Nông dân với tái cơ cấu: Mong có hiệp hội lúa gạo kiểu Myanmar

Thuận Hải Thứ năm, ngày 29/10/2015 09:20 AM (GMT+7)
Dù đã sửa đổi, bổ sung, lấy ý kiến từ nhiều cơ quan, đơn vị trong gần 2 năm qua, Đề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là đề án) vẫn bị cho là không sát thực tế.
Bình luận 0

Nhiều mục tiêu áp đặt, thiếu thực tế

Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo do Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) tổ chức sáng 28.10 tại TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng “chưa nghiêm túc” trong quá trình xây dựng đề án này.

img

Nông dân phơi lúa tạm trữ, chờ giá lên ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp). Ảnh: Thuận Hải

Ông Nguyễn Tiến Dũng –Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, Cục Trồng trọt đã đưa ra các mục tiêu “chạy theo thị trường”, không sát với thực tế sản xuất, kinh doanh lúa gạo trong nước. Ví dụ như trong mục tiêu đến năm 2020, đề án đặt mục tiêu tỷ lệ gạo xuất khẩu chất lượng cao đạt 60 – 70% tổng lượng gạo xuất khẩu, trong đó gạo thơm, đặc sản phải chiếm 20 – 30%. Tuy nhiên, đề án lại không tính đến chuyện để đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp (DN) phải bán gạo cho ai, ở thị trường nào?

“Ví dụ như gạo thơm, hiện đã có hàng trăm giống, giống nào cũng tốt, cũng thơm nhưng DN, nông dân không biết thị trường cần giống nào. Nếu không có những điều tra cụ thể mà chỉ áp đặt mục tiêu, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục luẩn quẩn trong việc trồng giống gì, diện tích bao nhiêu...”-ông Dũng nói thêm.

Ông Huỳnh Thế Năng – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II) cũng cho rằng nhiều mục tiêu trong đề án này còn rất “ngây ngô”, không thực tế.

Cụ thể như, đề án cho rằng, các DN thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) toàn là DN lớn, có thể “dắt mũi” hoạt động kinh doanh, xuất khẩu gạo. Nhưng theo ông Năng, VFA hiện chỉ có Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood I) và Tổng Công ty lương thực Miền Nam (Vinafood II) là DN lớn, còn lại cả nước hiện  có 130 DN có giấy phép xuất khẩu gạo đều là DN vừa và nhỏ.

Do đó, theo ông Năng, đề án đặt mục tiêu mở rộng VFA với đại diện nhiều thành phần khác trong chuỗi lúa gạo như nông dân, cơ quan quản lý nhà nước, các thành phần DN xay xát, chế biến… là không thực tế. VFA là hiệp hội của các nhà xuất khẩu gạo, kinh doanh lúa gạo, còn đại diện nông dân đã có Hội Nông dân.

Về vấn đề này, ông Bùi Bá Bổng - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng, Việt Nam cần một hiệp hội lúa gạo, kiểu như hiệp hội lúa gạo của Myanmar hay Campuchia đã hoàn thiện, hoạt động rất tốt và theo cơ chế thị trường. Ông Bổng cho rằng, Việt Nam nên học tập thêm từ các hiệp hội này.

“Cái cần không có, cái khó chưa thông”

Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng những vấn đề cần thiết cho phát triển sản xuất lúa gạo ở vùng ĐBSL hiện nay như cơ sở hạ tầng, giao thông, cảng biển… chưa được quan tâm đúng mức trong đề án.

Theo ông Huỳnh Thế Năng, đề án đặt mục tiêu xây dựng giống lúa Jasmine thành một sản phẩm có thương hiệu của gạo Việt Nam, thế nhưng việc kiểm tra độ thuần của Jasmine hiện rất khó khăn. Cả vùng ĐBSCL chỉ có Viện Lúa Ô Môn (Cần Thơ) có máy phân tích độ thuần của Jasmine nhưng thời gian cho kết quả kéo dài 7-10 ngày, với giá cũng cao hơn nhiều so với nước ngoài. Ngược lại, ở Thái Lan, việc kiểm tra chỉ tốn 7 – 8 giờ.

Việc thiếu máy móc kiểm tra chất lượng gạo khiến DN xuất khẩu gạo thơm phải đối mặt nhiều rủi ro. Ví dụ như năm ngoái, có 1 DN đưa 1.000 tấn gạo thơm vào Mỹ nhưng đã lỗ hơn 4 tỷ đồng, vì chất lượng gạo không đạt yêu cầu của phía Mỹ.

Cũng theo ông Năng, ở ĐBSCL có 4 nhóm sản phẩm lớn gồm lúa gạo, tôm, cá và trái cây, sản phẩm nào cũng có sản lượng cả triệu tấn, nhưng mạng lưới giao thông ở ĐBSCL lại rất kém, không tải nổi lượng hàng hóa trên. Hơn nữa, nông sản muốn xuất khẩu phải đưa về TP.HCM khiến chi phí vận chuyển đội lên từ 9 – 12USD/tấn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem