Xin tiền mua lẩu và bia, đi tìm... "bí kíp" khởi nghiệp làm nông rồi thành luôn nông dân Việt Nam xuất sắc 2023

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 04/08/2023 19:02 PM (GMT+7)
Mỗi năm, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng, giám đốc HTX, ông Nguyễn Hồng Quyết nói, điều ông nhớ nhất là ngày ông không còn lỗ vốn, không còn xin tiền vợ để nuôi mộng làm giàu.
Bình luận 0
Giọt nước mắt của vị giám đốc khởi nghiệp và niềm trăn trở cùng nông dân liên kết làm giàu - Ảnh 1.

Xin tiền mua lẩu và bia, đi tìm... "bí kíp" khởi nghiệp làm nông

Clip: Ông Nguyễn Hồng Quyết - Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long Bình Dương, Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023. Thực hiện: Nguyên Vỹ

Những ngày thất nghiệp, ông Quyết thường ra sau vườn cuốc đất, trồng rau, lấy thực phẩm sạch cho con ăn. Ăn không hết, ông đem chia cho hàng xóm. Hàng xóm bảo ông trồng thêm, đem bán để kiếm tiền trang trải.

Là kỹ sư cơ khí, ông Quyết không dự tính trước có ngày mình quay lại Bình Dương để khởi nghiệp làm nông. Trước năm 2013, lúc còn ở TP.HCM, ông quản lý cả một dây chuyền sản xuất với hàng chục công nhân. Mức lương kỹ sư ngày đó 15 triệu đồng/tháng không phải là thấp. Ông về Bình Dương là để tiện bề chăm sóc cha mẹ già yếu. 

Ông Quyết kể, người dân miền Bắc, sống ven sông Hồng vốn thạo nghề trồng rau màu. Cha mẹ ông từ Vĩnh Phúc cũng mang nghề trồng rau vào Nam lập nghiệp, kiếm tiền nuôi con. Thời đó, ở miền Đông, những rừng cây công nghiệp trải dài đến mênh mông. Nghề trồng hoa màu sống được vì ít người làm.

Kỹ sư cơ khí Nguyễn Hồng Quyết không dự tính trước có ngày mình quay lại Bình Dương để khởi nghiệp làm nông. Ảnh: Nguyên Vỹ

Kỹ sư cơ khí Nguyễn Hồng Quyết không ngờ có ngày mình quay lại Bình Dương để khởi nghiệp làm nông. Ảnh: Nguyên Vỹ

Con còn nhỏ, công việc chưa có, ông Quyết nghĩ, đã dám bỏ nghề lương cao, sao không thử khởi nghiệp làm nông. Thế là ông lên Lâm Đồng học nghề. Sau khoảng 1 tháng, ông về nhà bàn với vợ lấy hết vốn liếng đầu tư trồng rau trong nhà màng. 

Rau ông trồng, sau khi cắt gốc, đóng bịch, giao tới tận nhà, theo quan điểm từ đồng ruộng đến thẳng bàn ăn. Vợ chồng cùng nhau thức khuya dậy sớm, cặm cụi làm.

Hai vợ chồng lên kế hoạch khảo sát thị trường. "Cứ tưởng có lời, ai dè làm tới đâu, lỗ vốn tùm lum tới đó. Cứ mỗi tháng lỗ 5 triệu, 7 triệu, rồi 10 triệu; kéo dài chừng 1 năm thì... bỏ cuộc", ông Quyết kể. 

Lại thất nghiệp, lại thiếu tiền, lại sống nhờ đồng lương của vợ. Bạn bè rủ đi uống cà phê, ông đều tìm cách tránh né.

Một bữa nọ, có người thân đi thăm Khu nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Củ Chi (TP.HCM), ông lần mò tìm cách đi theo. Vào trong, ông được xem mô hình trồng dưa lưới. Đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao, ít tốn nhân công, thu hoạch 1 lần chứ không làm suốt cả ngày như trồng rau. 

Bị những trái dưa lưới tròn trĩnh, căng mọng cuốn hút, ông muốn khởi nghiệp thêm lần nữa. Nếu thua thì lại đi làm thuê chứ xin tiền vợ hoài, cũng... tủi thân.

Ông Quyết bị mô hình dưa lưới công nghệ cao cuốn hút. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Hồng Quyết bị mô hình dưa lưới công nghệ cao cuốn hút. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thế nhưng ngày đó, muốn ra, vào Khu nông nghiệp công nghệ cao không phải dễ; muốn tìm hiểu cách trồng dưa lưới cũng chỉ được đứng ở bên ngoài nhìn vào. Phí chuyển giao công nghệ tốn hết 50 triệu đồng trên diện tích 700m2. Số tiền này vượt quá khả năng của ông.

