Lúa gạo Mường Lò chật vật tìm thương hiệu

Nguyễn Nhật Thanh Thứ sáu, ngày 16/01/2015 08:36 AM (GMT+7)
Câu ca “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” đã có từ lâu. Mường Lò là cánh đồng lớn thứ hai ở miền núi phía Bắc, chỉ sau Mường Thanh (Điện Biên). Theo địa giới hành chính, Mường Lò một nửa nằm ở huyện Văn Chấn và một nửa ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Hiện cả 2 địa phương đang chật vật xây dựng thương hiệu lúa, gạo Mường Lò.
Bình luận 0

Mô hình hiệu quả

Thị xã Nghĩa Lộ có diện tích đất nông nghiệp 2.249ha; trong đó đất sản xuất 2 vụ lúa trên 719ha. Mục tiêu của thị xã là hàng năm sản xuất trên 7.000 tấn gạo hàng hóa. Để đạt được mục tiêu này, năm 2008 thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai Dự án “Đầu tư xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao” tại 7 xã phường của thị xã, với tiến độ thực hiện 2 vụ/năm.

img
Nông dân thị xã Nghĩa Lộ tập huấn trồng giống lúa mới.  N.T

Xã Nghĩa An được thử nghiệm đưa vào thực hiện dự án trồng thử nghiệm trên 50% diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao, với các giống chiêm hương, và TL6, HYT100. Bà Hoàng Thị Phượng - Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết, việc sản xuất lúa hàng hóa phải trải qua rất nhiều công đoạn, và phải tập hợp được nhiều yếu tố thì mới có thành công. Một trong những yếu tố quan trọng là phải tuân thủ mọi kỹ thuật từ làm đất, ngâm ủ giống đến kỹ thuật cấy. Năng suất lúa ước đạt 65- 70 tạ/ha, giá trị cao gấp 2-3 lần so với lúa thuần.

 

Gia đình ông Điêu Văn Sai ở thôn Đêu 4, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, là hộ đi tiên phong trong dự án sản xuất lúa chất lượng cao này. Năm 2008 ông áp dụng trên toàn bộ diện tích 5.000m2 ruộng của gia đình. Ông Sai cho biết: “Sau 3 vụ thử nghiệm, tôi thấy đây là mô hình sản xuất lúa rất có hiệu quả, năng suất và giá trị kinh tế cao từ 2- 3 lần so với cấy lúa thuần bằng phương pháp truyền thống”.

Với xã Nghĩa Lợi - địa phương có đến 87% dân số là dân tộc Thái, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao, vụ mùa năm 2008 xã đã mạnh dạn đưa vào trồng thử nghiệm 122/137ha diện tích đất nông nghiệp của xã, với 102 hộ tham gia, loại giống thử nghiệm là lúa chất lượng cao HYT100. Mặc dù được tập huấn hướng dẫn từ ngâm giống đến cấy và đưa kiến thức mới vào gieo trồng... nhưng một bộ phận nhân dân chưa tuân thủ nghiêm các biện pháp kỹ thuật, có nhiều công đoạn như tỷ lệ bón lót phân chuồng và phân lân thì nông dân vẫn tỏ ra lúng túng. Năng suất tuy có thấp hơn giống lúa thuần nhưng giá trị kinh tế vẫn cao hơn.

Đối với huyện Văn Chấn, mục tiêu đặt ra là từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lúa gạo Mường Lò và chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại một số xã trong vùng Mường Lò. Hàng năm huyện có kế hoạch mở rộng diện tích gieo cấy các giống lúa thuần chất lượng cao lên 40- 45% gồm: Chiêm hương, ĐS 1, HT 1, Séng cù, còn lại là giống lúa lai... Nhưng đến nay, lúa gạo Văn Chấn cũng chỉ tiêu thụ ngay trong vùng!

Người bán, người mua đều mong

Với chủ trương hình thành một vùng sản xuất hàng hoá chất lượng cao và xây dựng thương hiệu “Lúa gạo Mường Lò”, phấn đấu mỗi năm vùng sản xuất lúa hàng hóa này tung ra thị trường trên 7.000 tấn lúa, nhưng hiện nay trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ vẫn chưa có một cơ sở thu mua, chế biến gạo có uy tín chất lượng. Người mua hàng không biết đâu là gạo Mường Lò chính hiệu, vì gạo Mường Lò không hề có thương hiệu.

Anh Trần Văn Hoán - người mua hàng ở chợ Mường Lò cho biết: “Nhiều lúc ra chợ tôi rất muốn mua một cân gạo Mường Lò gửi về quê làm quà, nhưng gạo Mường Lò chẳng có nhãn mác gì cả, thay vào đó các loại gạo nổi tiếng của các địa phương khác như Séng cù Mường Khương, tám Điện Biên... được bày bán tràn lan”. Chính chủ một cửa hàng kinh doanh lương thực ở chợ Mường Lò cũng thừa nhận: “Tôi rất muốn lúa, gạo Mường Lò sớm có thương hiệu, để gia đình tôi thuận tiện cho việc buôn bán của gia đình, chứ như bây giờ có muốn giới thiệu gạo Mường Lò với bạn bè ngoài tỉnh cũng rất khó”.

Hiện nay cả thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn đang tìm giải pháp tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong đầu tư công nghệ, nguồn lực cho sản xuất gắn với chế biến và bao tiêu sản phẩm lúa gạo cho nông dân. Xây dựng mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP, hữu cơ bằng giống lúa thuần của địa phương để tạo sản phẩm lúa gạo sạch, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu người người tiêu dùng, từ đó xây dựng thương hiệu gạo đặc sản Mường Lò.

   Có một điều là cả 2 địa phương chưa chịu “bắt tay” nhau cùng tìm đến các nhà khoa học, doanh nghiệp sản xuất giống, doanh nghiệp kinh doanh tiêu thụ sản phẩm để hợp tác và tìm ra lối đi cho sản phẩm chung lúa gạo Mường Lò. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem