Nông nghiệp Long An năm 2023 với điểm sáng về tiêu thụ nông sản, kiểm soát dịch bệnh

Chinh Hoàng Thứ sáu, ngày 19/01/2024 16:42 PM (GMT+7)
Tình hình các mặt hàng nông sản ở tỉnh Long An cuối năm 2023 tương đối thuận lợi, hầu hết giá nông sản đều tăng. Đối với chăn nuôi giám sát dịch bệnh, tiêm phòng vắc-xin trên gia súc, cúm gia cầm được tập trung thực hiện, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch lớn.
Bình luận 0

Các cây trồng chủ lực góp phần phát triển kinh tế Long An năm 2023

Ngày 19/1, UBND tỉnh Long An cho biết, trong năm 2023, khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, tăng 4,12%, tiếp tục phát huy vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong khó khăn. Thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng chống hạn, xâm nhập mặn. Các cây trồng chủ lực có sản lượng tăng so với cùng kỳ như lúa, chanh, mít...

Nông nghiệp Long An năm 2023 với điểm sáng về tiêu thụ nông sản, kiểm soát dịch bệnh- Ảnh 1.

Trồng chanh là mô hình kinh tế chủ lực cây trồng giúp phát triển kinh tế nông sản ở tỉnh Long An. Ảnh: M.H

Theo UBND tỉnh Long An, tình hình tiêu thụ các mặt hàng nông sản tương đối thuận lợi, hầu hết giá nông sản đều tăng. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được theo dõi, kiểm soát chặt chẽ. Chỉ xuất hiện ổ dịch nhỏ lẻ, nhưng đã kịp thời có biện pháp khống chế, không để lây lan trên diện rộng.

Nông nghiệp Long An năm 2023 với điểm sáng về tiêu thụ nông sản, kiểm soát dịch bệnh- Ảnh 2.

Hoạt động chăn nuôi ở tỉnh Long An cuối năm 2023 có dịch bệnh nhỏ, tỉnh đã kiểm soát. Ảnh: M.H

"Hoạt động nuôi trồng thủy sản tiếp tục mang lại hiệu quả tích cực, sản lượng tăng 9,5%, góp phần vào mức tăng trưởng chung của khu vực I. Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp triển khai thực hiện theo kế hoạch đề ra, góp phần tăng năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi chủ lực", UBND tỉnh Long An thông tin.

Ngoài ra, UBND tỉnh Long An cũng cho hay, chương trình đầu tư xây dựng nông thôn mới được quan tâm, góp phần tạo diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, khang trang, xanh, sạch, đẹp.

Đối với ngành trồng trọt, theo UBND tỉnh Long An, tổng diện tích lúa gieo cấy năm 2023 đạt 516.299 ha, tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước; diện tích tăng chủ yếu vụ Thu Đông. Năng suất thu hoạch đạt 5,94 tấn/ha, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Sản lượng 3,072 triệu tấn, tăng 7,34% so với cùng kỳ. Sản lượng lúa chất lượng cao đạt 2,003 triệu tấn, chiếm 65,3% tổng sản lượng lúa. 

Tỉnh đã triển khai được 381 lượt "cánh đồng lớn", diện tích thực hiện 26.689ha (giảm 3.487 ha so với cùng kỳ) với 6.232 hộ tham gia. Sản lượng các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh tăng so với cùng kỳ; tình hình tiêu thụ tương đối thuận lợi, giá bán hầu hết các sản phẩm nông sản đều tăng so với cùng kỳ như lúa, chanh, thanh long, mít …

Cũng theo UBND tỉnh Long An, tình hình chăn nuôi tương đối ổn định. Công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh, tiêm phòng vaccine trên gia súc, cúm gia cầm được tập trung thực hiện trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch lớn.

Quy mô phát triển cây trồng ở tỉnh Long An cuối năm 2023

Cây chanh có diện tích trồng đạt 11.370,7ha, đạt 95,5% kế hoạch, giảm 1,4% so với cùng kỳ; diện tích chanh cho trái khoảng 10.190ha; sản lượng đạt 183.595,8 tấn, tăng 5,62%. Cây thanh long có diện tích trồng 7.943,5ha, đạt 81,8% kế hoạch, giảm 4,7%; diện tích cho trái khoảng 7.848ha; sản lượng đạt 236.128,4 tấn, giảm 10,2%. Cây mít có diện tích trồng 3.119,5ha, đạt 115,5% kế hoạch, tăng 17,2%, diện tích cho trái khoảng 2.245,3ha, sản lượng đạt 42.793,4 tấn, tăng 31,3%. Rau màu các loại có diện tích trồng 13.371ha, đạt 106,1% kế hoạch, tăng 15,9%; sản lượng 252.636,3 tấn; trong đó dưa hấu có diện tích trồng 5.359ha, đạt 146,8% kế hoạch, tăng 26,9%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem