Nông dân tự tạm trữ lúa: Khó quản lý

Thứ tư, ngày 26/12/2012 07:45 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bộ NNPTNT đã trình lên Thủ tướng Chính phủ quy chế tạm trữ lúa gạo, trong đó quyết liệt quan điểm nông dân tự tạm trữ với hy vọng để họ được trực tiếp hưởng lợi.
Bình luận 0

Mục tiêu xem chừng có lý, nhưng phương thức thực hiện có thể lợi bất cập hại...

So với dự thảo trước đó, Bộ NNPTNT đã tiếp thu nhiều ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp (DN), nông dân (ND) và có những chỉnh sửa phù hợp. Cụ thể, trong tờ trình gửi lên Chính phủ, Bộ NNPTNT đã bỏ các điều kiện về cơ sở vật chất, số lượng tạm trữ (như không phải xây kho, số lượng tạm trữ bao nhiêu cũng được…) và ND chỉ tạm trữ lúa.

img
Nông dân có bao nhiêu lúa cũng sẽ được hỗ trợ tạm trữ.

Dễ nảy sinh tiêu cực

Việc tạm trữ lúa của ND do UBND cấp xã chứng nhận và ngân hàng sẽ cho vay vốn lãi suất 0% trong 3 tháng kể từ khi bắt đầu tạm trữ. Tuy nhiên, đây là quy định mà nhiều chuyên gia và DN cho rằng khó thực hiện và dễ phát sinh tiêu cực. Ông Trần Quang Củi - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Kiên Giang nêu thực trạng: "Quy chế cho rằng ND có bao nhiêu tạm trữ bấy nhiêu thì với gần 1,5 triệu hộ trồng lúa ở ĐBSCL hiện nay, các tỉnh có huy động hết nhân lực cũng không thể nào kiểm tra, chứng nhận nổi cho bà con".

"Bộ NNPTNT cho rằng gần 100 DN tạm trữ như thời gian qua không quản lý được. Vậy 1,5 triệu hộ ND tạm trữ giao cho xã chứng nhận sẽ càng khó quản lý hơn gấp 15.000 lần. Trong xã toàn là bà con, quen biết lẫn nhau, Bộ NNPTNT có bảo đảm kiểm soát được nếu họ cùng nhau kê khống lên để chứng nhận đi vay lãi suất 0%?" - một DN chỉ ra vấn đề.

Nông dân Nguyễn Văn Hòa ở thị xã Tân Châu (An Giang) cho biết: "Nếu tính đủ công cán, hao hụt thì bán lúa tươi lời hơn tạm trữ là cái chắc. ND tụi tui lại khỏe hơn nhiều, không phải tốn thời gian làm thủ tục, đi lên đi xuống xã chứng nhận rồi lên ngân hàng vay vốn”.

Tạm trữ lỗ, ai bù?

Việc cho ND tạm trữ đã "vướng" như thế, việc cho đối tượng DN tạm trữ cũng "vướng" không kém.

Quy chế tạm trữ quy định tỉnh phân bổ chỉ tiêu và kiểm tra, quản lý việc tạm trữ của các DN. Tuy nhiên theo ông Lê Việt Hải - Giám đốc Công ty CP Mekong (Cần Thơ), việc tạm trữ này chưa gắn với yếu tố thị trường. Bởi địa phương chỉ định tạm trữ, nhưng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lại lo thị trường tiêu thụ.

Việc phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu vào các thị trường tập trung thuộc thẩm quyền của VFA. Như vậy DN sẽ nghe ai hơn? Thực tế những năm qua, khi giao cho DN tạm trữ, có lúc lời có lúc lỗ, nhờ có hợp đồng tập trung mà các DN VFA chung tay kiếm được nên DN mới cân đối qua lại được. Nếu nghe theo tỉnh tạm trữ, khi DN bán ra lỗ thì tỉnh có hợp đồng tập trung để bù không?

Bên cạnh đó, theo ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch VFA, mua tạm trữ là để xuất khẩu. DN có kho ở đâu là được tỉnh phân chỉ tiêu mua trên địa bàn, nhưng thực tế lúa, gạo chạy theo thị trường, nơi nào thu hoạch thì DN, hàng xáo kéo đến mua, không giới hạn địa phương nào.

Việc quy định thời gian tạm trữ của bà con 2 tháng, DN 3 tháng mới được hưởng chính sách cũng chưa ổn. Nếu giá tốt trước thời gian đó thì sao? Việc hư hao và giá bán thấp hơn là vấn đề chính nhưng dự thảo cũng chưa đưa ra được hướng giải quyết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem