Việt Nam đứng đầu ASEAN về thuốc bảo vệ thực vật sinh học
Việt Nam đứng đầu ASEAN về thuốc bảo vệ thực vật sinh học
Khương Lực
Chủ nhật, ngày 22/11/2020 16:08 PM (GMT+7)
Trong những năm gần đây, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học ngày càng được sử dụng nhiều để thay thế thuốc hóa học, kể cả ở các quốc gia phát triển và đang phát triển. Trong 10 nước ASEAN, Việt Nam là nước đứng đầu về số lượng cũng như chủng loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới như các nước Bắc Mỹ (NAFTA - Hoa Kỳ, Canada và Mexico) là những quốc gia sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học số lượng lớn, chiếm khoảng 45%; các nước thuộc Liên minh châu Âu chiếm khoảng 20% tổng số thuốc BVTV sinh học trên toàn cầu.
Hiện nay, trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam có 1.084 hoạt chất với 4.021 tên thương phẩm, trong đó thuốc BVTV sinh học có 231 hoạt chất với 721 tên thương phẩm, chiếm 18,26% trong tổng các thuốc BVTV trong Danh mục.
Cứu cánh để vượt hàng rào kỹ thuật
Trước lo ngại về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là bệnh tật, từ năm 2019 đến nay, bà Nguyễn Thị Hợp - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Công Cối, xã Đại Xuân (Quế Võ, Bắc Ninh) đã áp dụng công nghệ vi sinh vật bản địa (IMO) để ngâm ủ với các loại cây như: mật gấu, xuyến chi, giềng, tỏi, ớt, sả… làm thuốc BVTV sinh học để phun cho lúa.
Cùng với đó, bà Hợp ngâm IMO với cá, rác bếp để làm phân bón hữu cơ cho lúa. Do quá trình canh tác dùng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học nên chất lượng gạo do HTX làm ra vượt trội, bán cao hơn giá thị trường từ 2-3 nghìn đồng. Đáng chú ý, mới đây, gạo thơm Đại Xuân do HTX làm ra đã được UBND tỉnh Bắc Ninh đánh giá, phân loại 4 sao.
Thấy cách làm của bà Hợp có hiệu quả, hơn chục chị em phụ nữ trong thôn, xóm đã làm theo để tạo ra sản phẩm an toàn cho bữa ăn gia đình. Tuy nhiên, theo bà Hợp, việc bón, tưới phân và phun thuốc BVTV làm từ công nghệ IMO gốc này tốn khá nhiều công sức. "Quanh quẩn suốt ngày đeo bình để tưới, phun. Nếu có cách nào lười bớt thì người ta làm theo nhiều" – bà Hợp cho biết.
Từ năm 2011, ông Đoàn Văn Tài (ấp Kinh, xã Trung Ngãi, Vũng Liêm, Vĩnh Long) đã tự mày mò, khảo nghiệm trồng lúa hữu cơ trên mảnh đất của gia đình. Thời điểm đó, chưa có nhiều thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học nên ông cũng tự điều chế thuốc từ tỏi, gừng, ớt, sả… ngâm ủ với nhau rồi phun.
"Bây giờ có nhiều loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, kể cả cấy vi sinh vào để nó phát triển và tấn công dịch hại. Các nhà khoa học đã nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều chế phẩm như: nấm xanh, nấm trắng, nấm hồng… phun ký sinh trên dịch hại; qua đó nó sẽ hỗ trợ điều trị một số loại sâu cuốn lá, sâu rầy rất hay" – ông Tài cho biết.
Theo ông Tài, muốn phát triển được nông nghiệp hữu cơ và tác dụng phòng trừ của thuốc BVTV sinh học thì phải tập trung diện tích lớn, sản xuất cùng quy trình mới đảm bảo chất lượng sản phẩm và hiệu quả đầu tư.
Vì thế, năm 2017, ông vận động, thành lập HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt với 15 thành viên tham với diện tích 11,5ha. Đến nay, HTX đã thu hút được 109 thành viên tham gia sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 100ha, trong đó có 60 ha đã được cấp chứng nhận quốc tế.
Chúng ta xuất khẩu và các sản phẩm nông sản phải đáp ứng đầy đủ hai rào cản, một là kiểm dịch thực vật, hai là an toàn thực phẩm - đó là dư lượng thuốc BVTV. Thực tế, tiêu chuẩn của các nước như: EU, Mỹ, Nhật Bản rất cao và gắt gao. Chúng ta phải có cách thức hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV một cách bài bản thì các sản phẩm mới đáp ứng và xuất khẩu đi được.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT)
"Sản xuất lúa hữu cơ không chỉ tạo ra hiệu quả cao về kinh tế, giúp tăng 1,5-2 lần thu nhập cho các thành viên (khoảng 7 triệu đồng/1.000m2) mà còn đem lại một điều vô cùng quý báu là sức khỏe cho người tiêu dùng, cho cả cộng đồng" - ông Tài nhấn mạnh.
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV cho biết, trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước về nông sản thực phẩm an toàn, hữu cơ, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2025 tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đăng ký lên 30%.
"Chúng ta xuất khẩu và các sản phẩm nông sản phải đáp ứng đầy đủ hai rào cản, một là kiểm dịch thực vật, hai là an toàn thực phẩm - đó là dư lượng thuốc BVTV. Thực tế, tiêu chuẩn của các nước như: EU, Mỹ, Nhật Bản rất cao và gắt gao. Chúng ta phải có cách thức hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV một cách bài bản thì các sản phẩm mới đáp ứng và xuất khẩu đi được" - ông Trung nói.
Theo ông Trung, trong số hơn 40 tỷ USD xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thì riêng ngành trồng trọt chiếm hơn 50%, khoảng 20 tỷ USD và những cây tỷ đô cũng nằm ở ngành trồng trọt nhiều nhất.
Điều đó khẳng định công tác quản lý thuốc BVTV đã đem lại hiệu quả về quản lý và nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng thuốc BVTV hiệu quả, an toàn với sức khỏe con người và môi trường, nâng cao giá trị nông sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Thuốc BVTV sinh học dùng cho rau chiếm 50%
Việt Nam là nước có thế mạnh về thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, đặc biệt là các thuốc về vi sinh vật và thảo mộc.
Hàng năm, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn xuất khẩu thuốc BVTV sinh học sang hơn 9 quốc gia, trong năm 2019 khối lượng xuất khẩu là 930 tấn (chiếm 5,8% lượng thuốc BVTV xuất khẩu) vào các thị trường có thị phần nhập khẩu lớn như: Đài Loan, Campuchia, Nhật Bản, Singapore, Lào, Myanmar, Trung Quốc và các nước khác.
Trong 3 năm gần đây, các sản phẩm thuốc BVTV sinh học đề nghị cấp Giấy phép khảo nghiệm đăng ký tăng đều. Năm 2017 có 35 hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khảo nghiệm, năm 2018 có 22 hồ sơ đăng ký, năm 2019 tăng lên đến 50 hồ sơ. Đáng chú ý, thuốc BVTV sinh học được đăng ký sử dụng cho cây rau chiếm khoảng 50% tổng số thuốc BVTV sinh học.
Một số công nghệ sản xuất thuốc BVTV sinh học phổ biến trên thế giới đã được đăng ký và ứng dụng tại Việt Nam như: Thuốc BVTV sinh học nano, Chitosan, sản xuất chế phẩm virus nhân đa diện NPV, sản xuất chế phẩm vi sinh, sản xuất chế phẩm nấm đối kháng, thuốc sinh học sản xuất chiết xuất từ thảo mộc.
So với các nước trong khu vực, số lượng hoạt chất thuốc BVTV sinh học trong Danh mục của nước ta khá nhiều và đa dạng, trong đó có rất nhiều các hoạt chất sinh học mới lần đầu tiên được ứng dụng trong BVTV như: Anacardic acid, Laminarin, Verticillium chlamydosporium, Quilajja saponarria, Capsacin, Talin…
Hàng năm, lượng thuốc BVTV sinh học nhập khẩu vào Việt Nam khoảng 15 nghìn tấn, chiếm 15%. Các loại thuốc sinh học có thành phần hữu hiệu là vi sinh vật có ích hầu hết được sản xuất trong nước, ước tính khoảng 5 nghìn tấn/năm.
Dẫu vậy, thuốc BVTV sinh học, đặc biệt là các chế phẩm vi sinh trên đồng ruộng được sử dụng vẫn còn hạn chế, ước tính mới chỉ chiếm 8-10% tổng lượng thuốc. Thói quen sử dụng thuốc hóa học vẫn là điểm yếu nhất đối với công tác BVTV ở nước ta nhiều năm qua. Do đó, trong thời gian tới cần tập trung mọi nỗ lực để khắc phục.
Liên quan đến vấn đề này, ông Huỳnh Tấn Đạt, Trưởng phòng Quản lý thuốc BVTV (Cục BVTV) cho biết, thuốc BVTV sinh học đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật trong vấn đề sử dụng rất chặt chẽ, đó là sử dụng đúng chủng loại, liều lượng, thời điểm và phạm vi; nếu không sử dụng đúng sẽ không có hiệu quả.
"Thuốc BVTV sinh học khả năng chuyên tính, khả năng phòng trừ dịch hại rất rõ, chỉ chuyên tính trừ một số loài và thời gian bảo quản thuốc rất ngắn, chỉ khoảng 6 tháng đến 1 năm nên việc lưu thông, vận chuyển, buôn bán trên thị trường còn nhiều khó khăn so với thuốc hóa học" – ông Đạt nói.
Cũng theo ông Đạt, đối với thuốc sinh học, giá thành, công nghệ còn rất nhiều khó khăn trong quá trình chuyển giao và giá thành còn cao hơn. Bên cạnh đó, hiệu lực sinh học không cao bằng thuốc hóa học nhưng lại có hiệu lực kéo dài, vài năm vẫn đánh giá được hiệu lực.
"Điều này đòi hỏi việc sử dụng thuốc BVTV sinh học trong thời gian dài, với quy mô, phạm vi phải gần như áp dụng đồng loạt, nếu áp dụng trong nhỏ, hẹp hoặc không phù hợp thì không phát huy được thế mạnh của thuốc sinh học" – ông Đạt nhấn mạnh.
Năm 2019, ước tính thị trường thuốc BVTV sinh học ở nước ta có giá trị 30,7 triệu USD, đến năm 2024 sẽ đạt 65,7 triệu USD, với mức tăng trưởng trên 16,4%/năm (BCA, 2016). Đây là con số hoàn toàn nằm trong khả năng của chúng ta do nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường và những thay đổi trong sản xuất chuỗi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.