Nông sản Việt nâng “tín nhiệm”, rộng đường xuất khẩu
Nông sản Việt nâng “tín nhiệm”, rộng đường xuất khẩu
Khương Lực
Thứ sáu, ngày 18/12/2020 07:45 AM (GMT+7)
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NNPTNT) cho biết, trong số hơn 40 tỷ USD xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thì riêng lĩnh vực trồng trọt chiếm khoảng 50% và những cây tỷ đô cũng nằm ở ngành trồng trọt nhiều nhất. Đặc biệt, chúng ta đã mở cửa thị trường xuất khẩu nhiều nông sản tới các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…
Trước tác động của đại dịch Covid-19, phát biểu tại Hội nghị về chế biến nông sảnvà cơ giới hóa nông nghiệp đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hiện nay, nông nghiệp Việt Nam còn tiềm năng lớn, có thể làm giàu từ nông nghiệp.
Vấn đề đặt ra là chúng ta cần định hướng xây dựng một nềnnông nghiệp tín nhiệm, đó là nông nghiệp sạch, an toàn, chất lượng, nông nghiệp hữu cơ.
Mở cửa thị trường, xuất khẩu nhiều nông sản
Vượt qua những tác động mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vẫn ước đạt 41 tỷ USD trong năm 2020. Đáng chú ý, trong năm 2020, Cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành đàm phán với 19 nước, tập trung vào 10 loại quả Việt Nam có lợi thế để xuất khẩu.
Hiện nay, nhiều loại trái cây và củ chúng ta đã đàm phán xong phần kỹ thuật, chỉ chờ phía bạn đưa chuyên gia sang kiểm tra, đánh giá thực tế tại Việt Nam, sau đó hoàn tất các hồ sơ kỹ thuật và ký Nghị định thư chính thức cho phép xuất khẩu các loại trái cây và củ sang các thị trường này.
"Trong năm 2020, chúng ta đã đàm phán và mời chuyên gia của Nhật Bản sang kiểm tra và tiến hành xuất khẩu thành công vải thiều sang thị trường Nhật Bản; thứ hai, quả bưởi với Mỹ chuẩn bị hoàn tất hồ sơ là xong; thứ ba, quả thanh long ruột đỏ chúng ta cũng làm và chính thức xuất khẩu đi được sang Hàn Quốc" - ông Hoàng Trung thông tin.
Mặc dù rất khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng tiến độ đàm phán cũng như mở cửa thị trường và kết quả đạt được rất khả quan. Ngày 8/12, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Việt Nam Nguyễn Xuân Cường và ông Nghê Nhạc Phong, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư xuất khẩu thạch đen sang Trung Quốc.
Tận dụng cơ hội có một không hai này, ông Hà Viết Quý, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư XNK Đức Quý ở thôn Khuổi Só, xã Kim Đồng (Tràng Định, Lạng Sơn) cho biết, doanh nghiệp vừa ký hợp đồng xuất khẩu chính ngạch 1.000 tấn bột thạch đen sang thị trường Trung Quốc.
Nhờ thị trường mở rộng, giá mua thạch đen đang ở mức 40.000-50.000 đồng/kg thạch khô, tăng gấp đôi so với thời điểm giữa năm. Tuy nhiên, để xuất khẩu thạch đen chính ngạch sang Trung Quốc, nông dân trồng thạch đen cần lưu ý không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc hóa học mà cần tăng cường sử dụng thuốc sinh học và phân bón hữu cơ.
Đồng thời, tăng cường kiểm soát cỏ dại, côn trùng, đất khi thu hoạch sản phẩm thạch đen. Phía Trung Quốc đã yêu cầu phải kiểm tra, giám sát và loại bỏ 100% các loại côn trùng, cỏ dại và đất ra khỏi sản phẩm.
"Chúng ta xuất khẩu và các sản phẩm nông sản phải đáp ứng đầy đủ hai rào cản, một là kiểm dịch thực vật, hai là an toàn thực phẩm - đó là dư lượng thuốc BVTV. "Thực tế, tiêu chuẩn của các nước như: EU, Mỹ, Nhật Bản… rất cao và gắt gao. Chúng ta phải có cách thức hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV một cách bài bản thì các sản phẩm mới đáp ứng và xuất khẩu đi được" - ông Trung nói.
Những năm gần đây, nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển như EU, Nhật, Mỹ… đang nhập khẩu nhiều nông sản đã đưa ra những quy định pháp luật nghiêm ngặt về mức tồn dư tối đa cho phép đối với các hoạt chất thuốc BVTV trong thực phẩm và tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu.
