Vay hàng chục cây vàng để thủa nào, nay một Nông dân xuất sắc ở Tuyên Quang tạo vô số việc làm
Vay hàng chục cây vàng để thủa nào, nay một Nông dân xuất sắc ở Tuyên Quang tạo vô số việc làm ở quê
Bình Minh - Nguyễn Nam
Thứ sáu, ngày 13/10/2023 18:10 PM (GMT+7)
Nụ cười tươi rói luôn thường trực trên khuôn mặt, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 Phạm Đình Huỳnh, thị trấn Yên Sơn, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) hồi tưởng về quãng thời gian lăn lộn, ngược xuôi chở mía, sắn, chè tươi xuống dưới xuôi để bán. Sau 7 năm, ông Huỳnh quyết định "bẻ lái" sang kinh doanh, chế biến chè đen xuất khẩu.
CLIP: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 Phạm Đình Huỳnh chia sẻ về hoạt động của HTX chè Quang Minh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên quang. Thực hiện: Nguyễn Nam
Vay hàng chục cây vàng để khởi nghiệp
Đón chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, rộng rãi nằm ở ngay sát đường Quốc lộ 2 chạy qua ở thị trấn Yên Sơn, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang), Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 Phạm Đình Huỳnh nở nụ cười tươi rói nhưng cũng rất đỗi giản dị, ông nhanh chân bước ra cửa bắt tay, mời khách vào nhà.
Rót trà, mời khách dùng trái cây, ông Huỳnh hồi tưởng về những năm tháng từng lăn lộn, ngược xuôi chở mía, sắn, chè tươi xuống huyện Thường Tín (tỉnh Hà Tây cũ) để bán từ những năm 1995.
Ông Huỳnh cho biết, làm nghề buôn chuyến rất vất vả, mỗi ngày phải dậy từ sáng sớm, đi khắp tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên để gom hàng rồi chuyển về dưới xuôi.
Sau 7 năm làm nghề buôn chuyến, năm 2002, ông Huỳnh quyết định "bẻ lái" chuyển sang kinh doanh, chế biến chè đen xuất khẩu. Ông đã mạnh dạn vay vốn, xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị thành lập HTX chè Quang Minh.
"Nguồn nguyên liệu chè ở các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc rất lớn, nhân công nhiều, có tay nghề cao nên tôi đã quyết định chuyển hướng, xây dựng nhà máy chế biến chè đen xuất khẩu", ông Huỳnh nhớ lại.
Ông Huỳnh cho hay, khác với quy trình chế biến chè xanh, chè đen chế biến qua nhiều giai đoạn, đó là lên men tạo ra những biến đổi sinh hóa làm cho màu sắc và hương vị thành phẩm có vị đặc trưng riêng mà các loại trà khác không có được.
Để đầu tư xưởng chế biến chè đen, ông Huỳnh phải nhập khẩu công nghệ từ Ấn Độ. "Tôi biết đến công nghệ này thông qua thời gian cung cấp chè tươi cho nhà máy chè Phú Bền, thời điểm đó đây là nhà máy chế biến chè hiện đại nhất ở Việt Nam", ông nói.
Nhớ lại thời điểm bỏ ra hàng tỷ đồng đầu tư dây truyền, máy móc chế biến chè, ông Huỳnh nói bản thân cũng rất "liều lĩnh". Để có vốn, ông cũng phải chay đôn đáo khắp nơi vay mượn người thân, bạn bè hàng chục cây vàng.
Thời điểm đầu, xuất khẩu chè đen rất thuận lợi, trong đó thị trường Iraq chiếm 70%. Tuy nhiên, sau hơn một năm khởi nghiệp, ông Huỳnh đã phải đối mặt với nhiều khó khăn về thị trường khi năm 2003, chiến tranh ở Iraq nổ ra khiến thị trường bị "đổ bể".
Ông Huỳnh cho biết, sau 2 năm lao đao, thị trường xuất khẩu chè đen bắt đầu có những tia sáng trở lại. Nga, Ấn Độ, Iran là những thị trường mới, tiềm năng.
"Khởi nghiệp gặp bao khó khăn vất vả, nhưng tôi chưa bao giờ nản chí mà luôn nỗ lực vừa làm, vừa tích luỹ kinh nghiệm", ông Huỳnh chia sẻ. Thị trường được khơi thông, 30ha chè của HTX không đáp ứng được nhu cầu sản xuất, nên HTX đã ký hợp đồng thu mua sản phẩm trên tổng diện tích 200ha của hơn 100 hộ dân thuộc địa bàn các xã Tứ Quận, Phúc Ninh (huyện Yên Sơn), Đức Ninh, Yên Thuận (huyện Hàm Yên).
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động và nhạy bén, ông Huỳnh đã lèo lái con thuyền HTX chè Quang Minh gặt hái được nhiều thành công. Theo đó, năm 2022, doanh thu của HTX đạt từ 15 tỷ đồng, lợi nhuận 9 tỷ đồng.
Năm 2012 khi nhà máy giấy An Hòa được xây dựng và đi vào hoạt động ở tỉnh Tuyên Quang. Ông Huỳnh với tư duy nhạy bén, "đón đầu xu thế", quyết định "lấn sân" sang lĩnh vực chế biến gỗ.
"Tôi thu mua gỗ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang rồi đưa về nhà máy để băm dăm, sau đó bán cho nhà máy giấy An Hòa", ông Huỳnh chia sẻ.
Tạo công ăn, việc làm cho 600 người là con, em nông dân
Ông Huỳnh cho biết, vài năm trở lại đây, thị trường chè đen đang có dấu hiệu "chững lại". Xuất phát từ thực tế đó Ban giám đốc HTX chè Quang Minh đã năng động, đổi mới tư duy, mở rộng hướng sản xuất kinh doanh sang lĩnh vực khác để phù hợp với nhu cầu phát triển của thị trường.
Theo đó, HTX chè Quang Minh đã liên doanh, liên kết với Công ty TNHH J-STAR VINA Tuyên Quang đầu tư nhà máy sản xuất giày da tại xã Tứ Quận (thị trấn Yên Sơn) với vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, quy mô nhà xưởng 6.000 m2.
Dẫn chúng tôi đi thăm xưởng, hình ảnh những công nhân với đôi tay thoăt thoắt điều kiện máy móc, ông Huỳnh vui mừng nói: "Nhà máy sản xuất giày da của HTX có trên 600 lao động là hội viên và con em nông dân".
Với công nghệ nhập khẩu từ Đài Loan, nhà máy sản xuất giày da của ông Huỳnh đã đầu tư hệ thống máy móc tiên tiến, hiện đại nhất để gia công sản đạt chất lượng cao. Ngoài ra, anh Huỳnh còn thường xuyên mời các chuyên gia nước ngoài đến tập huấn giúp công nhân trong nhà máy nâng cao được trình độ chuyên môn.
Ông Huỳnh cho biết, mới đưa vào sản xuất từ tháng 2/2023, thu nhập của công nhân làm tại nhà máy đã đạt từ 7 - 9 triệu đồng/tháng. Dự kiến thời gian tới HTX sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất tạo việc làm cho trên 1.000 công nhân.
Đánh giá về tâm gương Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 Phạm Đình Huỳnh, ông Đỗ Văn Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Yên Sơn (huyện Yên Sơn) cho biết, ông Huỳnh không chỉ là hội viên nông dân năng động trong sản xuất mà còn rất nhạy bén trong kinh doanh.
Bên cạnh đó, ông Huỳnh còn là cá nhân điển hình trong tham gia các hoạt động thiện nguyện trên địa bàn huyện Yên Sơn và tỉnh Tuyên Quang. Trong đó, ông Huỳnh đã đóng góp vào các Quỹ phúc lợi xã hội số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.