Cơ hội lớn...Tại hội thảo do Bộ Công Thương tổ chức ngày 21.11, ông Hae Moon Chung-Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN- Hàn Quốc (AKC) đã chia sẻ: Hầu hết người tiêu dùng Hàn Quốc đã chuyển nhu cầu từ sản phẩm thực phẩm liên quan đến thịt sang những mặt hàng thủy sản, ngũ cốc, đặc biệt là những sản phẩm không sử dụng hóa chất, không sử dụng thực phẩm có nguồn gốc biến đổi gen... Và chính xu hướng tiêu dùng của người dân cũng trở thành quy định của Chính phủ Hàn Quốc trong nhập khẩu thực phẩm. Các sản phẩm nông sản thực phẩm của Việt Nam phù hợp với thị hiếu tiêu dùng tại Hàn Quốc.
Thanh long Việt Nam đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Ông Hong Won Sik - đại diện Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) cũng cho biết, cơ cấu hàng hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc có tính bổ sung rõ nét, không cạnh tranh trực tiếp nên nông sản Việt có nhiều cơ hội chiếm lĩnh thị trường Hàn Quốc. Ông Hong cho biết, ông đã sống ở Việt Nam nhiều năm và rất mê gạo, cà phê, trái cây của Việt Nam.
Hiện có không ít mặt hàng nông sản của Việt Nam được xuất sang Hàn Quốc. Về trái cây có những sản phẩm như dừa, thanh long, xoài, măng cụt, chuối, ổi, bưởi... Về rau củ có cà rốt, tỏi, bông cải xanh, rau diếp hay cải thảo...
Tuy nhiên, theo ông Lê An Hải - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hàn Quốc, trong 20 nước xuất khẩu thực phẩm lớn của Hàn Quốc, Việt Nam mới chỉ đứng thứ 5, chiếm 2,3 – 2,5% tổng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của Hàn Quốc. Chất lượng thực phẩm của Việt Nam không thua kém các sản phẩm cùng loại của các nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan khiến hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam vẫn chưa có được thị phần tương xứng so với các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường Hàn Quốc.
Làm sao gỡ rào cản?Hàn Quốc hiện được xem là thị trường khó tính nhất châu Á về điều kiện đối với nông sản nhập khẩu. Theo ông Hải, rào cản đối với mặt hàng rau quả của Việt Nam sang Hàn Quốc là các quy định nhập khẩu ngặt nghèo. Các loại rau quả tươi nhập khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan chức năng của Hàn Quốc ban hành. Đối với các loại rau quả chế biến, nhà máy cung cấp cần phải đạt được giấy chứng nhận xuất khẩu do phía Hàn Quốc cấp sau khi họ đã kiểm tra dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị chế biến, kho lưu giữ bảo quản sản phẩm...
Về trái cây, người Hàn Quốc đang sử dụng thường xuyên sản phẩm nhập từ Philippines, Mỹ và Thái Lan, còn rau thì từ Trung Quốc, Mỹ và Nhật. Chỉ có mặt hàng hải sản là Việt Nam vẫn đang có thị phần xứng đáng cùng với Trung Quốc và Nhật Bản.
Việt Nam và Hàn Quốc vẫn chưa có hiệp định kiểm dịch cho thực phẩm. Vì vậy, Bộ Công Thương chủ trương làm sao trao đổi ký kết hiệp định chung về kiểm dịch thực phẩm giữa 2 nước, tạo khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.
|
Theo đại diện của Tập đoàn Lotte (một trong những nhà nhập khẩu hàng đầu tại Hàn Quốc), những mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam có tiềm năng lớn ở Hàn Quốc là thủy sản (tôm, mực lá, cá cơm, cá hú, cá diêu hồng, ghẹ, bạch tuộc...), trái cây (dừa, chanh dây, thanh long, xoài, măng cụt, chôm chôm, đu đủ, ổi...), rau củ quả (ớt, cà rốt, tỏi, gừng, nấm, bông cải xanh, rau diếp, cải thảo...). Lý do là nông sản Việt Nam khá rẻ so với Thái Lan và Trung Quốc.
Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, Việt Nam cần đảm bảo tính đồng nhất về kích thước, hương vị, màu sắc, kỹ thuật đóng gói bao bì kém, cần chọn lọc kỹ sản phẩm (tránh lẫn nhiều sản phẩm hỏng), tránh lẫn nhiều dị vật (đất, tóc, lá cây...). “Tôi muốn nhấn mạnh, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu thực phẩm sang Hàn Quốc không chỉ đòi hỏi chất lượng sản phẩm, giá cả, mà cần phải chú ý phương thức kinh doanh, chiến lược tiếp cận thị trường, bao bì mẫu mã... Không phải đi bán thứ mình có, mà phải tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng của thị trường mà mình nhắm đến, để xuất khẩu sản phẩm mà Hàn Quốc đang cần”- ông Hải nói.
Mai Nguyễn (Mai Nguyễn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.