Để vượt qua hàng rào kỹ thuật này, sự lựa chọn khôn ngoan và hiệu quả nhất của người sản xuất và xuất khẩu nông sản là tăng sử dụng phân hữu cơ và thuốc BVTV sinh học để giảm dần thuốc hóa học trong sản xuất.
Những bước tạo đà để bứt phá
Việc phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học là hai chương trình lớn đã được Ban cán sự Đảng bộ NNPTNT thông qua. Đây là những chương trình rất quan trọng để Việt Nam chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và bảo đảm chất lượng hàng hóa phục vụ cho 100 triệu dân tiêu dùng ở Việt Nam và hướng tới xuất khẩu.
Ngay đầu năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã ban hành Chỉ thị số 117/CT-BNN-BVTV về tăng cường phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ tại Việt Nam. Chỉ thị nêu rõ, phát triển phân bón hữu cơ là hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam kể cả trước mắt và lâu dài.
Trong 3 năm qua, từ chỗ chúng ta mới chỉ có 8% phân bón hữu cơ thì đến nay đã có 18,5% với tổng số sản phẩm phân bón hữu cơ đã cấp quyết định lưu hành là 4.468 sản phẩm, tăng hơn 4 lần so với thời điểm 2017. Tổng công suất các nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ cũng tăng trong thời gian qua và đến nay đã đạt 3,5 triệu tấn.
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp và địa phương đã tham gia, đồng hành với Cục Bảo vệ thực vật để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, vận hành nhà máy để đến hết năm 2020 đạt 2 triệu tấn và những năm tiếp theo đạt 3-5 triệu tấn. Tương xứng với đó, đến hết năm 2020, chúng ta đạt ít nhất 1% diện tích đất trồng trọt theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Năm 2019, ước tính thị trường thuốc BVTV sinh học ở nước ta có giá trị 30,7 triệu USD, đến năm 2024 sẽ đạt 65,7 triệu USD, với mức tăng trưởng trên 16,4%/năm (BCA, 2016). Đây là con số hoàn toàn nằm trong khả năng của chúng ta do nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường và những thay đổi trong sản xuất chuỗi.
Về chương trình phát triển và sử dụng thuốc BVTV sinh học, Cục BVTV đã tập trung ưu tiên chính sách để các doanh nghiệp đăng ký và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhiều hơn. Đến nay, số lượng thuốc BVTV sinh học đã được đưa vào danh mục là 18,26%, đưa Việt Nam đứng đầu trong khu vực ASEAN về số lượng thuốc BVTV sinh học.
"Chúng tôi đã lựa chọn các sản phẩm thuốc BVTV sinh học mới, tốt, hiệu quả. Từ đó, phối hợp cùng với khuyến nông và các địa phương tuyên truyền cho người dân sử dụng các sản phẩm đã được kiểm chứng này, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ"- ông Trung nói.
Theo ông Trung, trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước về nông sản thực phẩm an toàn, hữu cơ, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2025 tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đăng ký lên 30%.
Một vấn đề đặt ra là thuốc BVTV sinh học, đặc biệt là các chế phẩm vi sinh trên đồng ruộng được sử dụng vẫn còn hạn chế, ước tính mới chỉ chiếm 8-10% tổng lượng thuốc. Thói quen sử dụng thuốc hóa học vẫn là điểm yếu nhất đối với công tác BVTV ở nước ta nhiều năm qua.
Liên quan đến vấn đề này, ông Huỳnh Tấn Đạt, Trưởng phòng Quản lý thuốc BVTV (Cục BVTV) cho biết, thuốc BVTV sinh học đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật trong vấn đề sử dụng rất chặt chẽ, đó là sử dụng đúng chủng loại, liều lượng và phạm vi; nếu không sử dụng đúng sẽ không có hiệu quả.
"Thuốc BVTV sinh học khả năng chuyên tính, khả năng phòng trừ dịch hại rất rõ, chỉ chuyên tính trừ một số loài và thời gian bảo quản thuốc rất ngắn, chỉ khoảng 6 tháng đến 1 năm nên việc lưu thông, vận chuyển, buôn bán trên thị trường còn nhiều khó khăn so với thuốc hóa học" – ông Đạt nói.
Cũng theo ông Đạt, đối với thuốc sinh học, giá thành, công nghệ còn rất nhiều khó khăn trong quá trình chuyển giao và giá thành còn cao hơn. Bên cạnh đó, hiệu lực sinh học không cao bằng thuốc hóa học nhưng lại có hiệu lực kéo dài, vài năm vẫn đánh giá được hiệu lực.
"Điều này đòi hỏi việc sử dụng thuốc BVTV sinh học trong thời gian dài, với quy mô, phạm vi phải gần như áp dụng đồng loạt, nếu áp dụng trong nhỏ, hẹp hoặc không phù hợp thì không triển khai được" – ông Đạt nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.