Nông nghiệp được mùa, được giá

Thanh Xuân - Ngọc Lê Thứ sáu, ngày 26/12/2014 06:47 AM (GMT+7)
Sản xuất, xuất khẩu tăng, tình hình tiêu thụ nông sản thuận lợi là những nét nổi bật của ngành nông nghiệp trong năm 2014- năm nông nghiệp được mùa (cả về sản xuất và giá cả).
Bình luận 0

Đánh giá trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp năm 2014 và bàn kế hoạch cho năm 2015 với các tỉnh, thành cả nước vào hôm qua (25.12). Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Gạo, thịt, tôm, cá đều tăng

Những con số báo cáo của ngành nông nghiệp được công bố tại hội nghị cho thấy, năm nay được coi là năm thắng lợi toàn diện của ngành trên cả 3 “mặt trận” là trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Trong ngành trồng trọt, sản xuất lúa được mùa cả 3 vụ trên phạm vi cả nước với sản lượng đạt 45 triệu tấn, tăng gần 1 triệu tấn (2,3%); sản lượng ngô đạt 5,45 triệu tấn, tăng thêm được 250.000 tấn (4,8%) so với năm 2013; sản lượng sắn tăng 6,3%; cà phê tăng 5,2%; chè tăng 6,7%; hồ tiêu 2,5%; cam 7,2%; xoài 15%... Đặc biệt, theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, nhiều cây trồng đã đem lại cho các hộ nông dân giỏi thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha/năm như hồ tiêu, cam, thanh long...

img

Năm 2014 là năm thắng lợi của nhiều mặt hàng nông sản, trong đó có cà phê. Lâm Văn Sáng (Lâm Đồng)


Sản xuất chăn nuôi đã khởi sắc, sản lượng các sản phẩm chính đều tăng đạt tổng cộng 4,47 triệu tấn thịt các loại (thịt hơi các loại tăng 2,7%, sữa tăng 15,6%; trứng tăng 3,8%), qua đó giúp giảm nhập khẩu thịt từ nước ngoài, giá cả luôn ở mức khá cao có lợi cho nông dân. Ngành thủy sản cũng có một năm được mùa với tổng sản lượng nuôi trồng đạt 3,62 triệu tấn, tăng 4%; trong đó riêng sản lượng tôm nuôi đạt 660.000 tấn, tăng 112.000 tấn (20,4%) so với năm 2013.

 

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, nhờ những nỗ lực, giá trị sản xuất toàn ngành (theo giá so sánh 2010) tăng 3,6%, tốc độ tăng GDP ngành đạt 3,31%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra (là 3,27%) và cao hơn nhiều so với năm 2013 (tương ứng là 3,0% và 2,67%). “Có thể nói, 2014 là năm ngành nông nghiệp được mùa, được giá”- ông Phát nhận định.

Chờ sự thay đổi từ đề án tái cơ cấu nông nghiệp

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, bên cạnh những kết quả đạt được, năm qua ngành nông nghiệp còn bộc lộ không ít yếu kém cần khắc phục. Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Xuân Việt cho rằng, nhất thiết chúng ta phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nông nghiệp với 4 giải pháp chính, trong đó đặc biệt chú ý đến các doanh nghiệp tư nhân. “Chính doanh nghiệp tư nhân sẽ là đầu tàu trong việc thực hiện tái cơ cấu, cho nên chúng ta cần có chính sách hỗ trợ họ mạnh hơn, từ cả vốn đến liên kết với nông dân. Bên cạnh đó cần tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tăng hàm lượng chế biến cho hàng nông sản”- ông Việt nói.

Ông Nguyễn Đình Quyền- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chia sẻ quan điểm: “Hiện hiệu quả sản xuất của nông dân vẫn thấp, vì thế chúng ta cần tập trung vào việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp vào khu vực nông nghiệp- nông thôn. Đồng thời, có chính sách cải tạo và áp dụng các bộ giống tốt vào sản xuất”.

Nhiều ý kiến phát biểu tại hội nghị cũng kiến nghị, Nhà nước cần tiếp tục tăng vốn đầu tư vào nông nghiệp, tăng cường các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, mang tính hàng hóa tập trung. Trước các kiến nghị này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, thời gian tới Bộ sẽ tập trung toàn diện sâu sắc hơn nữa vào chủ trương tái cơ cấu, trong đó xác định thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp là khâu đột phá để thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành. Bên cạnh tái cơ cấu, Bộ còn đẩy mạnh phát triển các sản phẩm có thị trường xuất khẩu và có lợi thế của Việt Nam như lúa gạo, cà phê, thủy sản…

“Trong 2014, ngoài những mặt hàng thắng lợi lớn trong xuất khẩu, cao su và cá tra còn gặp nhiều khó khăn. Bước sang 2015, chúng tôi định hướng tập trung hướng dẫn người dân các giải pháp kỹ thuật để giảm chi phí và duy trì vườn cây cao su; thực hiện mạnh mẽ các chính sách, khuyến khích phát triển chế biến sâu, tăng giá trị cao su xuất khẩu. Đối với cá tra, tiếp tục thực hiện Nghị định 36 của Chính phủ để cải thiện toàn diện về sản xuất, chế biến và tiêu thụ mặt hàng này” - ông Phát nói.

   Về kế hoạch năm 2015, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng GDP toàn ngành đạt từ 3,0-3,3%; giá trị sản xuất tăng từ 3,5-3,7% so với năm 2014. Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản đạt 32 tỷ USD.

Cần giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, nông nghiệp năm nay đã chặn đứng được tình trạng giảm tăng trưởng của các năm trước với mức tăng trưởng 3,31%, giá trị xuất khẩu đạt gần 31 tỷ USD, tăng 11,2%. Tuy vậy, theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, thu nhập của người dân vẫn còn thấp, năm nay giá trị sản xuất chỉ đạt trung bình 3.100 USD/ha, tức chỉ khoảng hơn 60 triệu đồng/ha. Trong khi các nước như Đài Loan đã đạt giá trị tới 20.000 USD/ha, Hà Lan 40.000 USD/ha... Do đó, có thể thấy thu nhập của chúng ta còn rất thấp, ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều việc phải làm. 

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý, công tác quản lý an toàn thực phẩm còn nhiều tồn tại, nên cần phải quan tâm tới chất lượng hơn nếu không sẽ thất bại trên sân nhà. Để đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông sản, trong thời gian tới ngành nông nghiệp cần phát triển thị trường mới như Đông Âu, Nga… mở rộng sản phẩm nông sản sang các quốc gia này. 

Phó Thủ tướng cũng đồng tình với 10 chỉ tiêu của ngành nông nghiệp đề ra trong năm 2015 và lưu ý một số vấn đề như cần nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý ngành và tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thay đổi cơ cấu tổ chức cho phù hợp; đặc biệt là tháo gỡ những vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp…

Phương Vy (ghi)

Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Xuân Cường: Tổ chức lại sản xuất để gỡ các “nút thắt”

Về những điểm “nút thắt” còn tồn tại trong nông nghiệp, tôi có thấy mấy điểm trong năm 2014, đó là: Tổ chức sản xuất của chúng ta hiện nay còn khó khăn. Điểm nổi lên trong tổ chức sản xuất là mô hình tổ chức hợp tác xã (HTX), hiện nay chúng ta có 9 triệu ha đất canh tác, gần 1 triệu ha mặt nước thủy sản, 8 triệu ha rừng kinh tế, nhưng lại có đến 15 triệu hộ nông dân. Như vậy, bình quân một hộ nông dân canh tác trên diện tích rất nhỏ, vì thế nếu không có liên kết trong HTX để làm tiền đề liên kết các thành phần kinh tế thì hiệu quả sản xuất, năng suất lao động không thể cao được. 

Nút thắt thứ hai là doanh nghiệp tập trung đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của chúng ta còn rất ít. Hiện nay, riêng khu vực nông nghiệp 70% số dân, chúng ta đóng góp gần 20% GDP, chúng ta có gần 10 tỷ USD thặng dư tuyệt đối ở khu vực này, nhưng lại chỉ có 6% doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này. Nếu không có doanh nghiệp vào để phối hợp cùng HTX, cùng các hộ nông dân và các thành phần kinh tế khác thì không thể có nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn.

Nút thắt thứ ba là lâm nghiệp. Với 14 triệu ha rừng, trong đó có 8 triệu ha rừng kinh tế, 6 triệu ha rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng thì tiềm năng còn rất lớn, nhưng khai thác hiệu quả chỗ này, từ cơ chế, chính sách, từ tổ chức…, chúng ta vẫn còn những nút thắt nên chưa khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh từ rừng của chúng ta.

Hà Vũ (ghi)



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem