Nông dân trồng chuối đau đớn vì mất kế sinh nhai bởi thảm họa này
Nông dân trồng chuối đau đớn vì mất kế sinh nhai bởi thảm họa này
Minh Nhật (theo AP)
Thứ năm, ngày 04/11/2021 07:30 AM (GMT+7)
Ông Antonio Álvarez vô cùng đau lòng khi chứng kiến cảnh dung nham núi lửa từ từ nuốt chửng khối tài sản còn lại của gia đình trên đảo La Palma thuộc quần đảo Canary: Hàng chục hecta chuối - loại quả từ bao đời nay là nguồn sống của nhiều gia đình trên quần đảo Đại Tây Dương.
"Cha tôi luôn dạy rằng: "Đừng làm nhà quá to, nhà chẳng hái ra tiền. Hãy đầu tư vào chuối! Chuối sẽ cho con một ngôi nhà. Và đó là sự thật”, ông Álvarez tâm sự.
Álvarez, 54 tuổi, là một trong số hàng nghìn nông dân trên hòn đảo La Palma của Tây Ban Nha đang mất đi sinh kế do ngon núi lửa vẫn đang tiếp tục phun trào dung nham mạnh mẽ 6 tuần sau lần phun trào đầu tiên ngày 19/9.
Chính quyền khu vực của quần đảo Canary, một quần đảo bao gồm cả đảo La Palma nằm ngoài khơi bờ biển phía tây bắc châu Phi, ước tính rằng ngọn núi lửa đã gây thiệt hại 100 triệu euro (116 triệu USD) cho ngành sản xuất chuối của hòn đảo.
Hơn 158 hecta đất được sử dụng để trồng chuối đã bị bao phủ bởi dung nham nóng chảy, và hơn 300 hecta khác đã bị cô lập sau khi các con đường ở phía tây của hòn đảo bị dung nham bao phủ.
Hiệp hội những người trồng chuối ở quần đảo Canary, ASPROCAN, ước tính rằng khoảng 1.500 trong số 5.000 người trồng chuối trên đảo đã bị thiệt hại vì núi lửa.
Nhiều người, giống như ông Álvarez, đã tận mắt chứng kiến vườn chuối của họ bị dung nham "nuốt chửng". Những người khác cũng thiệt hại khi không thể đến vườn chuối của họ để thu hoạch. Những người may mắn thu hoạch được chuối thì không thể bán được vì tro bụi núi lửa đã làm hỏng vỏ chuối.
Không chỉ những người trồng chuối, ngành công nghiệp đóng gói, vân chuyển trái cây cũng như du lịch mang lại 30% lợi nhuận kinh tế cho đảo La Palma cũng bị ảnh hưởng.
La Palma, một hòn đảo với 85.000 người, là vựa sản xuất chuối lớn thứ 2 của quần đảo Canary. Năm ngoái, đảo này đã sản xuất được 148.000 tấn chuối, hầu hết trong số đó được vận chuyển đến đất liền ở Tây Ban Nha. Mặc dù thường đắt hơn chuối nhập khẩu từ châu Mỹ Latinh và châu Phi, nhưng loại chuối nhỏ hơn của đảo Canary thường được ưa chuộng hơn vì vị ngọt hơn và thịt chắc hơn.
Các nhà chức trách đã cam kết hỗ trợ tài chính cho người trồng chuối cũng như cung cấp các khoản hỗ trợ cho người lao động.
Chính quyền cũng đề nghị quân đội xem xét việc đưa nông dân vào vườn chuối đã bị cô lập của họ bằng thuyền để hỗ trợ những người trồng chuối.
Tuy nhiên, dung nham vẫn tiếp tục phun ra từ sườn núi Cumbre Vieja, đe dọa "nuốt chửng" nhiều đất hơn khi nó di chuyển xuống Đại Tây Dương.
Ngôi nhà của Jesús Pérez, một nông dân trồng chuối vẫn còn nhưng đang đứng trước nguy hiểm khi dung nham núi lửa vẫn không ngừng chảy. Nhưng đối với ông, tài sản quan trọng nhất mà ông sở hữu đã không còn nữa.
“Tôi thà mất ngôi nhà của mình còn hơn những cây chuối. Cây cối cho bạn sự sống, còn nhà cửa không cho bạn điều gì cả", ông Pérez nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.