Không biết tận dụng thương hiệu
Như Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã khẳng định trước Quốc hội trong phiên chất vấn tuần qua, trên thực tế, Việt Nam cũng có nhiều mặt hàng nông sản chất lượng tốt, song lại thường bị nước ngoài mua về (ở dạng thô), rồi chế biến và dán thành nhãn mác khác.
|
Cà phê đang “chịu thiệt” hàng trăm lần do xuất khẩu dạng thô. |
Trao đổi với NTNN, nhiều chuyên gia cho biết, đúng là đang có hiện tượng này xảy ra. Nêu ví dụ cụ thể về sản phẩm của quê mình, ông Vũ Đình Bác – Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) cho biết, mặc dù sản phẩm vải thiều Thanh Hà đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhưng khi đưa ra thị trường vẫn bị “mập mờ” thương hiệu.
“Vẫn có hiện tượng các loại vải chất lượng không cao lợi dụng thương hiệu này để trục lợi. Hơn nữa, mặt hàng vải khi xuất khẩu, chủ yếu ở dạng tươi, nên khi sang một số nước lân cận, họ chỉ cần làm vài công đoạn sơ chế, bóc vỏ và đóng gói dán nhãn sản phẩm với thương hiệu khác là có thể làm cho giá trị tăng lên gấp nhiều lần” - ông Bác cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Hoàng Ngọc- Văn phòng Luật sư Nhiệt Tâm và cộng sự (Hà Nội) cho biết: “Trường hợp xuất khẩu ở dạng sản phẩm tươi, các nước nhập về sau đó gia công chế biến lại, họ dán nhãn thương hiệu của họ lên sản phẩm để được ra thị trường, xét ở góc độ thương hiệu, họ không hề vi phạm”.
Có thể nói, đây là một điều rất thiệt thòi cho hàng hóa nông sản nước ta hiện nay, bởi công đoạn này Trung Quốc đang làm khá dễ dàng, khi họ nhập sản phẩm thô của Việt Nam về, rồi gia công đóng hộp rất nhiều, nhưng cũng rất khó để chứng minh nguồn gốc của các sản phẩm đó dù chúng ta đã có chỉ dẫn địa lý. “Ở đây chỉ có thể tự trách mình, các doanh nghiệp của Việt Nam đã không thực hiện khâu chế biến, do đó đã tự đánh mất thương hiệu của chính mình” - luật sư Ngọc nhận định.
Vẫn yếu ở khâu chế biến
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong (Viện Khoa học xã hội Hà Nội) cho rằng: “Hiện giá trị xuất khẩu của các mặt hàng nông sản ở nước ta rất thấp, nguyên nhân là chủ yếu mới xuất ở dạng thô. Điển hình nhất là mặt hàng cà phê, người nông dân sản xuất ra nếu bán được 15.000 đồng/kg, nhưng sau khi nhập về và chế biến, các nước bán ra tới 1,5 triệu đồng/kg (tức gấp 1.000 lần)”.
“Khó khăn nhất đối với cà phê là hiện các nước châu Âu vẫn giữ thuế nhập khẩu mặt hàng cà phê sau chế biến quá cao (12-15%), trong khi thuế nhập khẩu cà phê thô ở mức 0%”.
Ông Nguyễn Viết Vinh
Theo ông Phong, trước đây, mặt hàng lúa gạo của chúng ta cũng bị Thái Lan nhập thô về để sơ chế và bán ra với giá trị cao hơn. Do đó, cần phải xác định được các mặt hàng chiến lược, có quy hoạch cụ thể để đầu tư vào các loại giống tốt, ổn định sản lượng đầu tư vào chế biến sau thu hoạch để đa dạng hóa các sản phẩm.
Cũng liên quan đến vấn đề này, theo ông Nguyễn Viết Vinh – Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, thực trạng ở nước ta hiện nay là hầu hết các mặt hàng nông sản, thủy sản đều phải qua khâu tiêu thụ của nước ngoài.
Hiện 1kg cà phê chỉ bán được trung bình 2USD nhưng qua khâu chế biến người ta bán tới 7USD/ cốc cà phê. Tuy nhiên, muốn giải quyết được bài toán nâng cao giá trị là cả một quá trình từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến…
“Theo tôi, cần đẩy mạnh việc sản xuất theo hướng bền vững, từ đó xây dựng chỉ dẫn địa lý rồi đầu tư khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch để nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân” - ông Vinh cho biết.
Thanh Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.