Ông lân la, làm quen với một công nhân làm việc tại đó rồi hỏi xin địa chỉ. Hôm sau, ông xin tiền, mua bia, và nồi lẩu đến tận nhà trọ của anh công nhân nọ để "tầm sư học đạo".

"Cũng phải than nghèo kể khổ dữ lắm. Bao nhiêu vốn liếng từ TP.HCM đem về Bình Dương, đã đi sạch theo mớ rau. Lần này mà thất bại nữa, vợ em li dị em luôn... Thế là anh công nhân kia mới mủi lòng, chia sẻ cho ít bí kíp", ông kể lại. 

Về nhà, ông Quyết tự mày mò, nghiên cứu thêm tài liệu. Trồng vụ thứ nhất, dưa bị hỏng do nhiều loại bệnh mà ông không biết. Ông phải cắt gốc, ngắt lá đi tìm người tư vấn. Đến vụ thứ 2 thì thành công. Vụ thứ 3, ông bán được sản phẩm.

Niềm vui khởi nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao thành công. Ảnh: Nguyên Vỹ

Niềm vui khởi nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao thành công. Ảnh: Nguyên Vỹ

Cầm được ít tiền lời bán dưa mà ông mừng phát khóc. Bao nhiêu hờn tủi, bao nhiêu áp lực đã nuốt vào trong, bỗng nghẹn trào ra theo giọt nước mắt sung sướng vô bờ. 

Đến nay, mỗi năm, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long do ông làm chủ đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. "Vượt qua bao nhiêu biến cố, tôi vẫn không thấy sung sướng và hạnh phúc như cái ngày mình đã khởi nghiệp thành công", ông Quyết bồi hồi nhớ lại.

Ông Nguyễn Hồng Quyết liên kết cùng nông dân trồng dưa lưới làm giàu

Từ năm 2015, doanh thu từ dưa lưới bắt đầu tăng cao. Đến năm 2016, từ khu vườn đầu tiên, ông Quyết mở rộng thêm 4 khu vườn nữa. Nhưng khi càng mở rộng thì càng không thể quản lý hết, ông lại thêm một phen thua lỗ.

Tỉnh mộng sau cơn hưng phấn, ông Quyết thu gọn sản xuất, liên kết với nông dân trên địa bàn xã An Bình, huyện Phú Giáo thành lập HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long. Ông khuyến khích bà con trồng dưa lưới theo của mô hình của HTX và bao tiêu sản phẩm. 

Từ 7 xã viên, với diện tích 2ha ban đầu, đến nay, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long có 73 xã viên, diện tích 20ha. Không chỉ ở địa bàn Bình Dương, HTX còn liên kết với một số nông dân ở các tỉnh khác như Bình Phước, An Giang, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long hiện có 73 xã viên, diện tích là 20ha. Ảnh: Nguyên Vỹ

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long hiện có 73 xã viên, diện tích là 20ha. Ảnh: Nguyên Vỹ

Từ năm 2020 đến nay, dưa lưới của HTX đạt sản lượng trung bình khoảng 1.500 tấn/năm, doanh thu khoảng 45 tỷ/năm. Dưa lưới của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long đang phân phối vào các hệ thống siêu thị lớn trong Nam cũng như ngoài Bắc. 

Ông Trần Văn Dũng ở ấp Cà Na, xã An Bình (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) tham gia HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long từ năm 2016. Ban đầu, ông Dũng trồng dưa lưới trên diện tích 2.000m².

Được HTX tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, đến nay, ông Dũng mở rộng diện tích lên 7.000m². Hiện ông Dũng đang làm kỹ thuật viên, phụ trách việc hướng dẫn lại kỹ thuật cho các thành viên khác trong HTX.

Liên kết sản xuất nhiều năm qua, HTX giúp gia đình ông Dũng có nguồn thu ổn định. Ông Dũng cho biết, mỗi năm gia đình ông đạt doanh thu từ 1,2-1,5 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, ông còn lời từ 700-800 triệu đồng.

Giá bán mủ cao su tiểu điền năm 2023 vẫn đang thấp hơn so với mùa vụ những năm trước. Nông dân bán ra ở mức 220-270 đồng/độ, giảm khoảng 100 đồng/độ so với những năm gần đây.

Ông Đặng Văn Xuân, nông dân ở xã An Bình, huyện Phú Giáo có vườn cao su rộng 1,2ha. Ông Xuân thanh lý bớt diện tích cao su già cỗi, dành ra một phần đất trồng dưa lưới để tăng thu nhập. Ông Xuân là thành viên mới của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long.

Ông Xuân nói, mình đã lớn tuổi, phải tìm hiểu rất kỹ hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng dưa lưới rồi mới thực hiện chuyển đổi. Dưa lưới trồng trên diện tích nhỏ nhưng cho hiệu quả cao hơn.

Sau khi trừ chi phí, nông dân trồng dưa lưới vẫn còn khoản thu từ 50-60 triệu đồng/1.000m², tương đương với 1ha cao su. Dưa lưới cho khoản thu này trong vài tháng, trong khi đó cao su phải làm cả năm.

Ông Đặng Văn Xuân (phải) tin tưởng vào hiệu quả kinh tế khi tham gia liên kết sản xuất cùng HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Đặng Văn Xuân (phải) tin tưởng vào hiệu quả kinh tế khi tham gia liên kết sản xuất cùng HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tất nhiên, kinh phí đầu tư, kỹ thuật chăm sóc dưa lưới đều cao hơn hẳn cao su. Được HTX hỗ trợ kỹ thuật, gia đình tính toán đầu tư bước đầu trên diện tích 2.000m2. "Cùng với việc được bao tiêu ổn định, gia đình tin tưởng tham gia liên kết làm xã viên", ông Xuân nói.

Ông Đỗ Ngọc Huy – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương cho biết, để đảm bảo nguồn cung nông sản cho thị trường, Bình Dương xác định nông nghiệp công nghệ cao là phù hợp nhất, để phát huy hiệu quả trên diện tích đất sản xuất.

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long là một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả. Hiệu quả của HTX không dừng lại ở doanh số mà còn ở quy mô phát triển, cũng như tính lan tỏa của mô hình kinh tế tập thể. 

Bên cạnh sự hỗ trợ ngành chức năng, thành công này đến từ nỗ lực rất lớn của lãnh đạo HTX trong việc kết nối nông dân tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất.

Ông Nguyễn Hồng Quyết là Chi hội phó Chi Hội Nông dân tỷ phú Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Hồng Quyết hiện là Chi hội phó Chi Hội Nông dân tỷ phú Bình Dương. Ông Nguyễn Hồng Quyết cũng vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Hồng Quyết không chỉ là giám đốc một đơn vị kinh tế mà còn là Chi hội phó Chi Hội Nông dân tỷ phú Bình Dương, nơi tập hợp các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên toàn tỉnh. Chi hội chính là cầu nối cùng toàn thể hội viên nông dân đồng hành đưa nông sản Bình Dương vươn ra thị trường.

Từ những điển hình như HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục hỗ trợ để phát triển mô hình kinh tế tập thể, gắn liền với ứng dụng công nghệ cao. "Đồng thời, Bình Dương phát triển các HTX mới theo đúng nhu cầu, thay vì phát triển ồ ạt theo số lượng", Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương Đỗ Ngọc Huy chia sẻ.

Thành viên HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long tự tin vào kỹ thuật trồng dưa lưới trên đất vẫn cho chất lượng cao. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thành viên HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long tự tin vào kỹ thuật trồng dưa lưới trên đất vẫn cho chất lượng cao. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Hồng Quyết: Không khuyến khích nông dân trồng dưa lưới ồ ạt

Thế mạnh cạnh tranh của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long là gì thưa ông?

- Thế mạnh của HTX là kỹ thuật canh tác giúp giảm giá thành và tạo ra chất lượng dưa lưới đồng đều. Trước đây, mọi người thường thấy dưa lưới được trồng bằng giá thể, ở trong bầu, trên nền trải bạt. Hiện nay, nhiều vườn dưa lưới ở Phú Giáo trồng trên đất. Vì trong đất có nhiều dinh dưỡng trung, vi lượng hơn là trong giá thể. Việc cung cấp dinh dưỡng vào giá thể đôi khi không đầy đủ.

Tất nhiên, trồng trên đất thì việc kiểm soát đổ ẩm, nấm bệnh sẽ khó hơn. Mặc dầu vậy, nông dân ở Phú Giáo hoàn toàn tự tin xử lý nhờ nắm bắt kỹ thuật. Cách làm này giúp giảm 30-40% chi phí đầu vào và nhân công.

Rất nhiều nơi đã trồng được dưa lưới với diện tích lớn. Ông có lo ngại việc dưa lưới sẽ gặp cảnh "đụng hàng dội chợ"?

- Cây trồng nào cũng vậy, khi có hiệu quả kinh tế thì bà con nông dân sẽ ồ ạt làm theo. Nếu công tác quy hoạch và dự báo không tốt, dưa lưới cũng sẽ gặp tình cảnh tương tự như trái bưởi hay sầu riêng...

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long hướng tới nâng cao tiêu chuẩn để xuất khẩu dưa lưới thay vì ồ ạt mở rộng diện tích. Ảnh: Nguyên Vỹ

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long hướng tới nâng cao tiêu chuẩn để xuất khẩu dưa lưới thay vì ồ ạt mở rộng diện tích. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tôi vẫn khuyên các hộ dân, và nhất là các thành viên trong HTX tính toán kỹ trước khi mở rộng diện tích. Người đầu tư phải tính được chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm cũng như phương án kinh doanh đường dài. Nếu thấy không có lời thì đừng làm theo phong trào. Vì khi dội hàng, giá rẻ, cả ngành hàng dưa lưới sụt giảm giá trị.

Vậy định hướng sắp tới của HTX là gì?

- Sản phẩm nông nghiệp muốn đạt chất lượng tốt, đồng đều đòi hỏi nông dân phải kết hợp cả khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm và cái tâm của người làm. HTX không mở rộng diện tích vượt quá khả năng kiểm soát. Thay vào đó, HTX cập nhật kiến thức tốt nhất và đảm bảo quyền lợi chung cho mọi thành viên.

Sản phẩm của HTX đã đạt chứng nhận GlobalGAP và tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đây là cơ sở để HTX tiếp tục kết nối lại với thị trường xuất khẩu sau gián đoạn do đại dịch Covid-19. Việc này sẽ mang lại giá trị và lợi ích cao hơn cho thành viên, và sự phát triển bền vững cho HTX.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương tham quan gian hàng triển lãm của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long. Ảnh: Nguyên Vỹ

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương tham quan gian hàng triển lãm của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long. Ảnh: Nguyên Vỹ

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long là 1 trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Là người đứng đầu HTX, ông có tâm sự gì muốn gửi gắm?

- Ở Bình Dương, người làm nông nghiệp được chính quyền hỗ trợ nhiều chính sách, nhất là hỗ trợ vốn vay làm nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, nhiều quy định, thủ tục còn chưa sát thực tế khiến khả năng tiếp cận vốn của người dân chưa cao.

Tôi nghĩ, muốn phát triển nông nghiệp, phải đẩy mạnh phát triển các HTX, các tổ hợp tác. Đó là chủ trương đúng. Nhưng muốn phát triển HTX, cần có những quy định và chính sách tốt hơn, đặc biệt nguồn hỗ trợ vốn vay.

Mục đích của nông nghiệp công nghệ cao là khuyến khích nâng cao giá trị bằng cách ứng dụng công nghệ trên diện tích nhỏ. Nhưng thiếu vốn, nhất là với các HTX nông nghiệp thì không thể làm nông nghiệp công nghệ cao được.

Xin cảm ơn ông!

Xin tiền mua lẩu và bia, đi tìm... "bí kíp" khởi nghiệp làm nông rồi thành luôn nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 - Ảnh 15.

Mời bạn tham gia Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"

- Tác phẩm dự thi phải viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam", ưu tiên cho chủ đề về "Nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số", là những tác phẩm phản ánh đúng sự thực khách quan. Ban Tổ chức Giải báo chí không nhận các tác phẩm hư cấu, tác phẩm văn học.

- Thể loại của các phẩm dự thi là ký sự, phóng sự, bút ký, bài phản ánh, bài phản biện viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.

- Bài gửi dự thi trên báo in (đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay): Bài viết có dung lượng 1.000-1.500 chữ + 2-3 ảnh, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Bài dự thi trên báo điện tử (đăng trên Báo điện tử Dân Việt- Danviet.vn): Bài viết có dung lượng tối đa không quá 2.500 từ + 3-4 ảnh + clip, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Đối với các tác phẩm từ các cơ quan báo chí khác, bài dự thi là một tác phẩm hoặc một chùm bài được đăng tải trên báo, tạp chí in hoặc báo, tạp chí điện tử.

- Mỗi cơ quan báo chí được gửi tối đa 05 tác phẩm về Ban Tổ chức Giải báo chí viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" để chấm giải (với báo, tạp chí in, phải gửi tác phẩm, kèm số báo đăng tác phẩm, có xác nhận của cơ quan; bài đăng trên báo, tạp chí điện tử phải in tác phẩm ra và gửi kèm đường link, có xác nhận của cơ quan).

- Thời gian: Từ tháng 4 đến tháng 12/2023. (Trong đó, thời gian nhận bài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc ngày 15/11/2023 để Ban Tổ chức tổng hợp, chấm Giải).

Địa chỉ nhận tác phẩm:

Các tác phẩm gửi về để đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt gửi về hòm thư điện tử nhận bài dự thi: buihongliendv@gmail.com.

Điện thoại: 0902026692 (Nhà báo Bùi Hồng Liên- Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, thư ký Giải).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem