới nhỏ giọt cho khoai mì, giảm phát thải CO2 - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Công Khanh ở huyện Tân Châu (Tây Ninh) ứng dụng pin năng lượng mặt trời kết hợp hệ thống tưới nhỏ giọt cho khoai mì. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Khanh kể, do ruộng mì ở xa khu dân cư, trước đây, ông sử dụng máy dầu kết hợp hệ thống tưới thông thường, với chi phí khoảng 300.000 đồng/một lần tưới. Trong mùa khô, ông phải tưới khoảng 4 lần/tuần.

Phương án kéo điện lưới không khả thi nên ông chuyển sang điện năng lượng mặt trời. Nhờ lợi ích kép từ việc lắp đặt pin năng lượng mặt trời kết hợp hệ thống tưới nhỏ giọt, mùa khô vừa qua, nhiều vườn sắn xung quanh quay quắt trong nắng hạn thì ruộng khoai mì của ông vẫn xanh tốt.

Vụ thu hoạch mới đây, năng suất khoai mì vượt trội, đạt hơn 40 tấn/ha, đem lại lợi nhuận gần 60 triệu đồng/ha.

Ông Khanh cho biết, sử dụng pin mặt trời chỉ đầu tư 1 lần, có thể sử dụng hàng chục năm. Chỉ cần thêm vài vụ khoai mì nữa, ông có thể thu hồi vốn đầu tư.

Theo TS. Nguyễn Trọng Hiển, ngoài khí CO2, sản xuất nông nghiệp còn phát thải 2 loại khí nhà kính khác là methane (CH4), oxit nitơ (N2O).

Nông dân Tây Ninh dùng năng lượng mặt trời kết hợp tưới nhỏ giọt cho khoai mì, giảm phát thải CO2 - Ảnh 4.

Nông dân huyện Tân Châu (Tây Ninh) dùng hệ thống tưới tiết kiệm chăm sóc khoai mì. Ảnh: Nguyên Vỹ

Khí N2O chủ yếu phát thải từ việc sử dụng phân hóa học chứa nitơ. Việc tăng cường sử dụng phân hữu cơ và phân xanh cũng giúp cải thiện cấu trúc đất, tăng khả năng giữ lại nitơ, từ đó giảm phát thải N2O.

Khí CH4 thường phát sinh khi phân hủy hữu cơ diễn ra trong điều kiện yếm khí (thiếu oxy), như trong hệ thống tưới tiêu kém hiệu quả hoặc trong các vùng đất ẩm ướt.

Để giảm phát thải CH4 trong canh tác khoai mì, TS. Hiển cho rằng, cần tối ưu hóa việc quản lý nước, tránh tình trạng ngập úng, để không tạo ra môi trường yếm khí trong đất.

"Nông dân trồng khoai mì cũng cần áp dụng các kỹ thuật tưới nhỏ giọt hoặc tưới phun giúp kiểm soát hiệu quả lượng nước tưới", TS. Hiển đề nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem