Dưới đây là ghi nhận của phóng viên NTNN tại Hải Phòng, Thái Bình.
Ra ngõ gặp rủi roTrên cánh đồng Đồng Rớn, xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, đang vào đợt phun thuốc trừ sâu bệnh cho lúa. Cứ cách mấy ruộng lại có người đeo bình phun thuốc, nhưng cái lạ là hầu như không người nào có trang phục bảo hộ mà chỉ đeo khẩu trang hay bịt khăn, thậm chí có người còn không đeo khẩu trang. Gặp bác Nguyễn Văn Thấm đang ngồi bên bờ mương múc nước, dùng tay không xé túi thuốc sâu cho vào bình, chúng tôi hỏi: “Bác không sợ thuốc sâu ăn vào tay sinh bệnh sao?”. Bác Thấm chỉ cười nói rằng: “Tôi làm thế quen rồi, đeo găng tay hay bảo hộ vướng víu lắm, mà lại phun nhanh khoảng nửa tiếng là xong. Cũng có nhiều lần bình bị hỏng, thuốc sâu chảy rò ra vào người, tay bị tê nóng lên tôi cũng sợ lắm, nhưng vì công việc nên mình phải chịu vất vả chứ biết làm sao”.
Ông Thấm sử dụng tay trần để hòa thuốc trừ sâu.
Tại xã Minh Tân, trong ngày mùa, trường hợp nông dân tuốt lúa bị đứt tay, đi cào ruộng giẫm phải đinh, mảnh chai bị sưng tấy bàn chân không đi được, phải đi tiêm thuốc chống uốn ván hay có anh ngồi trên xe công nông chở lúa cao ngất ngưởng đi trên đường làng vướng vào dây điện ngã văng xuống đường phải đi cấp cứu ở trạm xá... xảy ra khá nhiều “Đó là những ví dụ điển hình mà tôi đã điều trị cho bà con. Người thì bị qua loa, người bị rất nặng. Có lẽ không thống kê được hết những tai nạn “trời ơi” mà nông dân đã mắc phải”- bác sĩ Nguyễn Đăng Khiển- Trưởng trạm Y tế xã Minh Tân chia sẻ.
Trên cánh đồng xã Cộng Hòa (huyện Hưng Hà, Thái Bình) cũng tương tự. Chị Bùi Thị Hạnh phun thuốc sâu nhưng không sử dụng bất cứ thiết bị bảo vệ nào. Hỏi vì sao không sử dụng, chị Hạnh nói: “Găng tay, kính, mũ mua rẻ thì nhanh hỏng, mua đắt thì không có tiền. Làm cả vụ lúa được vài trăm ngàn, mua bảo hộ thì hết cô ạ”. Một cán bộ Trung tâm Y tế huyện Hưng Hà nói: “Bà con không chịu mang bảo hộ, không mặc áo mưa, không chịu đứng theo chiều gió nên nhiễm độc thường xuyên. Nhiễm độc thuốc BVTV là nhiễm độc mãn tính chứ không phải là cấp tính nên bà con chủ quan, dần dần sức lao động bị giảm sút”.
Chủ yếu là ý thức nông dânBà Ngô Minh Hà - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hải Phòng cho biết thêm: Hiện nay, thực tế tỷ lệ mắc bệnh hiểm nghèo ở khu vực nông thôn có chiều hướng ngày càng gia tăng so với 10 năm về trước mà các cơ quan chức năng chưa có khảo sát đánh giá. “Người nông dân là những người có nguy cơ mắc những bệnh đó nhiều nhất bởi ngấm dần thuốc BVTV, phân bón họ sử dụng hàng ngày”- bà Hà nhận định.
Thời gian qua, Hội Nông dân Hải Phòng, Thái Bình đã phối hợp với Sở NNPTNT và một số công ty thuốc BVTV, công ty giống cây trồng tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho bà con về an toàn lao động. Tuy nhiên, theo nhận định chung, bà con còn thờ ơ, ít lắng nghe và ghi chép nên hay quên.
|
Theo bà Hà, nông dân là người chịu thiệt thòi nhất khi tai nạn không may xảy ra với họ. Bởi là lao động tự do, không được hưởng bất cứ chế độ hỗ trợ nào nên người nông dân đã khó khăn sẽ có nguy cơ quay lại con đường nghèo đói. Vì vậy, người nông dân phải có bảo hiểm nông nghiệp, nên mua BHYT tự nguyện. Nhưng thực tế là số nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp, BHYT tự nguyện còn tương đối thấp bởi không có điều kiện mua bảo hiểm. “Vì thế, cần có chính sách hỗ trợ đặc thù về y tế để khi không may xảy ra tai nạn trong quá trình sản xuất nông nghiệp thì nông dân có chỗ bám”- bà Hà kiến nghị.
Ông Trần Văn Minh - Chủ nhiệm HTX Minh Tân, huyện Thủy Nguyên và một số chủ nhiệm HTX nông nghiệp ở Thái Bình cũng cho rằng: Dù thực hiện nhiều biện pháp nhưng nông dân không có ý thức bảo vệ chính mình thì tai nạn lao động trong quá trình sản xuất nông nghiệp khó giảm. Vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn để thay đổi nhận thức của bà con, để bà con tự giác tự bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Bùi Hương (Bùi Hương)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.