Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, anh Thuần kể, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Luật Kinh tế, anh về làm việc tại Văn phòng Đăng ký đất đai ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Sau 2 năm làm việc, anh quyết định xin nghỉ về quê (xã Long Hiệp, huyện Trà Cú) khởi nghiệp từ cây lúa.
CLIP: Anh Trầm Minh Thuần, thạc sỹ Kinh tế điều hành Hợp tác xã tiền tỷ (HTX) chuyên sản xuất, kinh doanh về lúa gạo ở xã Long Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh nói về quá trình phát triển hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp. Video: Huỳnh Xây
Nguyên nhân khiến anh Thuần phải nghỉ việc về quê khởi nghiệp từ cây lúa là vì bà con nơi đây dù nỗ lực "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" nhưng thu nhập thấp, tiền kiếm được phần lớn "chạy về túi" công ty phân bón và hao hụt do kỹ thuật chăm sóc lúa chưa cao.
Năm 2018, điều đầu tiên về quê khởi nghiệp là anh Thuần nhờ những người thân quen, cán bộ xã cùng đi vận động người dân thành lập hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp. Tuy việc vận động rất khó khăn, nhưng anh vẫn cố gắng thuyết phục và đưa ra nhiều quyền lợi khi hợp tác xã ra đời.
Cụ thể, anh cho hay, hợp tác xã sẽ xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo, tức là đứng ra mua lúa giống, phân thuốc với giá thấp hơn thị trường giao cho xã viên, sau đó hỗ trợ kỹ thuật canh tác và thu mua lúa khi cuối vụ, rồi đem đi xay xát, đóng bao, xây dựng thương hiệu gạo bán ra ngoài.
Từ đó, xã viên hợp tác xã sẽ giảm được chi phí đầu vào rất lớn và không lo về đầu ra. Chưa dừng lại ở đó, cuối năm, các xã viên còn được chia lợi nhuận theo tỉ lệ sử dụng dịch vụ của hợp tác xã cùng các số chính sách mà ngành chức năng địa phương hỗ trợ.
"Lúc đó gia đình có 20ha diện tích đất trồng lúa. Tôi vận động thêm 140 ha của 51 xã viên nữa thành lập hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp. Sau 4 năm hoạt động, hợp tác xã tăng lên 72 xã viên với tổng diện tích là 220ha. Trong đó, có 20 ha ở xã Đông Xuân, huyện Duyên Hải làm mô hình lúa - tôm 1 vụ/năm)" - anh Thuần nói.
Để phát triển bền vững, hợp tác xã thuê 2 nhân sự có bằng cấp cử nhân về hỗ trợ. Trong đó, một người là kế toán, một người là cán bộ kỹ thuật trồng lúa kiêm Phó giám đốc hợp tác xã.
Hiện đa số các xã viên hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp gieo sạ các giống lúa như ST 25, OM 18, OM 5451. Riêng vụ lúa hè thu 2024 vừa qua, năng suất lúa đạt từ 6-7,5 tấn/ha, cao hơn năm 2023. Với giá khoảng 8.000 đồng/kg, sau khi trừ vốn khoảng 6.800 đồng/kg, người dân lời khoảng 1.200 đồng/kg.
Anh Thuần chia sẻ, thời gian đầu mới tham gia vào mô hình kinh tế tập thể nên còn nhiều bỡ ngỡ và vấp phải một số khó khăn nhất định, nhất là thiếu kinh nghiệm trong quản lý và đầu ra sản phẩm gạo chưa rõ ràng. Tuy nhiên, do nỗ lực của bản thân, mọi khó khăn cũng đã vượt qua.
Đặc biệt, trong quá trình vận hành phát triển hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp, anh Thuần đã tranh thủ tận dụng được tối đa các chính sách của địa phương.
Cụ thể, hợp tác xã được hỗ trợ 3 tỷ đồng để đầu tư kho hàng có sức chứa 3.000 tấn lúa theo Quyết định 298 của UBND tỉnh Trà Vinh về việc hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025. Hợp tác xã đối ứng khoảng 3 tỷ đồng (phần diện tích đất) để xây dựng.
Quyết định 298 của UBND tỉnh Trà Vinh cũng chi trả lương cho 2 nhân sự có bằng cấp cử nhân nói trên khi đang hỗ trợ tại hợp tác xã.
Hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp còn được hỗ trợ 600 triệu đồng để xây trụ sở từ Nghị quyết 20 của HĐND tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2015-2020. Đất thuê làm trụ sở cũng được nhà nước hỗ trợ theo dạng không thu tiền sử dụng đất.
Về phía Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã hỗ trợ hợp tác xã 1 máy đóng gói gạo bán tự động trị giá 220 triệu đồng; Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thuộc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh hỗ trợ máy tải gạo trị giá 80 triệu đồng.
Theo anh Thuần, ngành chức năng tỉnh Trà Vinh rất quan tâm đến kinh tế tập thể và ưu tiên phát triển lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, có nhiều chính sách thúc đẩy liên kết. Vì vậy, khi có chính sách phù hợp với lĩnh vực hoạt động của hợp tác, anh đều chủ động đem nộp hồ sơ.
Không những xin được hưởng chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã, anh còn đang làm hồ sơ xin 10 nhà lưới (1 nhà lưới trị giá 100 triệu đồng) cho người dân địa phương.
Để không phụ lòng xã viên và các chính sách của nhà nước đã ưu đãi, những năm qua, anh Thuần không ngừng tìm cách nâng tầm sản phẩm gạo của hợp tác xã. Đến nay, sản phẩm gạo Hạt Ngọc Rồng của hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp đã đạt chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao.
Để tìm đầu ra cho sản phẩm gạo, anh Thuần chủ động đi giới thiệu tại các hội chợ, các hội thảo và liên kết tiêu thụ tại 1 số công ty, chuỗi cửa hàng bán sản phẩm sạch, OCOP. Ngoài ra, anh còn bán thô trực tiếp cho các công ty xuất khẩu và thương lái.
Hiện kho hàng của hợp tác xã đang trữ 200 tấn lúa, chờ giá cao hơn để bán. "Lúc mua vào với giá 9.100 đồng/kg lúa khô, hiện đã 10.500 đồng/kg. Khi nào có giá cao hơn sẽ bán" - anh Thuần thông tin.
Về định hướng phát triển hợp tác xã trong thời gian tới, theo anh Thuần, sẽ mua máy bay không người lái (drone) để làm dịch vụ phun thuốc, bón phân cho xã viên. Trong giai đoạn 2025-2030, sẽ tăng thêm 50% diện tích vùng trồng lúa cho hợp tác xã (khoảng 100ha), cùng với đó là tăng sản lượng bao tiêu và hướng tới xuất khẩu.
Theo anh Thuần, năm 2024, lợi nhuận của hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp mang lại cho xã viên khoảng 1,4 tỷ đồng. Trước đó, năm 2023 là 1,1 tỷ đồng.
Với những cố gắng và các thành tích đạt được, năm 2020, anh Thuần được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của. Năm 2021 đạt danh hiệu Top 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc. Ngoài ra, anh còn được tặng hàng loạt bằng khen, giấy khen của nhiều đơn vị khác. Hiện anh là Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Trà Vinh.
Anh Thuần sinh năm 1993, là người trẻ tuổi nhất trong 63 nông dân được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.
Bình chọn và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc là một trong những hoạt động nổi bật, trọng điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chỉ đạo.
Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt là đơn vị được giao tổ chức thực hiện Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Cao điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam là Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2024).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.