Chiều nay 6.3, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Đỗ Thái Mỹ, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Điện Biên cho biết, cả 4 mẫu xét nghiệm lấy tại một số hộ gia đình tại xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo đều dương tính với dịch tả lợn Châu Phi (ASF).
Ngay sau khi phát hiện có dịch bệnh, địa phương tiến hành khoanh vùng, lập các chốt chặn tại những khu vực phát hiện dịch, đồng thời lên phương án tiêu hủy đối với toàn bộ số lợn nằm trong khu vực phát hiện mẫu dương tính theo quy định của pháp luật.
Theo ông Đỗ Thái Mỹ, dịch tả lợn châu Phi đang có dấu hiệu lan sang các địa bàn khác thuộc 2 xã Ta Ma và Mường Mun, huyện Tuần Giáo. Trường hợp được phát hiện đầu tiên vào ngày 4.3 tại xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo.
Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo Sở NNPTNT tỉnh Điện Biên phối hợp với UBND huyện Tuần Giáo tiến hành kiểm tra nắm bắt tình hình, đồng thời chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Điện Biên là tỉnh thứ 9 xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Hiện tại UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các huyện thị, tăng cường kiểm tra, phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Văn Đức – Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Ngay sau khi cơ quan thú ý có kết quả xét nghiệm 4 mẫu trên đàn lợn tại xã Rạng Đông có dương tính với dịch tả lợn châu Phi, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, khuyến cáo bà con chủ động tăng cường kiểm tra, giám sát đàn lợn của gia đình, nếu có triệu chứng bất thường thì khẩn trương báo cho cơ quan chuyên môn để chủ động trong việc chẩn đoán. Tuyệt đối chấp hành việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, cách ly đối với những con lợn bị bệnh; không nên mua bán, sử dụng thực phẩm từ thịt lợn ở những nơi không rõ nguồn gốc, không sử dụng thức ăn thừa cho đàn lợn. UBND huyện Tuần Giáo đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy số lợn bị nhiễm bệnh
Về phía Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên cũng khuyến cáo người dân: Cần chủ động kiểm tra, giám sát đàn lợn của gia đình; nếu có triệu chứng bất thường thì khẩn trương báo cho cơ quan chuyên môn để chủ động trong việc chẩn đoán.
Bên cạnh đó, phải tuyệt đối chấp hành việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, cách ly đối với những con lợn bị bệnh; không được phép mua bán lợn bệnh, sử dụng thực phẩm từ thịt lợn ở những nơi không rõ nguồn gốc và tuyệt đối không ăn tiết canh lợn.
Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại Hòa Bình. Ảnh: BHB.
Ngoài Điện Biên, dịch tả lợn châu Phi cũng đã được phát hiện tại tỉnh Hòa Bình. Theo đó, tối 5/3, UBND huyện Lương Sơn đã công bố dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã Hợp Thanh. Đồng thời khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách để chống dịch, báo cáo các cấp để có biện pháp chỉ đạo phối hợp chống dịch kịp thời và hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Trước đó, sáng 5/3, nhận được thông tin tại hộ gia đình ông Mai Xuân Trường, xóm Cát, xã Hợp Thanh xuất hiện lợn ốm, chết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cùng cán bộ chuyên môn xuống kiểm tra.
Theo chủ hộ nuôi lợn, đàn lợn ăn ít, bỏ ăn từ ngày 3 - 5/3, đến 9h sáng ngày 5/3 đã có 3 con chết. Sau kiểm tra triệu chứng lâm sàng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hòa Bình đã lấy 2 mẫu bệnh phẩm và 4 mẫu máu gửi Chi cục Thú y vùng I xét nghiệm mẫu máu và mẫu bệnh phẩm lấy trên đàn lợn ốm và số lợn chết của hộ gia đình ông Mai Xuân Trường. Cùng ngày, kết quả xét nghiệm đã phát hiện vi rút DTLCP dương tính với 2/6 mẫu kiểm tra (cụ thể: 2 mẫu bệnh phẩm dương tính, 4 mẫu máu âm tính).
Ngay sau khi tỉnh Hòa Bình phát hiện ổ dịch, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đã trực tiếp kiểm tra và đề nghị: Hệ thống chính trị của tỉnh cùng vào cuộc, các lực lượng cùng tham gia để kiểm soát chặt chẽ việc bán "chạy”, bán "chui” của một số cơ sở chăn nuôi nhằm tránh lây lan, thực hiện nghiêm việc tiêu độc, khử trùng, tăng cường kiểm tra, giám sát vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn.
Địa phương tạo điều kiện về thủ tục hành chính để người chăn nuôi sớm nhận được hỗ trợ từ nguồn ngân sách dự phòng tỉnh và mong muốn tỉnhcó phương án hiệu quả nhất ngăn chặn, khoanh vùng, dập dịch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.